Mô hình kinh tế Áp Lực Lúa Cuối Vụ

Áp Lực Lúa Cuối Vụ

Ngày đăng 24/10/2014

Do ảnh hưởng của mưa kết hợp với triều cường dâng cao trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa Thu đông cuối vụ trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, từ đó gây nhiều khó khăn cho việc thu hoạch, làm chi phí tăng cao.

Hiện nay, huyện Long Mỹ là địa phương có diện tích lúa Thu đông chưa thu hoạch nhiều nhất của tỉnh. Trong tổng số 15.807ha xuống giống của huyện trong vụ này thì chỉ mới thu hoạch được hơn 6.300ha, diện tích còn lại người dân cũng đang tất bật thu hoạch trong điều kiện khó khăn về nước lũ.

Tại các cánh đồng lúa trên địa bàn xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, nông dân đang khẩn trương thu hoạch lúa để hạn chế thất thoát do lũ. Tuy nhiên, hiện người dân nơi đây đang gặp khó khăn là nhiều diện tích lúa đã chín nhưng do nước lũ lên nhanh nên lúa bị ngập và đổ ngã.

Từ đó, không thể thu hoạch bằng cơ giới mà phải thuê nhân công cắt lúa bằng tay rồi mướn trâu kéo hoặc dùng xuồng, vỏ lãi chở lúa bó vào bờ để suốt. Đang chất lúa bó lên bờ, anh Phạm Thanh Thương, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: “Trời mưa kết hợp với triều cường lên nhanh trong những ngày qua đã làm cho hơn 2ha lúa của gia đình bị ngập nước.

Mặc dù trước đó đã hợp đồng và đặt ngày cắt với máy gặt đập liên hợp, nhưng do nước lũ ngập hơn nửa thân lúa nên không thể thu hoạch bằng máy mà đành chuyển sang cắt tay, tốn thêm nhiều chi phí và chịu cảnh giá bán thấp”.

Hiện nay, không riêng gì gia đình anh Thương mà nhiều hộ dân khác ở nơi đây cũng rơi vào cảnh tương tự. Từ chỗ thu hoạch bằng cơ giới chuyển sang cắt tay đã làm cho tình trạng nhân công lao động vốn đã thiếu nay càng khan hiếm hơn. Theo đó, giá thuê cắt lúa cũng đội lên cao, tăng gần gấp 2 lần so với giá mướn cắt máy.

Cụ thể, giá cắt tay 1 công đang dao động từ 400.000-450.000 đồng, nếu tính giá trọn gói gồm cắt, bó, trâu kéo, máy suốt thì lên đến 700.000-800.000 đồng/công, nhưng không dễ thuê được người. “Tìm được nhân công thu hoạch lúa xong gia đình rất mừng, bởi lao động nông thôn lúc này rất khó kiếm.

Mùa này, lúa ở ngoài đồng ngày nào là lo ngày ấy, vì vậy, tuy chi phí có tăng nhưng cũng phải chấp nhận mướn” - anh Thương cho biết thêm.

Bên cạnh gánh nặng về chi phí nhân công thu hoạch lúa, nông dân còn đối mặt với nỗi lo về giá thu mua. Hiện thương lái mua lúa tươi hạt dài (cắt tay) chỉ ở mức 3.800-3.900 đồng/kg, riêng lúa cắt máy được 4.800 đồng/kg. Nhưng với việc hầu hết các cánh đồng đều bị ngập nước thì có rất ít hộ cắt máy mà chủ yếu phải cắt tay nên chắc chắn phải chịu cảnh lỗ nếu bán lúa trong lúc này.

Vừa thu hoạch xong gần 2ha lúa, ông Mai Văn Dũng, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, chia sẻ: “Vụ này, năng suất lúa thấp, chi phí lại cao nhưng với giá lúa cắt tay hiện tại thì nông dân không có lãi. Do áp lực phải trả tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đại lý nên gia đình đành bóp bụng bán một ít lúa tươi tại ruộng, số còn lại đem về phơi khô để neo lại chờ giá lên”.

Cũng theo ông Dũng, do ngâm trong nước khi lúa sắp chín nên năng suất lúa của nhiều hộ chỉ đạt 500kg/công, riêng gia đình ông may mắn hơn khi năng suất đạt 700kg/công. Mặc dù năng suất cao, nhưng cũng khó kiếm lời, còn những hộ năng suất thấp hơn thì coi như lỗ nặng. 

Lâu nay, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên khuyến cáo nông dân hạn chế xuống giống vụ lúa Thu đông, bởi gặp nhiều rủi ro về thiên tai, lũ lụt. Hơn nữa, chủ trương của tỉnh sản xuất 2 vụ lúa cộng 1 vụ màu để hạn chế diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm. Tuy nhiên, trong thời buổi nhiều mặt hàng nông sản khó khăn về đầu ra, nhà nông không biết lựa chọn sản xuất cây, con gì ngoài cây lúa. Vì vậy, dù biết gặp trở ngại lớn, thiên tai bất lợi, mất mùa, mất giá nhưng nông dân không đành lòng bỏ đất trống.

Vụ lúa Thu đông 2014, nông dân trong tỉnh xuống giống được 50.665ha, vượt 15,1% so với kế hoạch. Đến thời điểm này, đã thu hoạch hơn 39.000ha, ước năng suất bình quân 4,7 tấn/ha. Những địa phương như huyện Châu Thành A, Vị Thủy, TP.Vị Thanh đã cơ bản thu hoạch gần dứt điểm. Những diện tích lúa chưa thu hoạch còn lại chủ yếu ở huyện Long Mỹ (khoảng 9.500ha) và Phụng Hiệp (khoảng 1.300ha).

Do đặc thù của mỗi vùng đất khác nhau nên huyện Long Mỹ thường xuống giống trễ hơn các vùng lân cận. Điều lo lắng trong lúc này là, những diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn trổ chín và hầu hết đều bị ngập nước. Đây là một áp lực không nhỏ cho các ngành chức năng địa phương trong việc làm thế nào giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con khi mùa lũ đang về.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Vụ lúa Thu đông năng suất thường thấp, thu hoạch gặp thời điểm mưa dầm lại rớt giá và khó bán. Do nước lũ tràn về ngập các cánh đồng nên một số nơi bà con không đưa máy vào thu hoạch được, nông dân gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu hoạch cũng chậm hơn.

Trước tình hình nước lũ đang về như hiện nay, để tránh thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương cần vận động người dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch số lúa đã chín, hạn chế để lúa bị ngâm lâu trong nước làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hạt gạo.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, gia cố các hệ thống đê bao, cống bọng để không chỉ bảo vệ vùng lúa mà còn vùng mía, cây ăn trái, hoa màu, thủy sản cho người dân…


Có thể bạn quan tâm

phan-bon-kem-chat-luong-tung-hoanh Phân Bón Kém Chất Lượng… thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep Thực Hiện Đề Án Tái…