Mô hình kinh tế Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản

Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản

Ngày đăng 24/06/2013

Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.

DỊCH BỆNH PHÁT SINH

Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.350ha và hơn 8.000 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở TX Sông Cầu, huyện Tuy An với các loại tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá mú… sản lượng thu hoạch khoảng 7.000 tấn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Từ đầu năm đến nay, tại các vùng nuôi này thường xuyên xảy ra dịch bệnh khiến hầu hết các hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng phải thu hoạch sớm, năng suất và chất lượng tôm đạt thấp, giá bán giảm, người nuôi tôm bị lỗ vốn. Ông Trần Văn Công ở xã An Hiệp (Tuy An) cho biết: “Vụ tôm vừa rồi, gia đình tôi thả giống nuôi được khoảng 1,5 tháng thì gặp dịch bệnh, phải thu hoạch tôm non bán; vì giá thấp, chưa đạt trọng lượng nên chỉ thu hồi được ít vốn đầu tư”.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 159,5ha tôm nuôi từ 1 đến 2,5 tháng tuổi bị bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng, tập trung ở các huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu, trong đó có khoảng 20ha tôm nuôi bị mất trắng, làm người nuôi bị thiệt hại nặng.

Ngoài ra từ đầu tháng 4/2013, dịch bệnh còn xảy ra trên đối tượng cá mú nuôi tại các xã Xuân Thịnh, Xuân Hòa (TX Sông Cầu) làm chết khoảng 70% tổng số cá mú được thả nuôi. Ông Võ Văn Cùng ở xã Xuân Thịnh cho hay: “Gia đình tôi thả nuôi 10 lồng cá mú với số lượng khoảng 1.800 con, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là xuất bán nhưng lại bị nhiễm bệnh chết hết”. Theo ông Cùng, từ lúc ông phát hiện cá nuôi của gia đình bị bệnh, mặc dù điều trị bằng nhiều cách nhưng chỉ hơn nửa tháng sau cá mú trong 10 lồng nuôi không còn con nào.

Còn ông Võ Văn Thống cũng ở xã này thì cho hay: “Hầu hết cá mú nuôi của nhà tôi khi bị bệnh đều có các triệu chứng da cá sậm màu, trên thân cá có nhiều vết lở loét, có vết lở sâu đến tận xương và chết”. Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, từ tháng 4 năm nay, tại vùng nuôi của xã xảy ra hiện tượng cá mú chết hàng loạt, tỉ lệ cá chết từ 70 đến 100%. Đến thời điểm này toàn xã có khoảng 118.000 con cá mú có trọng lượng trên 0,5kg bị chết, còn số lượng cá vừa mới thả nuôi bị chết thì rất nhiều, chưa thể thống kê được.

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI

Theo Chi cục Thú y Phú Yên, nguyên nhân chính gây bệnh hoại tử gan tụy ở tôm nuôi là vi khuẩn Vibrio parahaemolytics. Vi khuẩn này đã bị nhiễm bởi một loại thể thực khuẩn (phage) sinh ra độc tố cực mạnh gây nên hội chứng hoại tử gan tụy cho tôm nuôi, đồng thời còn mang gen TDH (gen gây dung huyết trực tiếp đề kháng với nhiệt độ) có khả năng gây bệnh cho con người. Với cá mú, cơ quan chức năng xác định được tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Vibrio alginolyticus. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh nên 2 loại vi khuẩn này chính là vấn đề môi trường nước.

Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Tại các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, người nuôi vẫn chưa nhận thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường vùng nuôi. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm vùng nuôi là chế độ cho ăn dư thừa thức ăn.

Một khi thức ăn không được sử dụng hết sẽ lắng lại dưới tầng đáy, cộng với việc thả nuôi dày bằng phương pháp lồng găm (găm lồng cố định dưới tầng đáy), lồng bè không được vệ sinh thường xuyên khiến cho nguồn nước không trao đổi được trở thành ứ đọng. Hiện nay thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường nước tại các vùng nuôi tăng cao là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn phát sinh gây hại.

Cũng theo bà Linh, khó khăn lớn nhất đối với các ngành chức năng và người nuôi thủy sản hiện nay là vẫn chưa có phát đồ điều trị đối với 2 loại bệnh này. Biện pháp duy nhất và hiệu quả để hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan trên thủy sản nuôi là người nuôi cần nâng cao ý thức phòng tránh, nhất là bảo vệ môi trường vùng nuôi, thực hiện đúng quy hoạch vùng, mật độ nuôi, lịch thời vụ (đối với tôm).

Người nuôi cần tuân thủ việc thả lồng theo quy định 60 đến 80 lồng/ha mặt nước; mỗi lồng chỉ nuôi 50 con ở thời kỳ trưởng thành (trên thực tế, hiện nay tại các vùng nuôi ở xã Xuân Thịnh, bà con thả nuôi quá dày mỗi lồng có trên 100 con). Đồng thời người nuôi có thể phòng bệnh cho cá, tôm bằng cách thường xuyên cho tắm nước ngọt (cho cá tắm nước ngọt trong vòng 5 phút để loại trừ các loại vi khuẩn nước mặn khỏi cá). Vào các tháng mùa hè và nhất là vào lúc giao mùa, cần phải bổ sung vitamin tổng hợp và các khoáng chất nhằm tăng cường sức kháng bệnh cho thủy sản nuôi.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-vop-dat-hieu-qua-kinh-te-cao Nuôi Vọp Đạt Hiệu Quả… nang-dong-vuon-len-lam-giau Năng Động Vươn Lên Làm…