Mô hình kinh tế “Bác Sĩ Của Tôm”

“Bác Sĩ Của Tôm”

Ngày đăng 22/02/2014

Đó là cái tên thân thương bà con đặt cho anh Lâm Văn Linh, dân tộc Khmer xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu. Với anh, việc gì có lợi cho bà con là anh làm hết sức mình...

Biết lượng sức mình

Mới 41 tuổi, lại là một người Khmer thuần nông, nhưng anh Linh đã sở hữu căn nhà trên 350m2 trị giá trên 4 tỷ và 2 chiếc ô tô 4 chỗ... Trong căn nhà khang trang, anh tiếp chúng tôi với tình cảm gần gũi, cởi mở. Được biết, từ năm 2003, anh Linh đã bắt đầu nuôi tôm công nghiệp trên diện tích 4.000m2.

Thời điểm đó, giá tôm sú trung bình khoảng 113.000 đồng/kg, ngay vụ đầu tiên anh đã thu hoạch được 4,7 tấn, lãi 270 triệu đồng. Đến năm thứ hai, anh mạnh dạn mở rộng thêm 3.500m2 nữa. Anh Linh bộc bạch: “Trước đó, tôi trồng lúa, nhưng sau đó do nước từ sông Bạc Liêu tràn vô, ngập làm hư lúa hết.

Làm nông nghiệp khi thất thu thì rất khó gỡ nên tôi chuyển sang nuôi tôm. Nghề mới này có khi lời ít lời nhiều chứ không có lỗ, cái chính là mình phải biết làm vừa sức mình. Theo tôi thì bà con nên nuôi mỗi năm 2 vụ là ổn nhất, đừng ham nuôi 3- 4 vụ để rồi sau đó bị thất bát…”.

Trước việc gần đây, có nhiều người ồ ạt thả nuôi tôm thẻ chân trắng khi thấy giá cả lên cao, anh Linh nói: “Nuôi tôm thẻ hay nuôi tôm sú thì cũng khó như nhau thôi, không có cái nào dễ hết. Nếu bà con mình chỉ nuôi vì thấy có giá mà không nắm rõ kỹ thuật thì trước sau gì cũng thất bại”.

“Bác sĩ” của tôm

Năm 2006, anh Linh là nhân viên của nhà phân phối giống Tuấn Loan. Anh chính là người trực tiếp hỗ trợ cho nhiều bà con trong vùng nuôi tôm công nghiệp.

“Vào thời điểm 2008 - 2010, tôi bận dữ lắm, lúc đó có nhiều người cần đến mình giúp họ về kỹ thuật, tư vấn chữa bệnh cho tôm nên tôi cứ đi suốt. Có lúc tôi đi tận Sóc Trăng để hỗ trợ cho bà con dân tộc nuôi tôm. Như ở ấp Ly Chóp (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có đến 80% là người dân tộc Khmer không biết tiếng Việt nên rất khó khăn trong việc tiếp cận các loại thuốc chữa bệnh cho tôm".

“Mình như là một thông dịch viên, vừa giải thích vừa chỉ dẫn cho họ để họ nắm được tên các loại thuốc. Giúp được đồng bào dân tộc tôi thấy vui lắm, làm không công tôi cũng rất hài lòng…”- anh Linh nhớ lại.

"Sau hơn 10 năm nuôi tôm mà tôi thấy vẫn chưa học hết được mọi thứ, càng làm lại càng thấy mình còn thiếu nhiều thứ…”.

Anh Lâm Văn Linh

Không qua bất kỳ trường lớp nào về thủy sản nhưng người đàn ông mới học hết lớp 3 này vẫn được bà con nơi đây gọi với cái tên thân thương “bác sĩ của tôm”.

Nhắc đến tên gọi này, anh Linh chỉ cười hiền: “Cái tên đó tôi đâu dám nhận, vì họ quý mình nên gọi như vậy, giúp được người khác coi như mình sống có ích”. Anh Linh cho biết: “Ban đầu khi bắt tay vào nuôi tôm tôi đã đi đến nhiều nơi để học hỏi, sau đó tự rút cho mình kinh nghiệm”.

Khi đã có tiếng về nuôi tôm trong vùng, anh Linh được các cơ sở tôm giống tìm đến để làm đại lý, là người dẫn mối cho nhiều người nuôi tôm khác. Anh thành thật cho biết: “Những cơ sở tìm đến tôi đều hứa là khi giới thiệu con giống thì tôi được nhận hoa hồng là 5 đồng/con.

Nhưng tôi chưa bao giờ lấy đồng tiền hoa hồng nào của bà con khi làm đại lý bán con giống, mà vẫn lấy đúng giá của cơ sở giống bán. Vì mình chọn đứng ra cung cấp giống tôm cho bà con chứ không phải là đứng đầu cho trại giống, nên tiết kiệm cho bà con đồng nào là tôi mừng lắm”.

Hiện tại, anh Linh có trên 6ha nuôi tôm công nghiệp, mỗi năm anh nuôi 2 vụ, một vụ tôm sú, một vụ thẻ. Anh Linh chia sẻ: “Với vụ thu hoạch vừa rồi tôi lãi được 2,8 tỷ, dự đoán trong năm nay sẽ lãi khoảng 5 tỷ đồng”.

Hiện anh Linh đã được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và đang được đề nghị làm hồ sơ xét duyệt là nông dân giỏi cấp Trung ương.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-nuoi-bo-lai-f1bbb Kỹ Thuật Nuôi Bò Lai… nguoi-trong-nam-sang-tao Người Trồng Nấm Sáng Tạo