Áp Tết, Nông Dân “Méo Mặt” Vì… Rau
Cặm cụi thu hoạch luống rau cho kịp phiên chợ, ông Hoàng Văn Tứ - xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), buồn rầu nói: “Nhà mấy miệng ăn trông chờ cả vào mấy sào rau này. Cứ tưởng sẽ kiếm được mấy đồng để gia đình ăn Tết, giờ chẳng biết phải làm sao nữa”.
Trong khi giá những mặt hàng thực phẩm khác đang tiếp tục tăng nhanh vào những ngày cận Tết thì người nông dân xứ Thanh đang “méo mặt” vì rau rớt giá một cách thê thảm.
Rau rẻ như …cho
Theo bà Nguyệt – một tiểu thương lâu năm ở chợ đầu mối Tp. Thanh Hóa, cho biết: “Chưa năm nào giá rau lại rẻ như năm nay. Nếu so với giá của năm trước có những loại rau giảm xuống khoảng hơn 20 lần”.
Bà chỉ vào những xe rau đang sừng sững xếp hàng vẫn chưa kịp “kiểm định”, bảo: “Như loại rau cải bẹ này, cũng bằng thời gian này năm ngoái, giá rau thường giao động từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ có 400 – 500 đồng/kg, thậm chí là 300 đồng/kg, tùy vào rau đẹp hay xấu.”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì rau cải bẹ, mà các loại rau củ khác cũng “xuống dốc không phanh”, như: Hành tươi (loại củ to) dao động từ 4.000 – 4.500 đồng/kg; rau cải cúc 300 đồng/bó; xúp lơ 2.000 đồng/cái; xu hào 1.500 đồng/củ…
Tại nhiều chợ bán lẻ, các chủ hàng rau cũng lắc đầu ngao ngán. Chị Lâm – một người có “thâm niên” bán hàng rau ở chợ Đông Thành, TP.Thanh Hóa, cho biết: “Đợt này ế ẩm lắm. Mấy ngày trước đang còn bán được, nhưng những ngày gần đây sinh viên, những người ở xa họ đều về quê ăn Tết nên rau càng rẻ, thậm chí chẳng có người mua. Thông thường vào dịp Tết, giá rau thường tăng chóng mặt, nhưng năm nay, đến thời điểm này giá rau lại xuống dốc không phanh”. Đây là một nghịch lý mà không ít người trồng rau đang phải hứng chịu.
Mất Tết vì rau
Trước tình hình giá rau giảm bất thường như vậy, chúng tôi đã tìm về các huyện có diện tích trồng rau lớn như Yên Định, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân… và ghi nhận rau còn rớt giá thê thảm không kém.
Cặm cụi thu hoạch luống rau cho kịp phiên chợ, ông Hoàng Văn Tứ - xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), buồn rầu nói: “Thu nhập của người nông dân quanh năm chỉ trông chờ vào cây lúa, rau màu các loại, với mong muốn bán được giá. Nhưng vụ rau năm nay, giá rau rớt xuống một cách thê thảm, bà con chúng tôi chẳng biết kêu ai”.
Đơn cử như một sào hành (500m2), người nông dân phải bỏ tiền ra mua giống mất 12 kg (giá 120.000 đồng/kg), công làm đất, phân bón… chi phí khoảng gần 3 triệu đồng/sào, chưa kể công chăm sóc suốt 3 tháng trời. Nhưng bây giờ bán ra chỉ được 4.000 – 4.500 đồng/kg. Hay như rau cải cúc, trước đây bán cất với giá 1.500 – 2.000 đồng/bó, nay chỉ còn 300 đồng/bó. “Mỗi sào hành tốt thu được khoảng 6-7 tạ. Nếu phải bán với giá 45.000 đồng/10 kg, thì người trồng hành năm nay không có lãi gì hết”. - bà Lý (vợ ông Tứ) tâm sự.
Ông Lê Công Biên – phường Đông Hải, Tp. Thanh Hóa nhìn vào ruộng rau xanh mơn mởn trước mặt, buồn rầu nói: “Như năm trước, giá rau cao nên các tiểu thương đến tận ruộng để mua. Năm nay, chẳng thấy bóng dáng một người nào nên chúng tôi phải thồ lên tận chợ Đầu Mối (cách khu vực trồng rau khoảng 3km) để bán với giá 300 – 500 đồng/1kg.
Riêng một sào rau dưa cải bẹ, chỉ tính tiền giống, tiền phân, tiền công làm đất… thì cũng đã mất hơn 1 triệu đồng rồi. Đó là chưa kể đến công chăm sóc hết 3 tháng trời mới cho thu hoạch, cùng với 20 công xe thồ lên chợ đi bán. Nhà nào rau tốt thì thu về khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/sào, còn rau xấu thì còn dưới 1 triệu đồng”- ông Biên cho biết.
Bà Lê Thị Lai – hàng xóm ông Biên, thở dài: “Chúng tôi ở đây là gần đấy. Bà con ở huyện Hoằng Hóa, cách chợ khoảng hơn chục cây số, ở đó không ai mua nên cũng phải chở lên đây để bán mà có ai trả thêm tiền công vận chuyển xa đâu. Đúng là, bỏ thì tội, bán thì chẳng bõ công”.
Theo ông Hoàng Văn Phúc – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định (Thanh Hóa), cho biết: “Toàn huyện Yên Định có khoảng 800 ha rau màu các loại. Mặc dù đến thời điểm này, bà con thu hoạch cũng đã được hơn 1 nửa, nhưng từ đầu vụ giá rau năm nay thấp hơn rất nhiều so với mọi năm. Trồng rau phụ thuộc vào thời tiết, nếu như những năm thời tiết giá rét thì giá rau có thể tăng lên, nhưng năm nay thời tiết thuận lợi nên rau lại rất tốt, vì vậy đến thời điểm này, giá rau càng giảm mạnh. Nhiều gia đình lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì rau”.
Cũng vào dịp này năm ngoái, người trồng rau xứ Thanh rất háo hức chăm sóc, thu hoạch rau để bán. Vất vả là thế, nhưng ai nấy đều vui tươi vì rau được giá. Sau mỗi phiên chợ vào dịp Tết, bà con lại rủng rỉnh tiền mua sắm, trang hoàng nhà cửa, có nhà còn mua được cả tivi, xe máy… Nhưng năm nay, vẫn thửa ruộng ấy, vẫn thứ rau, củ ấy nhưng sắc mặt họ không còn vui như trước, nhiều người không còn mong đến Tết vì không có tiền chi tiêu.
Giá rau đang giảm mạnh, bán rẻ như cho, người nông dân chỉ trông chờ vào những ngày cận Tết, hoặc ra Tết hy vọng rau xanh tăng giá. Nhưng người trồng rau không thể không thu hoạch bởi còn cấy lúa xuân nữa.
“Nhìn cánh đồng rau xanh mơn mởn, cứ tưởng sẽ kiếm được mấy đồng để gia đình ăn Tết, giờ thì… chẳng biết phải làm sao nữa”. Giữa cảnh phố phường chật hẹp, nhìn cảnh mọi người đua nhau đi mua sắm Tết, bỗng nhiên câu nói của ông Tứ làm lòng người nghe nặng trĩu.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ