Mô hình kinh tế Bao Giờ Nông Dân Mới Hết “Liều”

Bao Giờ Nông Dân Mới Hết “Liều”

Ngày đăng 20/07/2013

Ở Bạc Liêu, lúa mất giá nên nhiều nơi nông dân trồng màu dưới ruộng. Bởi, trồng một công màu giá trị mang lại cao hơn gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Một số người còn chọn trồng dưa hấu nghịch mùa với hy vọng bán được giá cao và đảm bảo đầu ra. Vậy mà, vụ dưa năm nay, nông dân lại tiếp tục lỗ nặng do thời tiết diễn biến thất thường và giá dưa quá rẻ (chưa đến 3.000 đồng/kg).

Lao đao trong cảnh lúa mất giá, nông dân đưa màu xuống ruộng để tìm phương cứu cánh. Do vậy, thay vì trồng lúa, ở vụ hè thu này, bà con lại chọn trồng dưa hấu nghịch mùa để mong bán được giá cao. Thế nhưng, vụ dưa nghịch này không chỉ thất mùa, mà còn mất giá.

Khó khăn đầu tiên của người trồng dưa hấu nghịch mùa là yếu tố thời tiết. Thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất dưa hấu. Do vậy, nhiều nông dân hay nói vui với nhau là trồng dưa nghịch mùa gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời. Nhiều khi ngày mai thu hoạch, nếu hôm nay mưa, thì cả ruộng dưa sẽ trở thành rẫy “lựu đạn” (vì dưa gặp nước mưa sẽ nổ vỏ).

Phần lớn bà con trồng dưa tự phát, chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc. Biết là rủi ro cao, nhưng nông dân vẫn không ngần ngại mạo hiểm đánh đổi vụ lúa hè thu để lấy vụ dưa mùa nghịch. Bởi lẽ, nhiều năm liền, hạt lúa cứ loay hoay trong cảnh được mùa mất giá. Những tưởng cây dưa mùa nghịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, ai dè lỗ nặng. Vụ dưa này có hộ lỗ cả chục triệu đồng vì dưa hấu nhỏ trái và giá rớt đến thê thảm.

Hiện, giá dưa thương lái mua tại ruộng chỉ có 2.500 đồng/kg, còn giá dưa bán tại các chợ đầu mối dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Anh Phạm Thanh Bình (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) than thở: “Với giá dưa như hiện nay, người trồng dưa chỉ từ huề tới lỗ. Vừa qua, tôi thu hoạch 4 công dưa. Với giá bán 2.400 đồng/kg, mỗi công dưa tôi thu về hơn 14 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí cho 1 công dưa phải mất từ 16 - 17 triệu đồng, lỗ trắng tay!”.

Thất mùa dưa, nông dân muốn quay lại trồng lúa, nhưng vụ hè thu đã trễ lịch thời vụ. Không đành bỏ đất trống, nhiều bà con lại tiếp tục “liều” bằng cách vay tiền để xuống giống dưa vụ 2 theo kiểu “thua keo này bày keo khác”.

Thời gian qua và hiện nay, nông dân phải “tự bơi”, tìm đầu ra cho hàng nông sản, nên việc trúng mùa mất giá và luôn gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi. Không phải nông dân không nhận thức được sản xuất nghịch mùa dễ gặp nhiều rủi ro, nhưng do những bất cập trên, họ phải trồng nghịch mùa với hy vọng sản phẩm sẽ có đầu ra và bán được giá. Thiết nghĩ, nếu ngành quản lý làm tốt được khâu tiêu thụ và bao tiêu, thì nông dân chẳng dại gì mà sản xuất nghịch mùa!


Có thể bạn quan tâm

kinh-nghiem-trong-buoi-doan-hung-1 Kinh Nghiệm Trồng Bưởi Đoan… can-danh-gia-lai-viec-san-xuat-lua-3-vu Cần Đánh Giá Lại Việc…