Mô hình kinh tế Bắc Quang, Hướng Đến Phát Triển Bền Vững Nghề Chăn Nuôi Thủy Sản

Bắc Quang, Hướng Đến Phát Triển Bền Vững Nghề Chăn Nuôi Thủy Sản

Ngày đăng 25/09/2014

Những năm gần đây, nghề chăn nuôi thủy sản (CNTS) trên địa bàn huyện Bắc Quang đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Đặc biệt, với tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước CNTS, huyện đã có nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm đưa nghề CNTS phát triển theo hướng bền vững.

Thực tế cho thấy, diện tích CNTS trên địa bàn huyện Bắc Quang có xu hướng tăng. Nếu như năm 2010, diện tích mặt nước CNTS đạt 688 ha (tăng 35,8% so năm 2005), sản lượng đạt 0,815 tấn/ha thì đến năm 2014, đã có 784,19 ha, cho năng suất ước đạt trên 1 tấn/ha.

Tuy nhiên, nghề CNTS còn gặp nhiều khó khăn để phát triển bền vững bởi đa phần diện tích được các hộ sản xuất nhỏ lẻ theo kinh nghiệm và tập quán địa phương, ít áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên năng suất còn thấp.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phát triển CNTS chưa được chú trọng đầu tư, nguồn giống nuôi chủ yếu được các hộ tự ươm, do vậy, chất lượng chưa đảm bảo. Hơn nữa, quá trình chăn thả các loại cá nuôi thương phẩm như: Rô phi, chép, trôi, trắm... với hình thức nuôi quảng canh, thức ăn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và các loại phụ phế phẩm nông nghiệp (rau cỏ, sắn, ngô, phân chuồng, phân xanh...) nên năng suất có tăng nhưng còn chậm.

Bên cạnh đó, môi trường nước CNTS chưa đảm bảo, khiến cá gặp một số bệnh như đốm đỏ, nấm thủy mi... ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cá thương phẩm.

Nghề chăn nuôi thủy sản ở xã Việt Hồng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Từ thực tế trên, sang năm 2014, huyện Bắc Quang từng bước đưa các loại cá có năng suất cao vào chăn nuôi. Có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi cải tạo và mở rộng diện tích CNTS. Đồng thời, sử dụng triệt để các diện tích có khả năng phát triển CNTS, đa dạng hoá hình thức, đối tượng nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Theo đó, tại những xã trọng điểm về CNTS như: Việt Vinh, Vô Điếm, Kim Ngọc, Bằng Hành, Liên Hiệp... sẽ đẩy mạnh CNTS theo hướng thâm canh khoảng 60% diện tích, nuôi bán thâm canh 30% và 10% còn lại thả tận dụng diện tích mặt nước, nhằm tạo ra sản phẩm thuỷ sản hàng hoá đủ cung ứng cho thị trường trong huyện và tỉnh.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, diện tích CNTS đạt 800 ha; có 200 lồng nuôi các loại cá đặc sản trên sông và 150 lồng cá trên hồ, đưa năng suất bình quân đạt từ 2-2,5 tấn/ha.

Để đạt mục tiêu trên, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: Nâng cao trình độ kỹ thuật cho người CNTS, thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn, giúp họ có kiến thức cơ bản về kỹ thuật. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng nuôi theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng nguồn nước tại các vùng nuôi.

Đồng thời, quy hoạch vùng CNTS tập trung và hoàn thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi, nhằm sử dụng hiệu quả mặt nước. Đặc biệt, huyện hướng đến xây dựng các Trạm ương cá giống, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn giống cho các hộ chăn nuôi.

Phối hợp với các Trung tâm giống, Viện nghiên cứu thuỷ sản đưa các giống cá có năng suất cao như: Chép lai V1, rô phi đơn tính, trắm cỏ, trắm đen giòn và các loại cá đặc sản bản địa: Chiên, bỗng, chày đất... vào chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập hộ và làm cho tầng mặt nước phong phú, đa dạng.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến thức ăn tại vùng trọng điểm CNTS để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và đảm bảo cung ứng kịp thời thức ăn công nghiệp cho các vùng nuôi cá.

Đối với nguồn cá giống, các ngành chuyên môn của huyện tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thú y trong thủy sản. Thực hiện công bố chất lượng hàng hóa đối với con giống của cơ sở sản xuất có đủ điều kiện và kiểm dịch con giống trước khi lưu thông.

Mặt khác, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ruộng trũng, kém hiệu quả kinh tế sang CNTS và thực hiện giao đất, mặt nước, hồ chứa mặt nước lớn đã có quy hoạch cho các thành phần kinh tế sử dụng CNTS ổn định, lâu dài. Ðồng thời, tổ chức các hộ nuôi nhỏ, lẻ thành các tổ, đội sản xuất để tạo mối liên kết giữa người sản xuất – nhà chế biến – người tiêu thụ, giúp người chăn nuôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đồng thời tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở đó, khai thác được tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, đưa nghề CNTS trở thành một trong những lĩnh vực sản xuất chính, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Có dịp về thôn Việt An (xã Việt Hồng) – một trong những thôn có diện tích CNTS lớn nhất xã, câu chuyện của người chăn nuôi khiến chúng tôi thêm niềm vui. Anh Bàn Ngọc Thanh chia sẻ: “Khi thu hoạch, có những con cá trắm nặng 7 kg, giá bán tại ao đạt 70.000 đồng/kg nên chúng tôi mừng lắm. Ở đây, nhiều gia đình mỗi năm xuất vài tấn cá ra thị trường, với giá tương đối ổn định (từ 65 đến trên 70.000 đồng/kg) nên các hộ đều tận dụng diện tích mặt nước CNTS”.

Với kinh nghiệm CNTS của bà con, cùng chủ trương đúng đắn của huyện Bắc Quang, tương lai không xa, nghề CNTS trên địa bàn huyện sẽ có bước tiến quan trọng, hướng đến sự phát triển bền vững, mang lại nhiều hiệu quả KT-XH tích cực...


Có thể bạn quan tâm

lua-mua-o-dao-duc-thiet-hai-lon-do-ray-nau-va-thien-tai Lúa Mùa Ở Đạo Đức… thanh-trieu-phu-nho-lam-trang-trai Thành Triệu Phú Nhờ Làm…