Mô hình kinh tế Áp lực hội nhập với nông dân Việt TPP là cái chi chi

Áp lực hội nhập với nông dân Việt TPP là cái chi chi

Ngày đăng 11/11/2015

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thông tin về TPP cho nông dân, nếu Nhà nước thiếu giải pháp hỗ trợ mạnh hơn cho nông dân thì họ sẽ không được hưởng lợi gì, bởi xuất phát điểm khá thấp…

TPP là cái chi chi?

Anh Trần Thanh Phương, một chủ hộ nuôi gà ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết rằng sắp có “TPP gì đó” ảnh hưởng tới nông dân.

Và khi được phóng viên giới thiệu về hiệp định này, anh cũng chẳng tỏ ra quan tâm chút nào.

“Quan tâm gì nổi với thân phận làm thuê, nuôi gia công như tôi hiện nay.

Có quan tâm, thì ông chủ tôi quan tâm kìa” – anh giải thích đơn giản.

Gia đình anh Phương trước có một trang trại gà khoảng 2.000 con, nhưng từ 3 năm nay, dịch bệnh nhiều, làm ăn thua lỗ rồi phá sản nên anh đã chuyển qua nuôi gia công cho các công ty nước ngoài.

Tương tự, chị Lưu Thị Bạch Mây, có 1,2ha trồng bắp (ngô) ở xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cũng chẳng biết gì về TPP.

Sau đó, chị cũng tỏ ra khá lo lắng khi được biết bắp Mỹ sẽ tràn vào thị trường VN do thuế suất nhập khẩu sẽ giảm còn 0%.

Nhưng lo lắng chỉ được một chút, chị lại thở ra như quả bóng xì hơi và phán một câu đầy vẻ an phận: “Có vậy thì cũng chịu thôi, giờ họ đã nhập vào nhiều chứ đâu đợi 1, 2 năm nữa”.

Không như anh Phương và chị Mây, anh Huỳnh Thanh Sơn, nông dân trồng lúa ở ấp 1, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An lại tỏ ra có biết ít nhiều về TPP.

Đó là nhờ các con anh đang học đại học cập nhật thông tin cho anh.

Anh Sơn cho biết: “Tôi biết là mình phải thay đổi tập quán sản xuất, không thể chỉ chạy theo năng suất nữa mà phải đầu tư cho chất lượng và sản xuất lớn.

Nhưng sản xuất lớn như thế nào, đầu tư cho chất lượng ra sao thì tôi hoàn toàn mù mờ.

Nghe nói Nhà nước đang đẩy mạnh làm cánh đồng lớn, tôi cũng muốn tham gia lắm nhưng chỗ tôi đã có doanh nghiệp nào làm đâu mà tham gia? Còn nghe Cục Trồng trọt kêu bớt trồng giống lúa IR 50404, chuyển sang các giống lúa thơm, chất lượng cao, nhưng nếu chuyển thì có bảo đảm là sẽ có người mua không?”.

Xuất phát điểm thấp, rất khó cạnh tranh

"Cần doanh nhân hóa nông dân, đào tạo sao cho mỗi nông dân có kiến thức, kỹ năng, tầm nhìn như là một doanh nhân, một chủ doanh nghiệp, bổ sung vào đội ngũ doanh nhân ngay tức khắc thì mới mong đủ sức cạnh tranh với các nước trong TPP”. PGS-TS Nguyễn Minh Đức

Theo các chuyên gia, nông dân Việt Nam sẽ không hưởng lợi được gì nhiều từ TPP khi xuất phát điểm và trình độ sản xuất được đánh giá là thấp nhất trong 12 nước tham gia TPP hiện nay.

Ông Hà Công Tuấn -Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, trình độ của nông dân VN còn thấp, quy mô sản xuất lại nhỏ lẻ.

Trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp trên cả nước hiện nay thì có tới… 97,25% không được đào tạo nghề nghiệp, chỉ có 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp; 1,23% có trình độ trung cấp và 0,21% trình độ cao đẳng, đại học.

Còn trong gần 12 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, thì 80% trong số đó có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ.

“Với trình độ thấp, lại sản xuất nhỏ lẻ, thì sức mạnh kinh tế của hộ nông dân rất nhỏ bé, khả năng chịu đựng rủi ro thấp, vào TPP sẽ cạnh tranh không lại các nước.

Chính vì thế, TPP được coi như là “liều thuốc thử” cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nếu cả guồng máy quản lý, nông dân và doanh nghiệp không cải cách và liên kết thì trong sân chơi bình đẳng chung, với sự điều tiết khách quan của thị trường, nông dân và doanh nghiệp VN sẽ dễ dàng thua ngay trên sân nhà” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định.

PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành Trường Đại học Văn Hiến thì cho rằng, không phải nông nghiệp Việt Nam không có những lợi thế khi tham gia TPP như giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm, nông dân sẽ được tiếp cận những công nghệ sản xuất tiên tiến.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta không có chính sách nhập khẩu hợp lý, ngành nông nghiệp VN sẽ lệ thuộc nước ngoài về công nghệ, giống, thức ăn chăn nuôi”- PGS-TS Đức nhận định

Một trong những tổn thương khác mà các chuyên gia cảnh báo, khi TPP được ký kết, là làn sóng các công ty nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp VN sẽ tăng mạnh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động VN.

Tuy nhiên, mặt khác, các doanh nghiệp này cũng sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhỏ lẻ của VN và có thể bị thu giảm quy mô sản xuất, thậm chí phá sản, lao động mất việc làm cũng là điều không tránh khỏi.

10 kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp giai đoạn 2010-2015

Trong giai đoạn (2010-2015), ngành nông nghiệp - PTNT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua 10 kết quả nổi bật.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng.

Đến cuối năm 2015 có khoảng 1.500 xã và 9 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 30 tỷ USD vào năm 2014 là dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp; thị trường xuất khẩu nông sản khó khăn, sức mua giảm… Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 loại nông sản xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm.

Hình ảnh những cán bộ kiểm ngư anh dũng đấu tranh trên biển đã khích lệ lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Dù mới được thành lập (11.2012) nhưng Kiểm ngư đã khẳng định trọng trách lớn trong việc tham gia thực thi pháp luật trên biển, tích cực giúp đỡ và hỗ trợ ngư dân vươn khơi.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện trên cơ sở phát huy lợi thế của cả nước và mỗi địa phương gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ NNPTNT đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu; trong đó có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước và 7 quy hoạch khu vực, vùng, địa bàn cụ thể… qua đó, góp phần quan trọng duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng của toàn ngành.

Giữ ổn định 3,8 triệu ha đất trồng lúa là chủ trương lớn trong nông nghiệp được Quốc hội thông qua nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như sinh kế của nông dân.

Thông tư Liên tịch số 14 về “kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính” trong ngành NNPTNT đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc hệ thống; đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả...

Hơn 2,7 tỷ USD huy động nguồn vốn ODA trong nông nghiệp, nông thôn là mức kỷ lục trong 5 năm qua.

Từ nguồn vốn này, nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn… được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, qua đó góp phần phát huy nội lực trong nước và tăng vị thế của ngành nông nghiệp trên trường quốc tế.

Nông nghiệp công nghệ cao trở thành “làn sóng mới” trong sản xuất nông nghiệp.

Với tiềm lực về vốn, kinh nghiệm thương trường…, các doanh nghiệp lớn tập trung đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tạo ra những sản phẩm chất lượng, được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi....

Một nhiệm kỳ Quốc hội thông qua nhiều bộ luật nhất về lĩnh vực nông nghiệp.

3 Luật được thông qua gồm: Phòng chống chống thiên tai, Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Thú y.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là chính sách có hiệu quả rõ rệt nhất đối với việc bảo vệ và phát triển rừng hiện nay.

Khi chính sách đi vào cuộc sống đã nâng diện tích rừng được bảo vệ từ 2,8 đến 3,37 triệu ha.


Có thể bạn quan tâm

nhieu-mo-hinh-san-xuat-co-gia-tri-hon-1-ty-dong-ha Nhiều mô hình sản xuất… nguyen-nhan-vi-dau-dbscl-khat-lu Nguyên nhân vì đâu ĐBSCL…