Mô hình kinh tế Bảo Hiểm Vi Mô Cải Thiện Đời Sống Của Người Nghèo

Bảo Hiểm Vi Mô Cải Thiện Đời Sống Của Người Nghèo

Ngày đăng 07/05/2011

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB, ngày 5 – 6/5 Hội thảo “Vai trò của Khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực: Thương mại và Hạ tầng xuyên biên giới” cũng được tổ chức. Hội thảo quy tụ các chuyên gia ở cả khu vực công và tư để hai bên cùng thảo luận những giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển của khu vực.

Hợp tác công – tư vì một châu Á phát triển

Các diễn giả tại Hội thảo cho rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thiết lập cơ sở hạ tầng và hệ thống tài chính tốt hơn cùng với liên kết thương mại chặt chẽ hơn nếu như khu vực này muốn thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, đồng đều và dài hạn. Khu vực công và tư cần hợp tác chặt chẽ để đạt mục tiêu này.

Nền kinh tế châu Á xét về tổng thể đang có được tốc độ phát triển nhanh chóng, trong đó tỷ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển đạt được năm ngoái là 9,0%, dự báo năm nay đạt 7,8% và năm 2012 sẽ đạt 7,7%. Tuy nhiên xét cả trên phạm vi khu vực cũng như phạm vi từng quốc gia, vẫn có một khoảng cách thu nhập rất lớn giữa các bộ phân dân cư. Mặc dù đạt được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, khu vực này vẫn có gần 2 tỉ người chỉ sống với mức dưới 2 đô la Mỹ một ngày. Tuy nhiên, khi mà các chính phủ và các ngân hàng phát triển không thể cấp vốn cho tất cả nhu cầu đầu tư cần thiết trong khu vực thì sự tham gia của khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt. Sự bảo lãnh, quan hệ đối tác công-tư và những công cụ giảm thiểu rủi ro đều có thể giúp huy động nguồn vốn mà khu vực tư nhân còn đang do dự.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lakshmi Venkatachalam, Phó Chủ tịch ADB phụ trách Khu vực Tư nhân và các Hoạt động đồng tài trợ đã nói: “Khi các chính phủ có thể, và nên đảm bảo được một môi trường thuận lợi, phù hợp cho khu vực tư nhân trưởng thành và lớn mạnh, thì chính khu vực tư nhân sẽ mang lại sự phân bổ hiệu quả nhất các nguồn lực và duy trì động lực lâu dài cho tăng trưởng kinh tế”. Bà cũng cho biết thêm: “Mặc dù đã có nhiều câu chuyện thành công từ quan hệ đối tác công-tư trong khu vực nhưng vẫn còn nhiều cơ hội dành cho cả hai bên để cùng hợp tác và đạt được những khoản đầu tư lớn và phức tạp”.

Nâng cao vai trò của bảo hiểm vi mô

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định rằng bảo hiểm vi mô là một công cụ then chốt giúp người dân nghèo vượt qua được những khó khăn không lường trước.

Theo các chuyên gia, bảo hiểm vi mô mang lại một cơ hội quý báu cho các công ty bảo hiểm tư nhân nhằm hỗ trợ một bộ phận lớn khách hàng vốn chưa được phục vụ tốt mà vẫn tạo ra lợi nhuận. Rất nhiều người thuộc nhóm nghèo khổ nhất thế giới vẫn còn phải vật lộn với nghèo đói do bệnh tật đến bất ngờ hoặc mất người thân trong gia đình, mất mùa. Thiên tai đã gây ra sự mất mát không lường được cho họ về thu nhập hoặc phải chi trả một khoản lớn. Rất nhiều người khác cũng bị đẩy vào cảnh nghèo khó cùng bởi những nguyên nhân này. Bảo hiểm vi mô – bảo hiểm chi phí thấp dành cho người có thu nhập thấp – có thể giúp đỡ người nghèo đối phó với những hoàn cảnh khó khăn như vậy, cho phép họ lên kế hoạch cho một tương lai tươi đẹp hơn.

Bảo hiểm vi mô hiện vẫn chưa thể sẵn sàng cho phần lớn trên tổng số gần 2 tỉ người đang sống với dưới 2 đô la Mỹ một ngày ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể tiếp cận. Một phần nguyên nhân là do ở một số nơi, các quy định pháp lý và giám sát không hỗ trợ các sản phẩm bảo hiểm hướng tới người nghèo. Các công ty bảo hiểm tư nhân đã chậm chân trong việc cung cấp bảo hiểm vi mô trong bối cảnh có những bất trắc về pháp lý cũng như những khó khăn trong việc đề ra chính sách dịch vụ và chi trả những khoản bảo hiểm nhỏ với một quy mô lớn. Trái lại, những công ty hiện đang cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi mô cho biết rằng nhu cầu dịch vụ rất lớn và dự báo có tăng trưởng trong lĩnh vực này. Điều này cho thấy lợi ích trong việc sử dụng sản phẩm dịch vụ một khi các điều kiện pháp lý cho phép. Các diễn giả nhận định những khách hàng thu nhập thấp cũng tìm kiếm chính sách dịch vụ mang lại mức giá họ có thể chấp nhận được, theo cách mà họ có thể hiểu và sử dụng được. Ông Michael McCord, Chủ tịch Microinsurance Centre chia sẻ: “Có một thị trường to lớn dành cho đối tượng khách hàng là các hộ gia đình có thu nhập thấp còn chưa được khai thác. Khu vực thương mại sẽ dẫn dắt sự mở rộng ấn tượng của nền công nghiệp này, nhưng chúng ta cũng phải đề cập đến vấn đề này một cách có hệ thống trong chuỗi giá trị gia tăng”

Trong những năm gần đây, ADB đã chi 4,4 tỉ đô la Mỹ để thúc đẩy bảo hiểm vi mô ở Sri Lanka, Bangladesh, Philippine và các nơi khác. Trong năm 2010, ADB đã phân bổ 750.000 đô la Mỹ để hỗ trợ phát triển các thị trường bảo hiểm vi mô mới hình thành ở Trung Quốc và Mông Cổ, là những nơi có trên 200 triệu khách hàng tiềm năng.


Có thể bạn quan tâm

tau-nam-bo-ca-bien-tang-gia Tàu Nằm Bờ, Cá Biển… mot-ngay-o-cu-lao-long-tri Một Ngày Ở Cù Lao…