Bangladesh tìm ra giống lúa chống chịu mặn, bão
Những nghiên cứu từ lúa hoang của nông dân vùng Shyamnagar đã cho ra những giống phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương, năng suất cao hơn những giống từ Chính phủ.
Nông dân Tarafdar giới thiệu giống lúa do ông sáng chế, tên là Charulata, trong một buổi triển lãm được tổ chức hồi cuối tháng 10/2020. Ảnh: Reuters.
Lai tạo từ lúa hoang
10 năm trước, Dilip Chandra Tarafdar, một nông dân tại vùng Shyamnagar Upazila, quận Satkhira, Tây Nam Bangladesh bắt đầu công cuộc lai tạo ra giống lúa mới, chống chịu được với đất mặn và biến đổi khí hậu. Đây là giống từng phát triển mạnh ở phía Tây Nam vùng Shyamnagar, nhưng đang trên bờ vực tuyệt chủng, sau khi nông dân chuyển sang các giống lúa năng suất cao hơn.
Giống lúa mới có tên Charulata, chịu được đất mặn, ngập úng, gió lớn, và đặc biệt có thể phát triển tốt mà không cần phân bón hay thuốc trừ sâu. “Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sau khi trồng lúa. Vì vậy, chúng tôi đã dựa trên giống lúa thuần mà tổ tiên trồng trước đây, để lai tạo ra giống mới có khả năng chống chịu được điều kiện khắc nghiệt tại đây”, Tarafdar chia sẻ với Reuters.
Theo Tarafdar, giống lúa mới lai tạo có thể đạt năng suất 67,2 tạ/ha, cao gấp đôi so với những giống thông thường. Người đàn ông 45 tuổi tin, đây là giải pháp nông nghiệp bền vững cho những người dân vùng Shyamnagar, vốn chỉ sống dựa vào cây lúa và không có thu nhập từ các công việc khác.
Trước khi lai tạo ra giống lúa mới, người dân Shyamnagar liên tục thất thu bởi hạt giống mua hoặc nhận được từ Chính phủ Bangladesh. Dân làng nơi đây đã quá mệt mỏi với việc giữ cho cây lúa tồn tại được tại khu vực ven biển Chandipur, nơi bị nhiễm mặn nặng do hệ quả của lốc xoáy và lũ lụt hàng chục năm qua. Ngay cả khi trụ lại được trên đất mặn, những giống lúa truyền thống cũng không thể cưỡng lại những cơn gió mạnh từ biển và các vấn đề dịch hại trên cây trồng như bệnh đạo ôn, rầy, hay bạc lá.
Giống như vùng Shyamnagar, những nông dân tại các nơi khác của Bangladesh cũng đang tự tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến cây lúa. Đa số hướng tới khôi phục các giống thuần mà tổ tiên trồng hàng trăm năm trước, dựa vào đó để tạo ra các giống mới có thể chống chọi với bão, lũ lụt và hạn hán - hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sheikh Sirajul Islam, một nông dân khác, từ làng Haibatpur, gần Shyamnagar, đã thành lập một trung tâm nghiên cứu lúa gạo ngay tại nhà của mình, nơi ông lưu trữ hơn 155 giống lúa địa phương.
Trong nhiều năm, Islam đã chuyên tâm nghiên cứu về việc lai tạo giống lúa mới, dựa trên nhiều loại lúa hoang mà ông hy vọng có thể thích nghi với biến đổi khí hậu. Ông giải thích, những giống lúa hoang này mọc tự nhiên trong nước mặn ở ven biển và bờ sông, nhưng có hàm lượng tinh bột, đường ở mức thấp hơn nhiều so với lúa người dân đang canh tác.
Kết quả là, Islam đã phát triển ra 2 giống khác nhau, có thể chịu được nước mặn và ngập úng. Hiện ông phát miễn phí cho hơn 100 nông dân trong khu vực để khảo nghiệm. “Tôi dự định thành lập một chợ hạt giống ở thị trấn. Ở đó, hạt giống sẽ không được bán, mà chỉ để trao đổi giữa những người nông dân”, ông nói.
Thử nghiệm trên diện rộng
Theo dữ liệu từ Văn phòng nông nghiệp của vùng, Shyamnagar là một trong những nơi sản xuất lúa hàng đầu của Bangladesh. Khu vực này hàng năm cung cấp việc làm cho khoảng 45.000 nông dân.
Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980, diện tích trồng lúa bắt đầu có dấu hiệu suy giảm do đất bị nhiễm mặn hơn. Để thay thế, nông dân chuyển hướng sang nuôi tôm và sử dụng nguồn nước từ các con sông để khoanh vùng thành các ao. Nước từ chính những ao nuôi tôm này lại thấm ngược vào các ruộng lúa xung quanh.
Theo Touhidul Alam, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên về Tri thức Bản địa Bangladesh (BARCIK), cơn bão Ayla vào năm 2009 đã nhấn chìm phần lớn khu vực Shyamnagar, khiến nồng độ muối trong đất tăng lên đáng kể. Kết hợp với những cơn lốc xoáy và lũ lụt kế tiếp khiến đất nơi này mặn hơn đáng kể, buộc nhiều người dân phải bỏ trồng lúa.
Tổ chức Từ thiện toàn cầu Practical Action cho biết, từ năm 1995 đến năm 2015, đất nông nghiệp ở 5 khu vực, bao gồm cả Shyamnagar, đã bị thu hẹp hơn 30.000 ha, do phần lớn diện tích đất được chuyển đổi thành các trang trại nuôi tôm. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo, rằng nước và đất ở ven biển Bangladesh sẽ ngày càng bất lợi cho việc trồng lúa, nhất là khi trái đất đang ngày một nóng lên.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014 về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dọc theo bờ biển cũng ước tính, rằng vào năm 2050, các con sông ở 10 trong số 148 vùng của khu vực Shyamnagar sẽ bị nhiễm mặn ở mức từ vừa đến cao. Một loạt những điều kiện bất lợi buộc những người nông dân phải tìm ra giống lúa có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt.
Humayun Kabir, một quan chức khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Lúa Bangladesh (BRRI) cho biết, việc nông dân lai tạo và trồng các giống lúa mới đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển nông nghiệp tại các địa phương.
Một số giống lúa do nông dân phát triển trong vài năm qua, như giống Charulata của ông Tarafdar, đã được gửi đến BRRI. Trước khi phân phối chúng cho nông dân trên toàn quốc, Viện nghiên cứu sẽ kiểm tra các hạt giống trong các phòng thí nghiệm, định lượng, trước khi đưa vào gieo trồng trên diện rộng.
Hiện BRRI lai tạo được ít nhất 100 giống lúa có thể trồng ở các vùng đất mặn và ngập úng. Tuy nhiên, nông dân ở vùng Shyamnagar cho rằng hầu hết các giống lúa này đều không phù hợp và kém thích ứng với điều kiện thời tiết ở địa phương.
Một rào cản nữa, là giá cả đắt đỏ của các giống lúa mà BRRI nghiên cứu, khiến nông dân khó mua và trồng tại ở Shyamnagar. Bikash Chandra, một nông dân làng Gomantali bày tỏ: “Tôi đã trồng các giống lúa từ BRRI nhiều lần và năng suất không tốt.”
“Nông dân ở khu vực bị thiên tai này đã làm rất tốt công việc bảo tồn giống lúa địa phương và phát minh ra các giống mới. Nhờ tiến bộ này, người dân địa phương giữ được sinh kế của họ là nông nghiệp, bất chấp thiên tai đe dọa ngày một thường xuyên”, cán bộ nông nghiệp vùng Shyamnagar, ông Enamul Islam cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ