Tin nông nghiệp Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 2

Bảo vệ thực vật theo phương pháp tự nhiên - Phần 2

Tác giả 2LUA.VN tổng hợp, ngày đăng 18/12/2017

Phần 2 - Bốn bước thiết lập lại trật tự tự nhiên 

Việc cày xới đất làm xáo trộn sự cân bằng của các loài côn trùng, nấm, virút, vi khuẩn và các loài sinh vật khác sống trong đất. Sự xáo trộn trong đất phá vỡ các ống dẫn của rễ và kết cấu đất vì vậy làm cho đất không thể thực hiện được chức năng của chúng. Sự xáo trộn đất cũng làm mất nhanh các chất hữu cơ là nguồn thức ăn cho cây cối và các loài sinh vật khác.

Đất là nền tảng của nông nghiệp nhưng ở hầu hết các mảnh ruộng độ phì nhiêu đất hiện đang ở mức thấp nhất. Trong hoàn cảnh như vậy, sự cân bằng giữa các hình thái sống của nhiều loại sinh vật khác nhau trong đất đang có nguy bị cơ xáo trộn nghiêm trọng.

Bước 1. Khôi phục lại độ phì của đất

“HÃY CHĂM SÓC CHO ĐẤT VÀ ĐẤT SẼ CHĂM SÓC LẠI CHO BẠN”

Đất đai khỏe mạnh tạo ra cây cối khỏe mạnh, cây cối khỏe mạnh chống lại sự xâm hại của sâu bệnh. Để cải tạo đất, Hãy ít đào xới, che phủ nhiều hơn và luôn bón phân ủ.

Bước đầu tiên để thiết lập lại trật tự tự nhiên là phải phục hồi độ phì nhiêu của đất bằng cách giảm đến mức thấp nhất việc làm xáo trộn đất và tăng tối đa các chất hữu cơ cho đất.

Bước 2. Tạo môi trường sống cho động vật ăn mồi

Bước thứ hai là tạo môi trường sống tự nhiên thích hợp cho động vật ăn thịt và duy trì những gì đang có. Ở đây nông lâm kết hợp có thể đóng vai trò quan trọng và khuyến khích việc làm đa dạng các loài cây dại ở những khu vực đất sỏi đá không canh tác và ở ven bờ ruộng. Sử dụng các bờ dải đồng mức với nhiều mục đích khác nhau: như trồng cây ăn quả, cây lấy củi, cỏ cho gia súc và hàng cây chắn gió, tất cả những loại cây này đều giúp thiết lập lại sự cân bằng giữa sâu bọ và các loài ăn mồi.

“KHUYẾN KHÍCH MÔI TRƯỜNG SỐNG TỰ NHIÊN Ở NƠI ĐẤT TRỒNG”

Cơ hội để khuyến khích là thiết lập lại môi trường sống tự nhiên ở những khu đất không sử dụng như bờ ruộng, khu đá sỏi không trồng trọt được và những nơi khác còn lại trên những cánh đồng khá lớn. Cây mọc tự nhiên tự chúng sẽ tái sinh nếu con người cho phép; mà với việc lựa chọn cẩn thận các loại cây to, cây bụi và cỏ ở những khu vực này sẽ làm cho những khu đất không được sử dụng có thể trở nên hữu ích.

“THIẾT LẬP HÀNG CÂY CHẮN GIÓ XUNG QUANH RUỘNG”

Những vành đai hỗn hợp các cây bản địa xung quanh các mảnh ruộng hay ở những nơi nhiều đá sỏi ở trên đồng sẽ giúp bảo vệ đất khỏi bị gió thổi khô, cung cấp gỗ làm nhiên liệu, nguyên liệu xây dựng, và tạo môi trường sống tốt cho động vật ăn côn trùng.

“TẬN DỤNG HẾT CÁC BỜ RUỘNG, DẢI ĐỒNG MỨC”

Tương tự như vậy, việc trồng dọc theo bờ đồng mức các cây ăn quả, cây làm thức ăn gia súc, các cây bụi và cỏ là cơ hội lớn để tăng sản xuất. Cây cối sẽ giúp chắn gió, cung cấp củi đun và khuyến khích các loài vật ăn thịt côn trùng vào sinh sống, đặc biệt là các loài chim. Một số loại cây bản địa nhất định cũng cần được khuyến khích trồng ven bờ ruộng đồng mức. Hãy chọn những loại cây thân gỗ hay các loại cây bụi (bản địa hay ngoại lai) một cách cẩn thận, tránh những cây rễ ăn rộng và nông vì chúng có thể sẽ cạnh tranh với cây trồng chính. Trong nhiều khu vực khô hạn trên thế giới, viêc trồng các hàng cây chắn gió cho thấy đã làm tăng đáng kể năng xuất cây trồng do giảm tỷ lệ bốc hơi nước.

Bước 3. Giới thiệu và thực hiện lại việc đa dạng hóa cây trồng

Bước thứ ba là giới thiệu và áp dụng lại việc đa dạng cây trồng trong hệ thống sản xuất bởi vì sự đa dạng là phương pháp tự nhiên hiệu quả nhất để duy trì mối cân bằng giữa sâu bọ và các loài ăn mồi đồng thời đảm bảo duy trì độ phì nhiêu của đất. Ở những nơi độc canh, nông dân cần phải xem xét lại cách làm tăng sự đa dạng cây trồng thông qua luân canh, xen canh, trồng xen kiểu hỗn hợp, trồng xen theo hàng và trù tính kiểu canh tác lâu bền.

Một nguyên nhân lớn làm cho đất đai bị thoái hóa là gieo trồng quá nhiều cây lương thực và quá ít cây họ đậu. Khi trồng cùng một loại cây trồng trong cùng một thửa ruộng hết năm này đến năm khác, đất sẽ liên tục bị lấy đi một số chất dinh dưỡng nhất định và các loài sâu bệnh hại sẽ phát triển. Ví dụ, số lượng sâu đục thân và nhện đỏ phát triển rất nhanh ở ruộng ngô, cà chua (hoặc bông) khi những loại cây này được trồng liên tục.

Đơn giản, điều này xảy ra vì quy luật đa dạng cây trồng đã không được quan tâm. Mỗi loại côn trùng cụ thể phát triển mạnh bởi cây chủ cung cấp thức ăn dồi dào và chỗ cư trú liên tục cho chúng. Tình trạng này sẽ càng trở nên tồi tệ do các chương trình phun thuốc hóa học tiêu diệt những loài ăn thịt sâu bọ tự nhiên.

Quy luật đa dạng thực vật nói rằng cần phải có nhiều loại cây trồng khác nhau trên cùng một mảnh đất tại bất cứ thời điểm nào. Phá quy luật này sẽ nhanh chóng gây ra hậu quả, đặc biệt là ở khu vực nhiệt đới và tiểu nhiệt đới.

Mỗi cây của cùng một loài được trồng tách biệt nhau để nếu sâu bọ ăn cây này thì khó có thể lan sang cây kia. Khoảng cách biệt giữa những cây này được trồng xen vào những loại cây khác, tất cả đều bảo vệ lẫn nhau bằng cách này hay cách khác như làm hàng rào chắn tự nhiên hay trồng cây xua đuổi qua hương vị tiết ra từ lá, hoa hay rễ cây của chúng. Điều này xảy ra ở cả bên trên và bên dưới đất với sự hoạt động của rễ cây tiết ra như là chất xua đuổi hoặc chướng ngại vật ngăn chặn sự phát triển của những loài sâu bệnh từ trong đất.

Ngoài ra, mỗi cây giúp tạo ra một môi trường sống hoàn toàn phù hợp (độ ẩm, chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, đời sống côn trùng, chắn gió và vân vân) để tạo ra tối đa số lượng các nguyên liệu thực vật ở nơi đó.

Sau đây là một số cách đa dạng thực vật tự nhiên nông dân có thể áp dụng

3.1 Luân canh

“TRỒNG THÊM CÂY HỌ ĐẬU VÀ BỚT CÂY LƯƠNG THỰC”

Luân canh cần được xem là bước đầu tiên hướng tới việc tạo ra sự đa dạng thực vật cần thiết. Luân canh là việc trồng một chuỗi các loại cây khác nhau ở trong cùng thửa ruộng từ vụ này tiếp sau vụ kia.

Khi lựa chọn các chuỗi luân canh, cần gắn với mục đích không chỉ làm giảm đến mức thấp nhất sâu bệnh hại mà còn cải tạo độ phì nhiêu của đất và phòng ngừa xói mòn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, yêu cầu về phòng ngừa xói mòn và tăng độ phì nhiêu cho đất đã bị đẩy sang một bên và thực tế của việc thực hiện luân canh được lựa chọn là chỉ để kiểm soát các loài sâu bệnh hại. Hơn nữa, nhấn mạnh nhu cầu kiểm soát các loài gây hại còn cho ta thấy mức độ đảo lộn cân bằng giữa loài gây hại và loài ăn mồi tự nhiên do phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại gây ra.

“LUÂN CANH LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN HƯỚNG TỚI ĐA DẠNG THỰC VẬT”

Chú ý hơn nữa việc đưa vào luân canh các loại cây họ đậu, cây làm thức ăn gia súc và để đất cho cỏ mọc nhằm đạt các lợi ích là tăng độ phì nhiêu của đất, chống xói mòn và sản xuất lương thực bền vững. Trong thời gian qua, phương pháp bỏ hoang đất cho cỏ mọc để đạt được tất cả các mục đích này, kể cả việc kiểm soát các loài sâu bệnh hại đã bị đánh giá cực kỳ thấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nghèo dinh dưỡng với quy mô lớn như hiện nay (do sử dụng phương pháp canh tác cày bừa và dùng hóa chất hàng năm) làm cho đất bị nghèo và cây kém tăng trưởng.

3.2 Trồng xen hỗn hợp

“KIỂU TRỒNG HỖN HỢP: BÍ ĐỎ - ĐẬU – NGÔ”

Trong kiểu trồng hỗn hợp (trồng trộn lẫn các loại cây với nhau), sự đa dạng cây trồng được làm tăng thêm ở các vụ bằng cách trong cùng mảnh đất cùng một lúc trồng vài loại cây khác nhau. Phải chú ý lựa chọn các loại cây để chúng có thể cùng nhau phát triển tốt. Ví dụ trong việc trồng xen kẽ giữa ngô – đậu tương – kê, giữa các hàng ngô có thể được trồng thêm với bí đỏ và đậu (giữ nguyên khoảng cách bình thường giữa các hàng )

Ngoài việc kiểm soát sâu bệnh hại, trồng xen có tác dụng loại trừ cỏ dại, bảo vệ đất, cải thiện hàm lượng các chất hữu cơ trong hệ thống canh tác và làm giảm đến mức thấp nhất rủi ro bị mất mùa hoàn toàn.

Một phương pháp cổ đó là trộn các loại hạt của nhiều loại cây vào với nhau với tỷ lệ thích hợp và rắc chúng ra ruộng. Phương pháp này tránh được việc tạo thành hàng liên tiếp cùng một loại cây ở đó các loài sâu bệnh có thể dễ dàng lây lan sang nhau.

Ông cha chúng ta đã có nhiều kiến thức trong việc kết hợp các loại cây trồng bảo vệ lẫn nhau. Hầu hết những kiến thức này đã bị mất đi nhưng trong những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã thấy rõ giá trị của kỹ thuật này và đã thu thập những thông tin phù hợp.

Một số cách kết hợp đã được tìm và áp dụng để làm giảm thất thoát mùa vụ do các loài sâu bệnh hại gây ra đó là:

Đậu đũa trồng kết hợp với sắn hoặc cây lúa miến (một loại kê); ngô với cây hướng dương, khoai tây với cây mù tạt; mướp tây với cà chua, gừng và đậu xanh; cải xoăn với cà chua và thuốc lá; bí đỏ, mướp tây, đậu đen, dưa hấu và dưa thơm với ngô, cây lúa miến hoặc kê; ngô và đậu đen; cây bông với đậu đen, ngô hoặc cây lúa miến. Sự phá hoại của tuyến trùng đối với cam quít sẽ giảm đi bằng cách trồng các loại cây họ đậu ở dưới (đặc biệt là đậu đen) và tương tự cây ăn quả được bảo vệ khỏi những loài gây hại bằng cách trồng cây keo tai tượng ở gần đó. Thậm chí khi trồng kết hợp nhiều giống của cùng một loại cây cũng cho thấy giảm thiệt hại mùa vụ do sâu bệnh hại gây ra.

Cây cứt lợn, cúc vạn thọ tây, cúc vạn thọ, cây cúc tây, cúc đại đóa, tỏi, cà chua, hành tây và hầu hết các loại cây thảo mộc được biết đến là để bảo vệ các loài cây khác.

3.3 Trồng xen kế tiếp nhau

“KIỂU TRỒNG XEN THEO HÀNG: NGÔ – ĐẬU”

 

Trồng xen kẽ tương tự như trồng hốn hợp chỉ khác là những loại cây được trồng thành các hàng cây xen kẽ nhau, đôi khi xen kẽ thành hai hàng một. Khoảng rộng giữa các hàng của một loại cây xen sẽ bảo vệ không cho côn trùng lây lan nhưng sâu hại vẫn có thể đi lại dễ dàng dọc theo các hàng cây. Tuy nhiên, kiểu trồng xen này cho thấy thiệt hại mùa vụ do sâu hại gây ra giảm nhiều so với độc canh. Ví dụ, trồng xen ngô với đậu đen cho thấy giảm tỷ lệ sâu đục quả. Tương tự như vậy, côn trùng gây hại cho cây bông cũng giảm đi do trồng xen bông với đậu đũa, ngô hoặc cây lúa miến; và một số loại đậu cũng cho thấy giảm nấm phấn trắng trên sắn trong khi đó sắn lại bảo vệ đậu khỏi bị đốm lá.

3.4 Trồng xen luống

Ưu điểm của trồng luân canh, trồng xen hỗn hợp và xen hàng được kết hợp trong một hệ thống canh tác mới gọi là trồng thành luống không làm đất.

Kiểu canh tác này không cày đất lên. Chỉ cào nhẹ với độ sâu khoảng 50 mm để trồng cây thành các hàng (ví dụ ngô) và dưới các cây được trồng, các loại cây khác (ví dụ bí đỏ, đậu đũa v.v) được trồng thêm vào hố được cuốc giữa các hàng cây. Đa dạng thực vật tăng lên bởi cùng một lúc trên toàn ruộng có nhiều loài cây được trồng thành các luống kế tiếp nhau đôi một chạy dọc theo các bờ đồng mức.

Trồng thành các luống kế tiếp nhau như ngô – đậu nành – kê được nêu trong hình ở trên và có thể được áp dụng ngay trong năm đầu tiên. Trong năm thứ hai, loại cây được trồng ở các luống phía dưới cùng sẽ được chuyển lên phía trên cùng của ruộng thay cho loại cây trồng vừa được trồng ở đó và cứ thế tất cả các luống cây khác đều được chuyển xuống để thế chỗ các loại cây vừa được trồng ở vụ trước.

Hàng năm phương pháp này tiếp tục được thực hiện với việc chuyển loại cây ở phía dưới cùng lên trên cùng của thửa ruộng.

Bằng cách này, cùng một lúc luân canh cây trồng không chỉ được thực hiện trên toàn ruộng mà mỗi luống trồng đều được trồng các loại cây khác nhau hết vụ này sang vụ khác.

Trên các luống ngô có thể trồng thêm ở phía dưới tán ngô nhiều loại cây khác phù hợp (như bí đỏ, đậu đũa, dưa hấu, bí xanh và đỗ) để tăng đa dạng thực vật và để đạt được tất cả lợi ích do cách trồng hỗn hợp mang lại. Khả năng ứng dụng kiểu trồng này hầu như vô tận. Thậm chí cà chua có thể được trồng trong ruộng ngô rất thành công và cây cà chua được buộc vào thân cây ngô thay vì làm giàn.

3.5 Canh tác thường xuyên

“ÁP DỤNG KIỂU CANH TÁC THƯỜNG XUYÊN Ở NƠI CÓ THỂ”

Đa dạng cây trồng có thể được làm tăng hơn nữa bằng cách trồng mở rộng thêm cùng nhiều các loại cây với nhau có các cách sinh trưởng và môi trường sinh sống khác nhau vào trong bất cứ hệ thống canh tác nào đã nêu ở trên. Các loại cây được lựa chọn trồng không chỉ vì chúng cung cấp thức ăn mà còn bảo vệ các loại cây lương thực không bị sâu bọ phá hoại hoặc cải tạo đất tốt, cho nhiệt độ không khí, ánh sáng và độ ẩm phù hợp để các loại cây lương thực được trồng cùng với chúng cho thu hoạch tốt nhất.

Kiểu canh tác thường xuyên có thể bao gồm nhiều loại cây có chiều cao khác nhau từ cây cao, cây bụi đến cây leo và các cây nhỏ khác được bố trí làm sao để mỗi loại cây này tạo ra môi trường cần thiết cho các cây khác. Các loại cây đòi hỏi hoặc thích bóng râm (như khoai lang hay cây quả mọng) được trồng ở dưới những cây cao hay cây bụi, trong khi đó những cây cần ánh sáng mặt trời thì trồng ở những chỗ trống.

Cần lưu ý không nên trồng quá nhiều các loại cây giống nhau bên cạnh nhau và đảm bảo số lượng đủ các loại cây đa mục đích để cải tạo đất (các loại đậu) và bảo vệ không bị sâu bọ phá hoại. Các loại cây nặng mùi như cà chua, hành, tỏi, cúc vạn thọ, v.v. được trồng cùng hoặc xung quanh các loại cây khác như bắp cải, cây cải dầu và xà lách để bảo vệ chúng không bị sâu bọ tấn công. Những cây hấp dẫn sâu bọ được trồng để làm bẫy cho các loài sâu bọ ưa thích chúng.

Bước 4. Không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp

“THAY THẾ TẤT CẢ HÓA CHẤT

BẰNG CÁC PHƯƠNG THUỐC TỰ NHIÊN Ở BẤT CỨ ĐÂU CÓ THỂ”

Bước thứ tư là không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân hóa học, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc trừ nấm. Sử dụng các chất hữu cơ và phân ủ thay thế cho phân vô cơ, sử dụng trồng cây luân canh, trồng xen thêm cây dưới tán cây trồng chính, canh tác cơ học thay cho việc sử dụng chất diệt cỏ và thực hiện các phương pháp tự nhiên để thay thế cho những hóa chất có hại hiện đang được sử dụng khống chế sâu bệnh.

Việc phụ thuộc nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng có hại cho hệ sinh thái trong và ngoài đồng ruộng, sau đó là ảnh hưởng đến mức độ sản xuất, chi phí đầu vào cũng như đến sức khỏe và phúc lợi của con người.

Các loại phân bón hòa tan sử dụng trong nông nghiệp làm hỏng những yếu tố cơ bản như làm mất chất hữu cơ và làm hỏng cấu trúc của đất, làm suy giảm số lượng các loài sinh vật có ích trong đất và làm cho đất dễ bị chua. Chúng ta cần sử dụng nhiều hơn các loại phân bón tự nhiên như phân hữu cơ và phân ủ nóng

Các chất diệt cỏ được tạo ra để diệt những loại cây tồn tại trên mặt đất ngoài ý muốn của con người nhưng chúng cũng lại phá hoại đời sống của những sinh vật cực nhỏ sống ở trong đất có chức năng phân hủy các tàn dư thực vật và duy trì mối cân bằng giữa các loài gây hại và loài ăn mồi. Tốt hơn hết là hãy kiểm soát cỏ dại, sử dụng kỹ thuật xen canh và luân canh ở bất cứ nơi nào có thể thay bằng kiểm soát bằng hóa chất (đặc biệt là trồng với mật độ cao các loại cây che phủ).

Những loại thuốc trừ sâu mới lúc đầu có hiệu quả cao nhưng hiệu quả đó giảm đi theo thời gian do hai yếu tố. Một mặt bản thân những động vật ăn mồi giúp làm giảm số lượng sâu hại cũng bị tiêu diệt, đôi khi còn bị tiêu diệt nhiều hơn là sâu hại. Thứ hai, những con sâu còn sống sót sau khi dùng thuốc trừ sâu sẽ kháng thuốc và tiếp tục sinh sản. Thế hệ mới của sâu hại này có khả năng kháng thuốc trừ sâu và số lượng sâu hại vì thế sẽ tăng lên.

Trong thời gian qua, với sự phản tác dụng của chiến lược này, người sản xuất đã tăng số lần phun thuốc lên rất nhiều, liều lượng thuốc cho mỗi lần sử dụng cũng tăng lên hoặc đổi sang dùng loại thuốc mới đắt tiền hơn và hiệu nghiệm hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng những chiến lược này chỉ làm tăng thêm tính kháng thuốc của quần thể sâu hại. Cỏ dại cũng kháng thuốc diệt cỏ và những chiến lược tương tự như vậy cũng đã được sử dụng không thành công.

Tính không hiệu quả của những chiến lược này có thể được đánh giá qua một số cuộc khảo sát. Ví dụ một khảo sát đã cho thấy rằng so với 30 năm về trước thất thoát mùa màng do sâu hại tấn công tăng gấp hai lần mặc dù sử dụng thuốc trừ sâu tăng lên 10 lần.

Tác động gián tiếp của thuốc trừ sâu đến sản xuất cây trồng khó đánh giá hơn nhưng người ta cho rằng năng suất cây trồng bị tác động xấu do bị mất đi nhiều loại côn trùng giúp thụ phấn hoa, ăn các loài gây hại, duy trì độ phì nhiêu của đất và hỗ trợ cho hệ sinh thái nói chung. Ngoài ra, chất lượng lương thực phẩm cũng bị giảm do bị nhiễm độc.

Việc sử dụng thuốc trừ sâu không chỉ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng mùa vụ mà theo một khảo sát, khoảng 11 triệu người đã bị cấp cứu vào bệnh viện mỗi năm chỉ ở riêng châu Phi do bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng mức độ sử dụng hóa chất trong nông nghiệp (phân hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ) đã làm ô nhiễm nặng nề tầng nước ngầm và nước mặt.

(Tài liệu tham khảo cho nông dân sản xuất hữu cơ)

Dựa trên tài liệu canh tác tự nhiên của Zimbabue


Có thể bạn quan tâm

bao-ve-thuc-vat-theo-phuong-phap-tu-nhien-phan-3 Bảo vệ thực vật theo… bao-ve-thuc-vat-theo-phuong-phap-tu-nhien-phan-1 Bảo vệ thực vật theo…