Tin nông nghiệp Bắc Giang phòng trừ bệnh vàng lá lúa

Bắc Giang phòng trừ bệnh vàng lá lúa

Tác giả Trịnh Lan, ngày đăng 11/09/2017

Bệnh vàng lá di động do vi rút trên lúa mùa tại Bắc Giang đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng ngày càng tăng mạnh, gây hại trên diện rộng. Các đơn vị chuyên môn, nông dân đang nỗ lực phòng trừ.

Hướng dẫn nông dân cách phát hiện bệnh vàng lá di động

Thời điểm này, nhiều ruộng lúa tại cánh đồng thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa lá ngả màu vàng dù đang giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ. Lại gần ruộng lúa hơn 2 sào của ông Nguyễn Văn Trung, chúng tôi thấy, khắp ruộng các khóm lúa vàng vọt không có đòng, một số cây trổ bông nhỏ, lơ thơ đang héo dần.

Ông Trung cho biết: “Khi thăm ruộng, tôi thấy lúa không xanh tốt như những ruộng khác nên bón thêm đạm nhưng mãi vẫn chẳng thấy cây chuyển biến. Về sau tôi mới biết lúa bị bệnh, không thể khắc phục được, mất trắng. Bao công chăm sóc coi như xôi hỏng, bỏng không”.

Kế ruộng của gia đình ông Trung, một số ruộng lúa cũng nham nhở, lỗ chỗ do người dân cắt bỏ phần lúa bị bệnh.

Một cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Hiệp Hòa giải thích, lúa bị như vậy là do bệnh vàng lá di động. Khi cây nhiễm bệnh, bộ rễ thâm đen làm thối gốc. Do đó, cây không hút được dinh dưỡng, sau đó lụi dần và chết. Tuy nhiên, nhiều người dân lại nghĩ lúa bị nghẹt rễ nên thường bổ sung phân bón.

Được biết, thôn Ngọc Sơn có hơn 4ha lúa bị bệnh vàng lá di động, thuộc các thôn Ngọc Tân, Ngọc Thành 1, Ngọc Thành 2, trong đó 0,5ha mất trắng. Để đỡ lãng phí đất, có hộ đã phá bỏ toàn bộ lúa, xử lý đất chuyển đổi sang cây trồng khác.

Bệnh vàng lá di động do vi rút  RTYV gây ra và xuất hiện tại Hiệp Hòa từ vài năm trước, gây thiệt hại lớn chủ yếu ở các xã vùng hạ huyện. Năm nay, bệnh lại có tỷ lệ cao, hại nặng ở các xã thượng huyện như Đức Thắng, Lương Phong, Ngọc Sơn… với diện tích gần 30ha, trong đó 4,3ha bị nhiễm nặng.

Theo ông Ngô Khắc Giang, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, nguyên nhân do người dân ở những địa bàn có lúa bị bệnh vàng lá di động đã tuân thủ quy trình xử lý hạt giống; phòng trừ rầy xanh đuôi đen ở giai đoạn mạ nên bệnh ít tái diễn. Còn các xã vùng thượng huyện, người dân vẫn còn chủ quan. Đặc thù của bệnh vàng lá di động là do vi rút gây nên. Bởi vậy, lúa nhiễm bệnh chỉ còn cách nhổ bỏ, không có biện pháp chữa trị hiệu quả. 

Nhận định thời gian tới, bệnh tiếp tục phát sinh gây hại mạnh, nguy cơ mất mùa, thất thu hàng chục tấn thóc. Để bảo vệ lúa mùa, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm những diện tích lúa có triệu chứng của bệnh vàng lá di động, chủ động phối hợp với đơn vị chuyên môn có phương án phòng ngừa kịp thời; tập huấn hướng dẫn nhằm trang bị cho nông dân cách nhận biết bệnh. Đặc biệt, rầy xanh đuôi đen là loại côn trùng duy nhất môi giới truyền bệnh, làm lây lan bệnh trên phạm vi rộng nên cần chủ động diệt trừ.

Đối với diện tích lúa bị nhiễm với tỷ lệ dưới 30%, bà con tỉa bỏ các cây lúa, khóm lúa bị bệnh rồi vùi dập sâu xuống bùn, hạn chế nguồn bệnh. Sau đó tiến hành phun thuốc trừ rầy trên khoảnh nhiễm bệnh và vùng lân cận bằng các loại thuốc chống lột xác côn trùng như: Oshin 20WP, Chess 50 WG, Actara 25G, Applaud 10 WP, Penalty 40WP; bón phân cân đối đạm, lân, kali kết hợp sử dụng một số loại phân bón lá giàu kali giúp cây hồi phục nhanh và tăng khả năng kháng bệnh.

Đối với diện tích lúa nhiễm hơn 30%, hướng dẫn nông dân phá bỏ lúa, chuyển sang cây trồng khác còn thời vụ; các xã, thị trấn bố trí kinh phí từ sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ nông dân có lúa phải tiêu hủy.


Có thể bạn quan tâm

nano-va-nang-suat-cay-ngo Nano và năng suất cây… hieu-qua-mo-hinh-trong-rau-che-vom-nilon Hiệu quả mô hình trồng…