Mô hình kinh tế Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Hồ Tiêu Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ…

Áp Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Hồ Tiêu Vấn Đề Còn Bỏ Ngỏ…

Ngày đăng 10/03/2014

Hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, nhiều nơi người dân ồ ạt trồng tiêu với diện tích lớn nhưng chủ yếu theo hình thức tự phát và chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn, các nhà chuyên môn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt trong thời gian qua.

Tính đến thời điểm năm 2013, tổng diện tích tiêu trên địa bàn toàn tỉnh là 11.245 ha. Các hộ trồng tiêu hiện nay đa phần đều dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ các hộ trồng tiêu đi trước, hay học theo các hộ có vườn tiêu tốt, năng suất cao mà không hề quan tâm đến vấn đề thổ nhưỡng, giống tiêu có phù hợp hay không.

Người dân trồng tiêu ồ ạt, theo đủ mọi hình thức: trụ gỗ, trụ xi măng, cây sống… Các giống cũng rất đa dạng song chất lượng giống cũng còn nhiều điểm phải bàn.

Trồng và chăm sóc không đúng cách, cộng với thời tiết những năm gần đây biến động thất thường đã làm cho nhiều vườn tiêu bị thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê, trong năm 2013, diện tích tiêu chết vào khoảng hơn 1.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện như: Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang, Chư Prông, Đức Cơ. Tình trạng tiêu chết sau vài năm cho thu quả khiến không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì trồng tiêu.

Xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) cách đây vài năm được xem là đất trồng tiêu tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh. Tuy nhiên đầu năm nay, diện tích tiêu chết trên địa bàn xã chiếm quá nửa.

Anh Lưu Văn Thảo (thôn Dư Keo) cho biết: “Gia đình tôi trồng 2.000 trụ tiêu đã thu hoạch được 4 năm vậy mà đến năm 2012 tiêu bắt đầu chết, cuối năm 2013 thì không còn trụ nào. Giờ tôi phải nhổ trụ đi bán và chuyển qua trồng cây khác”.

Chung cảnh ngộ với nhà anh Thảo, gia đình anh Puih Thung (làng Tai Pêr) cũng có 1.200 trụ tiêu cũng chết hoàn toàn. Theo thống kê năm 2013, xã Ia Ko (huyện Chư Sê) đã có 3.325 trụ tiêu bị chết.

“Khoa học chưa giúp ích được nhiều”-đó là nhận xét của ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê về mối quan hệ giữa nhà nông-nhà khoa học trong việc hợp tác canh tác cây hồ tiêu.

Theo ông Bính, mấy năm gần đây, người dân mở rộng diện tích tiêu quá lớn nhưng đa phần đều trồng theo cảm tính, chưa có sự hướng dẫn và vào cuộc sát sao của các nhà khoa học. Diện tích tiêu chết ngày càng tăng, hơn ai hết chính nhà nông là người phải chịu thiệt hại. Để cây tiêu phát triển bền vững, lâu dài thì không hề dễ.

Nếu chỉ dựa trên cảm quan để trồng thì cây tiêu sẽ không phát triển tốt. Hiện nay, người dân chưa được hỗ trợ nhiều về thông tin cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu. Nhiều quy trình quan trọng tác động trực tiếp đến thành bại của cây tiêu bị nhà nông bỏ qua.

Giá cao và thời gian thu hoạch ngắn hơn so với cây cà phê, cao su và nhiều loại cây trồng khác chính là lợi thế của cây hồ tiêu. Nhận thấy lợi nhuận lớn, người dân đã đua nhau trồng loại cây tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản chút nào này.

Tuy vậy, để cây tiêu phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, rất cần thay đổi quan điểm và phương thức trồng tiêu, cần áp dụng hơn nữa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiêu.


Có thể bạn quan tâm

rui-ro-cao-khi-xuat-khau-thanh-long-bang-duong-tieu-ngach Rủi Ro Cao Khi Xuất… mo-hinh-luan-canh-lua-bap-giup-tang-thu-nhap Mô Hình Luân Canh Lúa…