Bắc Ninh: Hiệu quả kép từ việc trồng nghệ xen canh lạc
Nghệ đỏ được sử dụng với rất nhiều công dụng hữu ích như: làm nguyên liệu các vị thuốc, gia vị trong các món ăn, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Nghệ đỏ là một trong những loại cây cho thu nhập khá được người dân ở một số xã của huyện Yên Phong mạnh dạn trồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng xen canh nghệ ở HTX Bút Lâm, TT Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh
Nhắc đến HTX rau, hoa, củ, quả Bút Lâm, thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (Yên Phong) là người ta nhắc đến điểm sáng về phong trào sản xuất rau sạch, hoa cao cấp hay các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2016, HTX rau, củ, quả Bút Lâm nhận thấy trên địa bàn thị trấn Chờ có nhiều ruộng bỏ hoang không cấy được lúa do chuột phá hoại. Ban giám đốc của HTX đã vận động các hộ nông dân mạnh dạn đưa cây nghệ đỏ vào trồng trên diện tích gần 6 mẫu. HTX đã chủ động liên hệ với Công ty Dược phẩm Bắc Ninh để cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhằm tạo dựng niềm tin cho các hộ yên tâm sản xuất.
Cây nghệ đỏ được trồng từ tháng 2- 3 dương lịch và sau 9 tháng cho thu hoạch. Cây có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh nên suốt trong quá trình sinh trưởng gần như không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Để cây nghệ sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao cần trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Nếu lên luống rộng 1 m, trồng hai hàng dọc, hàng cách hàng 50 cm và cây cách cây 20 cm. Lên luống rộng 1,2 m, trồng hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 30 cm. Cách trồng: Đào hốc sâu 10 cm, băm đất dưới hốc thật kỹ, đặt củ nghệ xuống đè cho tiếp xúc với đất rồi phủ lên một lớp phân hữu cơ trộn lẫn với đất dày 5 - 7 cm, tưới nước rồi phủ lên một lớp rơm dày giữ ẩm.
Nắm được đặc điểm của cây nghệ có thể trồng xen với các cây màu khác vừa tận dụng diện tích mặt đất lúc nghệ mới trồng, vừa giúp giữ ẩm và che mát cho nghệ. Những hộ dân trồng nghệ ở HTX Bút Lâm đã chọn cây lạc xuân để trồng xen canh với cây nghệ. Cây lạc được trồng ngay sau khi trồng nghệ xong và vào giữa 2 cây nghệ trên luống. Đến tháng 3, tháng 4 cây lạc lớn, lá lạc phát triển giúp che phủ kín mặt đất sẽ hạn chế được sự thoát hơi nước và phát triển của cỏ dại. Lạc là cây họ đậu nên trong rễ, thân, lá có chứa vi khuẩn cố định đạm có thể bổ sung lượng đạm cho cây nghệ đỏ. Sau khi thu hoạch lạc có thể dùng chính lá, thân, rễ ấp vào gốc nghệ. Lạc trồng xen nếu được chăm sóc tốt thì cho năng suất cao không thua kém lạc trồng thâm canh, cho năng suất khoảng 1- 1,5 tạ củ tươi/sào, mỗi sào cho thu từ 2- 2,5 triệu đồng.
Trồng xen canh lạc vào nghệ cũng giúp tăng năng suất của cây nghệ. Cây nghệ sau khi trồng khoảng 9 tháng thì cho thu hoạch, năng suất đạt từ 1-1,5 tấn/sào, nghệ củ được thu ngay tại ruộng, trừ chi phí mỗi sào nghệ cho lãi hơn 10 triệu đồng.
Theo bà Mẫn Thị Hởi - Giám đốc HTX dịch vụ rau- củ- quả Bút Lâm -người có công lớn nhất đưa cây nghệ đỏ vào đồng đất của thị trấn Chờ cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đưa cây nghệ vào trồng xen canh với cây lạc là một cách làm đúng đắn, giúp người dân giảm bớt được công lao động, qua đó người nông dân có thể nâng cao được hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác. Nhận thấy được kết quả đó, năm 2017 số hộ trồng nghệ của HTX Bút Lâm đã tăng lên 71 hộ với diện tích hơn 12 mẫu.
Việc tìm ra hướng đi mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của bà con từng địa phương luôn là bài toán khó. Mô hình trồng lạc xen nghệ đỏ không chỉ tận dụng được quỹ đất mà còn giúp người nông dân tận dụng được nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho nghệ, tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Nếu các địa phương biết áp dụng các biện pháp xen canh hợp lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ