Tin nông nghiệp Bảo vệ cây trồng, vật nuôi mùa nắng nóng

Bảo vệ cây trồng, vật nuôi mùa nắng nóng

Tác giả Đức Toản - Vi Ngoan, ngày đăng 10/08/2018

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục khó khăn do thời tiết, nông dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để bảo vệ cây trồng, vật nuôi. 

Trên những cánh đồng gieo cấy lúa mùa của tỉnh, những ngày này nông dân đang khẩn trương gieo cấy để bảo đảm thời vụ tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Hà ở xã Quang Hưng (Phù Cừ) chia sẻ: “Vụ này gia đình tôi có kế hoạch gieo cấy 5 sào lúa mùa trà sớm, dự kiến sau thu hoạch sẽ trồng bí vụ đông. Để tránh nắng nóng và bảo đảm thời vụ, tôi và nhiều hộ nông dân trong xã ra đồng gieo cấy từ 4 -10 giờ sáng, buổi chiều từ 15 - 19 giờ”. 

Tại những vùng chuyên canh cây ăn quả, cây có múi ở các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, những ngày qua, nông dân đứng ngồi không yên vì nắng nóng làm cho ruộng đất, rau màu ngày càng khô héo và có thể ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nông sản.

Ông Trịnh Văn Thinh, người trồng nhãn ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: “Để khắc phục tình trạng trên, tôi và các hộ trồng nhãn ở đây phải dùng nước ao hoặc nước giếng khoan bơm tưới cho nhãn hàng ngày vào sáng sớm. Vì thời điểm này nhãn đang trong giai đoạn phát triển quả non nên việc tưới giữ ẩm cho cây là rất cần thiết. Ngoài ra, cần bổ sung một số khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cây nuôi quả từ nay đến khi thu hoạch, nếu không cây sẽ bị rụng quả non, những quả còn lại cũng kém phát triển làm giảm năng suất, chất lượng”. 

Trên những cánh đồng trồng rau màu, hoa, cây cảnh, các cơ sở sản xuất, người nông dân đang dồn sức chống nắng cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn La, Giám đốc Hợp tác xã rau sạch và thương mại Phú Thịnh (Kim Động) cho biết: “Để hạn chế ảnh hưởng của mưa, nắng đối với cây trồng, hợp tác xã đã xây dựng hàng trăm m2 nhà lưới, nhà kính, kết hợp với tưới nước tự động. Tuy chi phí đầu tư lớn nhưng rau màu ít bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thông thường”. 

Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã huy động nhiều trạm bơm bơm cấp nước đến nơi gần nhất để tưới. Bên cạnh đó, nhiều vùng trồng rau màu không chủ động được nguồn nước tưới bằng máy bơm của Nhà nước, nông dân phải dùng máy bơm nhỏ hoặc gánh nước để tưới cho rau màu. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân còn dùng bẹ chuối, rơm, bèo tây che phủ gốc để giảm nhiệt và giữ ẩm. 

Cùng với bảo vệ cây trồng trong những ngày nắng nóng, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại do các bệnh mùa nóng, bảo đảm năng suất, chất lượng chăn nuôi.

Bà Vũ Thị Thuận, người nuôi lợn thịt tại xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Gia đình tôi làm chuồng hở nuôi lợn thịt, nhiệt độ ngoài trời đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả chăn nuôi, đàn lợn ăn ít hơn, tăng trọng kém hơn, một số con xuất hiện hiện tượng cảm nóng, khó thở. Tôi đã nhanh chóng thực hiện làm mát chuồng trại bằng việc duy trì phun nước trên mái chuồng, huy động tối đa quạt điện vào chuồng trong buổi trưa, chiều; mở thông cửa vào buổi tối để giảm nhiệt trong chuồng nuôi”. Một hộ chăn nuôi trong xã do chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư đang phải thực hiện nhiều biện pháp chống nóng tức thời, giảm mật độ nuôi trong mỗi ô chuồng.

Việc chống nắng nóng hiệu quả hơn được thực hiện ở các chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Nhờ được trang bị hệ thống làm mát từ giàn nước và quạt thông gió, áp dụng với chuồng kín, dù vào ngày nắng nóng cao điểm nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì ở mức 28 – 300C. Thời điểm hiện tại, mật độ vật nuôi và giá thịt hơi xuất chuồng trong tỉnh đang ở mức cao nên việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trước diễn biến thời tiết nắng nóng này càng được nông hộ ưu tiên hàng đầu.

Để chủ động đối phó, hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nông dân chủ động nắm bắt kịp thời diễn biến của thời tiết, có biện pháp thích hợp trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đối với cây trồng, thường xuyên bảo đảm đủ nước tưới; bón phân cân đối, hợp lý theo nhu cầu dinh dưỡng cho từng loại cây trồng ở mỗi thời kỳ sinh trưởng; sử dụng nhà lưới, nhà kính để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, tránh mưa, nắng cho cây trồng (nếu có thể); sử dụng vật liệu để che phủ cho cây, quả, không nên trồng cây vào những ngày nắng nóng. 

Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm dịch bệnh nguy hiểm để có biện pháp xử lý kịp thời, tích cực chống nắng nóng cho vật nuôi bằng biện pháp cải tạo chuồng trại, tạo bóng mát; kết hợp các biện pháp làm mát và điều chỉnh khẩu phần ăn cho vật nuôi, bổ sung chất khoáng, vi ta min, rau xanh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm môi trường chăn nuôi thông thoáng. 

Đối với diện tích nuôi thả thủy sản, cần thường xuyên theo dõi ao nuôi, nếu nhiệt độ quá nóng thì chờ trời mát mới cho ăn và cho ăn thành nhiều bữa trong ngày. Khi nhiệt độ trên 350C nên giảm 50% lượng thức ăn xuống ao. Bên cạnh đó cần bổ sung khoáng chất, vitamin C để tăng sức đề kháng cho thủy sản, duy trì mực nước 1,5m – 2m, thả bèo tây 1/3 diện tích mặt ao để giảm nắng, tạo nơi tránh trú cho thủy sản. Vận hành hệ thống quạt nước, sục khí tạo ô xy và định kỳ sử dụng vôi bột, chế phẩm sinh học quản lý môi trường nước ao nuôi. Ngoài ra, nông dân không nên ra đồng sản xuất vào thời điểm nắng nóng để bảo đảm sức khỏe. 


Có thể bạn quan tâm

quy-trinh-ky-thuat-trong-cay-dau-tay-phan-1 Quy trình kỹ thuật trồng… cai-thien-sinh-ke-tu-mo-hinh-khuyen-nong-hieu-qua Cải thiện sinh kế từ…