Mô hình kinh tế Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng Ở Cam Tuyền

Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng Ở Cam Tuyền

Ngày đăng 11/02/2015

Cam Tuyền là một xã thuộc vùng núi của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng, là hướng chủ đạo trong việc phát triển kinh tế của người dân trong xã. Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là trên 10.387 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 8.000 ha, còn lại là diện tích đất trồng cây hàng năm và cây công nghiệp lâu năm.

Trong tổng số đất lâm nghiệp thì đất rừng phòng hộ là 1.022 ha và đất sản xuất lâm nghiệp là 7.067 ha. Xã có 12 thôn với 1.288 hộ, nhiều hộ có từ 1 ha đất rừng trở lên. Diện tích rừng trồng tập trung chủ yếu ở các thôn Xuân Mỹ, Ba Thung, Tân Lập, Đâu Bình…

Trước đây, công tác trồng và bảo vệ rừng ở xã Cam Tuyền gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện đời sống người dân còn nghèo, trình độ dân trí giữa các thôn không đồng đều, mỗi khi nông nhàn, người dân thường vào rừng khai thác lâm sản, chặt củi, đốt than, săn bắt động vật hoang dã, đốt rừng để tìm phế liệu chiến tranh, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép... đã xâm hại nghiêm trọng tài nguyên rừng.

Việc trồng rừng của một số hộ dân còn mang tính tự phát theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không theo quy hoạch, chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, gây khó khăn trong công tác quản lý lâm nghiệp. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng chưa được quan tâm đúng mức.

Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác còn thiếu... Do đó, mặc dù có rất nhiều lợi thế như diện tích đất lâm nghiệp rộng, người dân cần cù, có kinh nghiệm, kỹ năng phát triển rừng... nhưng lĩnh vực lâm nghiệp của xã Cam Tuyền vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền xã Cam Tuyền đã có những chính sách sát đúng và hiệu quả để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp trên địa bàn. Xã đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành quy hoạch đất trồng rừng, giao đất, giao rừng cho nhân dân trồng, quản lý, khai thác. Đến nay, trên 8.000 ha đất lâm nghiệp của xã đã được phủ xanh, diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt, công tác quy hoạch, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng đã đi vào nền nếp, đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Người dân trong xã đã có cuộc sống ổn định hơn, nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ vào khai thác kinh tế từ rừng trồng. Tình trạng người dân vào rừng khai thác lâm sản, chặt củi, đốt than, săn bắt động vật hoang dã, đốt rừng để tìm phế liệu chiến tranh, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép... đã giảm hẳn.

Chỉ tính riêng năm 2014, toàn xã trồng được 57 ha rừng, tập trung ở các thôn Ba Thung, Xuân Mỹ, Đâu Bình I, Bản Chùa, trồng phân tán được 15.000 cây. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ việc phát triển lâm nghiệp như gia đình ông Nguyễn Cữ ở thôn Ba Thung có khoảng 15 ha rừng, hộ ông Lê Minh Dương và Trần Quang Hải ở thôn Xuân Mỹ mỗi người có hơn 10 ha rừng. Theo tính toán của người dân ở đây, trung bình 1 ha rừng sản xuất có đầu tư (như trồng cây keo lai từ 5 đến 6 năm) đến khi thu hoạch sẽ đạt 50 triệu đồng/ha.

Hiện nay, bên cạnh chú trọng phát triển diện tích lâm nghiệp, người dân trong xã cũng hết sức quan tâm và đẩy mạnh việc ươm giống cây tại chỗ để chủ động nguồn giống phục vụ công tác trồng rừng. Chỉ tính riêng tại thôn An Mỹ hàng năm đã gieo ươm hàng chục vạn cây giống gồm keo lai, tai tượng, tràm...

Ngoài ra, một số hộ còn ươm thêm giống cây mây, bạch đàn, xà cừ... phục vụ đắc lực cho việc trồng rừng trên địa bàn và những địa phương lân cận. Chỉ riêng lợi nhuận từ khâu ươm giống cây lâm nghiệp, nhiều hộ gia đình đã xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên khá giả, tạo việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định cho nhiều người dân trong thôn.

Hiệu quả từ phát triển lâm nghiệp đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân trong xã. Hiện nay, người dân Cam Tuyền đã đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ rừng, xem bảo vệ rừng là bảo vệ chính tài sản của gia đình mình. Chính quyền xã đã có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức tập huấn, diễn tập các phương pháp, cách thức bảo vệ rừng khi có sự cố xảy ra.

Công tác tuyên truyền được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục với những nội dung và hình thức đa dạng, đi vào từng gia đình, từng địa bàn, giúp cho người dân hiểu thấu đáo lợi ích to lớn của rừng, tầm quan trọng của công tác bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống...

Trong năm 2014, công tác bảo vệ rừng đã được kiện toàn một bước; đã xây dựng được mạng lưới tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở; các chủ rừng lớn đã quan tâm đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. UBND xã đã củng cố Ban chỉ huy bảo vệ rừng và xây dựng phương án phòng chống cháy rừng cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, nhờ vậy trên địa bàn không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Công tác giao rừng tự nhiên được thực hiện tốt, từ đó nhiều hộ dân miền núi đã đăng ký nhận rừng tự nhiên để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài. Công tác phòng trừ sinh vật hại rừng được thực hiện tích cực, chủ động dự tính, dự báo để có biện pháp phù hợp ngăn chặn kịp thời.

Ông Hồ Quang Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh, bền vững, thu được hiệu quả cao nhất trên diện tích rừng hiện có”.


Có thể bạn quan tâm

phan-dau-ve-dich-nong-thon-moi-trong-nam-2015 Phấn Đấu Về Đích Nông… vuong-mac-trong-ho-tro-chan-nuoi Vướng Mắc Trong Hỗ Trợ…