Mô hình kinh tế Bắc Ninh Bảo Vệ Vùng Nuôi Trồng Thủy Sản Ven Đê

Bắc Ninh Bảo Vệ Vùng Nuôi Trồng Thủy Sản Ven Đê

Ngày đăng 18/07/2014

Trong mùa mưa bão, diện tích nuôi trồng thủy sản là vùng có nguy cơ ngập úng lớn nhất, gây thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản ở ven đê. Tuy nhiên, các giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong mùa mưa bão như các hộ dân vẫn làm hiện nay dường như chưa thể khiến họ an tâm...

Trở lại vùng ven đê ở Yên Phong (Bắc Ninh), nơi bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 5 và số 6 năm 2013 cùng trận lũ cao hơn báo động số 3 trên sông Cầu, người dân còn chưa vơi nỗi kinh hãi. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, đã có 26,8ha nuôi trồng thủy sản khu vực ngoài đê với gần 20 hộ sản xuất tại huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh bị thiệt hại.

Chị Nguyễn Thị Liên, xã Hòa Tiến (Yên Phong) chua xót: “Năm ngoái, lũ gối lũ khiến nước sông lên cao sát mép đê, toàn bộ 15 mẫu chăn nuôi, thủy sản và hoa màu của gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Cả gia đình chỉ kịp lùa đàn vịt lên đê, còn đành nhìn dòng nước dữ cuốn trôi cả mấy ao cá. Thiệt hại tính sơ cũng lên tới 500 triệu đồng”.

Tuy vậy, đến năm nay, toàn bộ vùng trang trại ngoài đê ở các xã Tam Giang, Hòa Tiến, Đông Tiến... vẫn chỉ là những bờ đất đơn giản, không cao hơn nhiều so với mặt nước sông. Khi có lũ lớn, những bờ vùng như vậy quá mỏng manh để bảo vệ khối tài sản giá trị của người dân.

Ông Lê Đăng Thắng, trưởng thôn Đông, xã Tam Giang (Yên Phong) - cũng là một trong những hộ nuôi trồng thủy sản ở khu vực ngoài đê nhận định: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản ở ngoài đê nơm nớp lo. Thời tiết diễn biến thất thường, may mắn thì vài năm nước mới dâng cao một lần, còn lại thì không ai dám nói trước điều gì…

Các hộ dân nơi đây chưa dám tu bổ bờ ao kiên cố để tăng khả năng ứng phó với mưa bão vì đa phần họ chỉ được thuê đất với thời hạn không dài. Vì vậy, cách chống lũ, bão mới chỉ là các giải pháp tình thế với những bao tải đất, hoặc huy động máy xúc để đắp bờ, chống lũ khi khẩn cấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp nước sông lên nhanh như năm ngoái thì huy động hàng chục người cũng không cứu kịp”. Để chủ động hơn, một số hộ cho biết đã thu hoạch hết cá từ cuối tháng 4 âm lịch và dự kiến đến qua rằm tháng 7 âm mới lại thả cá giống, nhưng không phải ai cũng thu hoạch được đúng thời điểm.

Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, bảo vệ thủy sản trong mùa mưa bão nhất là các vùng ven sông luôn gặp khó khăn do mưa lũ diễn biến khó lường, các hộ dân phải chủ động áp dụng biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa thiệt hại.

Vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã gửi công văn hướng dẫn phòng chống ngập, úng đối với sản xuất thuỷ sản năm 2014 chi tiết đến các huyện.

Đặc biệt, để thông tin kịp thời và thường xuyên tình hình tới tới người dân, Chi cục Thủy sản còn gửi công văn trực tiếp cho các Chi Hội nghề cá trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản; quản lý và xây dựng phương án đối phó với bão, lũ…

Theo đó, các hộ nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động đối phó; thường xuyên kiểm tra vùng nuôi, gia cố bờ ao, cống cấp và thoát nước; có kế hoạch sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn… Chuẩn bị lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản khi mưa to gió lớn.

Đối với ao bên ngoài hệ thống đê gần sông không có điều kiện phòng chống ngập úng, các hộ nên chuyển vào khu vực ao nuôi an toàn hơn. Trong những ngày mưa lớn cần tăng cường kiểm tra hệ thống bờ bao, đăng cống, tình trạng cá để có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện sự cố xảy ra.

Đối với nuôi cá ở lồng, bè trên sông, người dân tu sửa và gia cố lại hệ thống phao nổi, dây neo, cọc cố định lồng, hệ thống lưới chắn rác, lưới bao quanh lồng bè. Cần dự trữ đầy đủ thức ăn cho cá, thuốc hoá chất, xăng dầu và các dụng cụ cần thiết khác phòng trường hợp lúc mưa bão không vận chuyển được ra khu lồng bè...

Sau khi bão, lũ xảy ra, nếu ao bị sạt lở hoặc tràn bờ, cần tu bổ lại ngay. Đồng thời, vệ sinh, dọn dẹp rác bẩn xung quanh ao và bề mặt ao, kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp; không cho mầm bệnh có cơ hội lây lan, gây khó khăn cho sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản.


Có thể bạn quan tâm

tra-vinh-nuoi-tom-tu-phat-pha-vo-quy-hoach-nganh-dien Trà Vinh Nuôi Tôm Tự… pho-thu-tuong-yeu-cau-cam-bien-ngay-hom-nay Phó Thủ Tướng Yêu Cầu…