Mô hình kinh tế Bảo Hộ Nhãn Hiệu Nông Sản Trên Địa Bàn Hà Nội

Bảo Hộ Nhãn Hiệu Nông Sản Trên Địa Bàn Hà Nội

Ngày đăng 09/05/2014

Hội Nông dân (ND) đứng ra làm đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu nông sản cho ND là thích hợp - đó là khuyến nghị của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Vai trò Hội ND trong bảo hộ nhãn hiệu nông sản trên địa bàn Hà Nội” diễn ra ngày 8.5, do Hội ND TP.Hà Nội tổ chức.

Báo cáo đề dẫn của Hội ND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có rất nhiều nông sản nổi tiếng như cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đông Dư, nhãn muộn Hoài Đức, bưởi tôm vàng Đan Phượng, cốm Vòng, đào Nhật Tân… nhưng cho tới nay nhiều nông sản vẫn chưa có bảo hộ nhãn hiệu dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tính cạnh tranh thấp…

Nông sản cần được phát triển thương hiệu

Bưởi tôm vàng Đan Phượng là nhãn hiệu nông sản đã được cấp văn bằng bảo hộ năm 2011, do Hội ND xã Thượng Mỗ đại diện chủ sở hữu. Diện tích bưởi tôm vàng ở Đan Phượng hiện lên tới gần 350ha thuộc nhiều xã. “Nhờ có bảo hộ nhãn hiệu nên chính quyền, người dân yên tâm phục hồi, mở rộng thâm canh cây bưởi tôm vàng.

Theo đó, giá trị kinh tế cũng tăng lên với tổng doanh thu giống bưởi này trên địa bàn toàn huyện đạt 220-250 tỷ đồng/năm…”- ông Trần Tuấn Ngại - Chủ tịch Hội ND huyện Đan Phượng cho hay.

TS Trần Văn Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhóm cộng sự đã trình bày tại hội thảo những tham luận về tổng quan xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nói chung và nhãn hiệu nông sản nói riêng trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Hà Nội có tới 55 sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, nhiều đặc sản nhưng đến nay mới chỉ có 11 nông sản có bảo hộ nhãn hiệu, 6 nông sản khác đã nộp đơn chờ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Trong số những nông sản được bảo hộ nhãn hiệu của Hà Nội có 6 nông sản do Hội ND đứng ra đại diện làm chủ sở hữu hoặc tham gia chủ sở hữu. “Một tình trạng dễ nhận thấy là mặc dù có nhiều đặc sản, nhưng không ít các địa phương của Việt Nam, trong đó có Hà Nội chưa chú trọng xây dựng bảo hộ nhãn hiệu.

Nhiều nơi chỉ “chăm chăm” xem mình đã bảo hộ được bao nhiêu nhãn hiệu chứ chưa chú ý tới việc bảo vệ, phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu. Vì vậy mới có chuyện, nông sản được bảo hộ nhãn hiệu nhưng chưa có chỗ đứng trên thị trường, cạnh tranh yếu và vẫn có khả năng bị chiếm dụng trên thị trường nước ngoài…”- TS Hải đánh giá.

Giúp dân xây dựng nhãn hiệu

Ông Nguyễn Văn Trung- đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định, cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ của thành phố sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn để giúp Hội ND, hội viên, ND xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu nông sản. Kinh phí xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản được Nhà nước hỗ trợ…

Tại hội thảo, TS Trần Văn Hải cho rằng, Hội ND cần chủ động giúp ND xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu nông sản, nhất là các mặt hàng nông sản nổi tiếng của thủ đô. “Hội ND đứng ra là chủ sở hữu nhãn hiệu nông sản cho ND là phù hợp…”- TS Hải khẳng định.

Nhiều tham luận đồng tình với ý kiến của TS Trần Văn Hải. Nhưng theo TS Hải, trong xây dựng bảo hộ nhãn hiệu nông sản cần phải biết cách làm, có tổ chức tư vấn chuyên môn chứ không thể để ND tự làm.

“Có nhiều hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận. Hà Nội hiện nay mới chỉ có bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho nông sản chứ chưa có nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý".

“Hà Nội có nhiều đặc sản gắn liền với địa danh, cần hỗ trợ ND đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Nhiều người nghĩ tên địa danh của ta thì mãi mãi là của ta. Trong sở hữu trí tuệ, điều này chỉ đúng khi ta đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Không nên để cá nhân, doanh nghiệp là chủ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý…”- TS Hải khuyến cáo.


Có thể bạn quan tâm

vuon-rau-nho-y-nghia-lon Vườn Rau Nhỏ, Ý Nghĩa… mua-mua-tang-dinh-duong-cho-cay-tieu Mùa Mưa Tăng Dinh Dưỡng…