Bấp Bênh Với Nghề Chăn Nuôi Người Chăn Nuôi Không Còn Tự Tin
Trong vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp không ít khó khăn như dịch bệnh, giá rớt, đầu ra chưa ổn định. Hậu quả là người chăn nuôi lỗ nặng, không đủ vốn để tái đàn khi giá sản phẩm lên cao...
Để chuyển đổi cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, việc quy hoạch và định hướng ngành chăn nuôi cho phù hợp là rất cần thiết.
Tiêm phòng vaccine bệnh heo tai xanh cho heo từ 30 ngày tuổi trở lên tại một hộ dân trên địa bàn tỉnh năm 2014.
Thiếu đối tác tiêu thụ sản phẩm an toàn
BR-VT có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi quy mô lớn bởi gần thị trường tiêu thụ lớn là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Cùng với đó, nhiều phương thức liên kết giữa người chăn nuôi với các DN chế biến thực phẩm đã hình thành từ rất lâu như nuôi heo gia công, nuôi bò vỗ béo.
Theo Sở NN-PTNT, với những mô hình này thì đầu ra cho người chăn nuôi ổn định, dịch bệnh được kiểm soát bởi chuyên gia nông nghiệp của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Theo đó, trong hoạt động chăn nuôi, mạng lưới thú y của BR-VT đã phát triển rộng từ tỉnh đến tuyến xã với đội ngũ cán bộ lành nghề.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi bộc lộ những nhược điểm như khi xảy ra dịch bệnh thì thiếu đối tác tiêu thụ sản phẩm an toàn, hoạt động chăn nuôi phân tán, chăn nuôi và chế biến chưa thực sự gắn kết đang khiến cho người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro.
Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay các DN thu mua và chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm còn thiếu hệ thống cấp đông để thu mua sản phẩm cho người chăn nuôi trong mùa dịch khi nhu cầu thị trường giảm mua.
Khi dịch bệnh xảy ra, người chăn nuôi vẫn đang thiệt hại kép vì đang thiếu mạng lưới tiêu thụ giúp người chăn nuôi bán sản phẩm an toàn lúc bình thường cũng như khi dịch bệnh xảy ra. Vì vậy, trong khoảng từ tháng 3-2014 trở lại đây người nuôi heo đã lãi lớn khi giá heo hơi tăng cao (lên đến 55.000 đồng/kg) nhưng người chăn nuôi lại không mặn mà với việc tái đàn mà chỉ chăn nuôi cầm chừng.
Ông Lê Văn Chung, chủ trang trại nuôi heo tại huyện Xuyên Mộc cho biết, ở thời điểm này giá heo hơi nằm trong khoảng 52-54.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện tại ông chuẩn bị xuất chuồng 1 đàn heo khoảng 30 con, lãi ròng từ 25-30 triệu đồng.
Dù biết việc tái đàn sẽ có lãi nhưng lại thiếu vốn, bởi trước đây việc chăn nuôi heo đã làm ông lỗ nặng do giá thức ăn lên cao. Theo ông Chung, giá thịt heo hơi tăng vùn vụt trong thời gian qua là do người nuôi đã ngán chăn nuôi do một thời gian dài phải “chết dần, chết mòn” vì thua lỗ.
Nếu nhà nước không có biện pháp khắc phục, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn thì khả năng thiếu thịt heo vào dịp cuối năm, lễ tết sẽ là điều tất yếu. Mặt khác, theo người chăn nuôi thì việc tăng giá heo hơi cao là do thương lái thu gom để xuất sang Trung Quốc; nếu đầu tư tái đàn quy mô sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chia sẻ với chúng tôi vì sao không tái đàn quy mô lớn mà chỉ chăn nuôi cầm chừng khi dịch cúm gà đã được kiểm soát, anh Võ Tấn Nhẫn, một người chăn nuôi tại huyện Tân Thành cho biết: “Có thể nói, dịch bệnh và giá bán sản phẩm an toàn trong mùa dịch thấp đã khiến người chăn nuôi bị ám ảnh và gần như mất hết tự tin khi đầu tư vào chăn nuôi.
Lợi nhuận trong chăn nuôi cao, nhưng chỉ cần trải qua một đợt dịch bệnh là mất hết.Việc xây dựng cơ chế, chính sách, ngăn ngừa dịch bệnh và cả đầu ra cho những sản phẩm an toàn ổn định khi mùa dịch xảy ra là rất cần thiết để người chăn nuôi yên tâm tái đàn.
Theo Chi Cục thú y, đàn thủy cầm của tỉnh mang trùng virut cúm H5N1 cao do từ năm 2004 đến năm 2013, BR-VT không bắt buộc phải tiêm phòng vắc - xin cúm gia cầm.
Tái đàn trong mùa dịch
Theo chân những cán bộ thú y đi chống dịch cúm gia cầm từ đầu năm 2014 chúng tôi đã chứng kiến nhiều bất cập trong chăn nuôi.
Lực lượng cán bộ thú y đã đến tận cơ sở chăn nuôi theo dõi và cập nhật thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời nếu xảy ra hiện tượng gà, vịt chết bất thường. Phòng dịch cúm bùng phát, Sở NN-PTNT cũng đã đưa ra khuyến cáo: Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại không nên tái đàn gia cầm trong thời điểm đang có dịch.
Việc tái đàn thời điểm còn dịch không chỉ thiệt hại cho riêng mình mà có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra diện lớn. Chuồng trại phải được vệ sinh và tiệt trùng, khi có hiện tượng gà, vịt chết bất thường phải báo cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, kiên quyết không giấu dịch, hoặc bán gia cầm chạy dịch.
Đặc biệt, người chăn nuôi phải phối hợp với chính quyền địa phương để tiêm vaccin và không di dời đàn gia cầm trong thời điểm có dịch để hạn chế lây lan dịch. Thế nhưng, ngay trong thời điểm dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lan rộng, lực lượng phòng chống dịch đang tất bật thì một số hộ chăn nuôi lại tái đàn vì lo sợ sau dịch giá con giống sẽ tăng.
Và phần lớn con giống được nhập từ các tỉnh miền Tây là nơi dịch cúm đã xảy ra nên tiềm ẩn nguy cơ lây dịch. Tiếp xúc với một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mới thấy, nhận thức của họ về dịch cúm gia cầm vẫn mơ hồ, thậm chí còn coi đây là cơ hội tốt để gầy đàn vì giá giống xuống thấp.
Khi được hỏi về tác hại của dịch cúm, anh Lê Văn Thắng (huyện Xuyên Mộc) một người những người chăn nuôi tái đàn trong mùa dịch cho rằng: “Giống nuôi đã được đặt trước cho chủ cơ sở, không thể trả lại được. Việc chăn nuôi ổn định, không có dịch nên không đáng ngại và tái đàn trong dịp này là rẻ nhất bởi sau khi hết dịch giá con giống sẽ tăng cao”.
Theo nhận định chung của Ban chỉ đạo, phòng chống dịch ở các xã trên địa bàn tỉnh, hiện tượng tái đàn gia cầm trong thời điểm dịch bùng phát đã được kìm hãm, nhưng chưa thể chấm dứt và một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn lén lút tái đàn.
Đánh giá về dịch cúm gia cầm xảy ra ở thời điểm đầu năm 2014, ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: Nguyên nhân phát dịch tại 4 ổ dịch không phải dịch có nguồn gốc ở địa phương mà lây lan từ việc vận chuyển thức ăn, nhập con giống từ vùng dịch về.
Cụ thể, 2 ổ dịch tại xã Hòa Hội và Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) là do người chăn nuôi nhập con giống ở các tỉnh miền Tây về, còn ổ dịch xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành) và xã Hòa Long (thuộc TP. Bà Rịa) là do xe chở thức ăn và thương lái vận chuyển trứng về ấp và gây đàn từ vùng dịch lây lan sang.
Cùng chung nhận định, ông Hà Lâm Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng, BR-VT hiện chưa có cơ sở sản xuất con giống quy mô lớn, hầu hết giống gia cầm đều đưa từ các tỉnh khác tới.
Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ tác hại của dịch, phối hợp với cơ quan chức năng để phòng chống dịch thì tăng cường kiểm soát đầu vào của gia cầm là rất cần thiết. Đây chính là giải pháp để hạn chế dịch lây lan, ảnh hưởng đến người chăn nuôi khác.
Toàn tỉnh có 53 trang trại chăn nuôi gia công
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, tổng đàn gia cầm trong tỉnh ước lượng có khoảng 3,4 triệu con. Trong số 82 trại chăn nuôi, chỉ có 2 trang trại của Nhà nước, 2 trại của nhà đầu tư nước ngoài… và có đến 53 trang trại chăn nuôi gia công.
Lợi thế của nuôi gia công tập trung là độ an toàn dịch bệnh cao, dịch bệnh được lực lượng thú y của đối tác kiểm soát chặt chẽ. Người chăn nuôi chỉ cần đầu tư trang trại, công lao động còn thức ăn, con giống sẽ do đối tác cung cấp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ