Bạc Liêu mở cống, lấy nước cứu tôm nuôi
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương cho mở một số cống...
Trước tình hình một số diện tích tôm nuôi vùng chuyển dịch lúa - tôm phía Bắc quốc lộ 1A thiếu nước trầm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương cho mở một số cống thuộc địa bàn thị xã Giá Rai để điều tiết nước mặn vào cứu tôm. Trong thời gian mở cống lấy nước cần kiểm tra và kiểm soát chặt, tuyệt đối không để nước mặn chảy quá sâu vào khu vực trồng lúa, nhất là vùng ngọt hóa giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, yêu cầu ngành nông nghiệp phân công cán bộ trạm thủy nông trực, báo cáo hàng ngày về tình hình nước mặn trên kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng nhanh chóng cử lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống hỗ trợ người dân chăm sóc tôm nuôi trong giai đoạn khó khăn này. Ngoài “ứng cứu” nước, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, đối với những vùng không đủ nước mặn dẫn vào ruộng, ngành nông nghiệp cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh, vì loại tôm này sống được nước lợ, không cần độ mặn cao. Ông Dương Thành Trung cũng đề nghị các huyện Hồng Dân, Phước Long chủ động khảo sát để tiến hành xây dựng hệ thống cống ở khu vực mở rộng diện tích sản xuất lúa – tôm; tập trung tuyên truyền cho người dân có ý thức chủ động đầu tư máy bơm, để khi có điều tiết nước mặn là bơm nước vào ruộng... Những năm qua, Bạc Liêu đã chuyển hàng chục nghìn héc ta canh tác độc canh cây lúa vùng phía Bắc quốc lộ 1A sang mô hình sản xuất lúa - tôm.
Đến nay, mô hình sản xuất xen canh, luân canh giữa lúa và con tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững. Tuy nhiên, do còn phụ thuộc từ nhiều nguyên nhân, đến nay tỉnh này chưa thể đầu tư kiện toàn hệ thông thủy lợi, thủy nông nội đồng, hệ thống cống đập phân ranh mặn - ngọt, người sản xuất còn lệ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, chưa làm chủ được mùa vụ.
Theo kế hoạch, vụ tôm trên đất lúa năm nay Bạc Liêu thả nuôi hơn 32.000 ha. Do mưa đến sớm, độ mặn thấp, đến nay chỉ riêng 2 huyện Phước Long và Hồng Dân có hơn 4.500 ha tôm nuôi bị thiếu nước mặn, không ít diện tích tôm chết 100%, gây thiệt hại nặng cho người dân. Thiếu nước kéo theo hàng nghìn héc ta tôm nuôi thả giống trễ so với lịch thời vụ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ