Tôm sú Ảnh hưởng của độ mặn lên hiệu quả sử dụng thức ăn và tiêu hao oxy của tôm sú

Ảnh hưởng của độ mặn lên hiệu quả sử dụng thức ăn và tiêu hao oxy của tôm sú

Tác giả NH Tổng Hợp, ngày đăng 02/04/2020

Nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của độ mặn lên thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn, độ tiêu hóa (thức ăn, đạm, năng lượng) và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú cần thiết.

Tôm sú (Penaeus monodon) là đối tượng nuôi quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam thì tôm nuôi chủ yếu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôm sú được xác định là đối tượng quan trọng trong cơ cấu các đối tượng nuôi thủy sản ở vùng nước lợ. 

Theo nhiều tác giả thì độ mặn thích hợp cho nuôi tôm sú từ 15-25‰ (Padlan, 1982). Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long một số nơi người dân đã tiến hành nuôi tôm sú trong những vùng nhiễm mặn theo mùa với mô hình phổ biến là luân canh tôm sú (mùa khô) và lúa (mùa mưa) đạt hiệu quả được khá cao. Ngược lại, một số nơi khác người nuôi tôm sú phải gặp trở ngại do sự gia tăng cao độ mặn trong suốt mùa khô.

Độ mặn có vai trò khá quan trọng đối với sự phát triển của nghề nuôi tôm sú nói chung, Tuy nhiên, sống trong môi trường nước cơ thể tôm còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện môi trường thông qua sự tác động lên các phản ứng sinh lý, làm ảnh hưởng đến sự phát triển và tỷ lệ sống của tôm nuôi. 

Nghiên cứu về ảnh hưởng của độ mặn lên các chỉ tiêu sinh lý về tiêu hóa và hô hấp được nghiên cứu (Rosas et al., 2001). Các nghiên cứu của Carefoot (1990) cho thấy quá trình tiêu hóa thức ăn có ảnh hưởng đến các thông số trao đổi chất, đặc biệt là khả năng tiêu hao oxy. Mặt khác, Cho et al. (1994) có nhận xét là khả năng tiêu hóa thức ăn của đối tượng nuôi có liên quan mật thiết đến hiệu quả kinh tế và việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc tìm hiểu ảnh hưởng của độ mặn lên thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn, độ tiêu hóa (thức ăn, đạm, năng lượng) và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú cần thiết.

Phương pháp thí nghiệm

Các thí nghiệm được thực hiện trên tôm sú giống (10±2 g) ở các độ mặn 3‰, 15‰, 25‰ và 35‰. Thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn của tôm sú được tiến hành trên bể nhựa 1 m3 , dạ dày tôm được thu sau khi cho tôm ăn lúc 20 và 40 phút và 1, 2, 3, 4 và 5 giờ, mỗi nhịp thu 10 tôm ở mỗi độ mặn để xác định lượng thức ăn, thời gian tôm sử dụng và tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày. 

Độ tiêu hóa thức ăn, đạm và năng lượng của tôm được tiến hành trên bể composite 0,5m3 với phương pháp bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và lặp lại ba lần. Xác định độ tiêu hóa được thực hiện thông qua thức ăn có chất đánh dấu o-xit crom (Cr2O3). 

Tiêu hao oxy của tôm được xác định bằng hệ thống hô hấp kế với 10 cá thể tôm được đo riêng biệt ở mỗi độ mặn trong 24 giờ

Kết quả

Độ mặn có ảnh hưởng đến thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn và tiêu hao oxy cơ sở của tôm sú. Ở độ mặn 3‰, sau khi cho ăn 20 phút khối lượng thức ăn trong dạ dày tôm đạt giá trị lớn nhất là 0,028 g. Khi tôm sống ở độ mặn mà cơ thể phải điều hòa áp suất thẩm thấu (3‰ và 35‰) thì lượng thức ăn tôm sử dụng nhiều hơn khi sống ở độ mặn mà tôm ít phải điều hòa áp suất thẩm thấu (15‰ và 25‰). Lượng thức ăn lớn nhất trong dạ dày tôm ở độ mặn 3‰ và 35‰ tương ứng là 0,028 g và 0,025 g, trong khi đó lượng thức ăn lớn nhất trong dạ dày của tôm ở các độ mặn 15‰ và 25‰ là 0,023 g và 0,021 g.

Tổng thời gian sử dụng và tiêu hóa thức ăn ở dạ dày tôm ở độ mặn 3‰ từ 3-4 giờ sau cho ăn và ở các độ mặn 15, 25 và 35‰ là tương đương nhau từ 4-5 giờ sau cho ăn. 

Độ tiêu hóa (thức ăn, đạm và năng lượng) của tôm sống trong môi trường có độ mặn 3‰ thấp hơn có ý nghĩa so với các độ mặn 15, 25 và 35‰

Tiêu hao oxy cơ sở của tôm ở độ mặn 3‰ là thấp nhất so với các độ mặn còn lại 15, 25 và 35‰) và thấp có ý nghĩa so với ở độ mặn 25‰.

Tôm sú có khả năng điều chỉnh hoạt động sinh lý của cơ thể để thích nghi với độ mặn thấp tới 3‰, khi nuôi tôm ở độ mặn thấp cần tăng tần suất cho tôm ăn trong ngày nhiều hơn ở độ mặn cao. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tôm sú có khả năng điều chỉnh hoạt động sinh lý cơ thể nhằm hạn chế sự mất năng lượng để thích nghi với độ mặn thấp. Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thì cần tăng tần suất cho tôm ăn trong ngày nhiều hơn ở độ mặn cao.

Theo Đoàn Xuân Diệp , Đỗ Thị Thanh Hương  và Nguyễn Thanh Phương.


Có thể bạn quan tâm

phong-tri-benh-o-tom-su Phòng, trị bệnh ở tôm… thoi-gian-chieu-sang-anh-huong-den-tang-truong-cua-tom-su-chua-thanh-nien-juvenile Thời gian chiếu sáng ảnh…