Mô hình kinh tế Bất Ổn Thị Trường Nguyên Liệu Tôm Xuất Khẩu

Bất Ổn Thị Trường Nguyên Liệu Tôm Xuất Khẩu

Ngày đăng 29/11/2013

Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm thẻ ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến tôm xuất khẩu đang thiếu trầm trọng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm sú, tôm thẻ ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang tăng 10-15% so với đầu tháng 11/2013. Cụ thể, Tôm sú loại 20 con có giá 290.000 đ/kg (tăng 10.000 đ/kg so với đầu tháng), loại 40 con/kg là 205.000 đ/kg (tăng 10.000 đ/kg); Tôm thẻ chân trắng cũng tăng giá khá mạnh, loại 100 con/kg tăng thêm 10.000 đ/kg lên mức 125.000 đ/kg, loại 90 con/kg là 142.000 đ/kg (tăng 9.000 đ/kg), loại 80 con/kg ở mức 159.000 đ/kg (tăng 15.000 đ/kg)…

Từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu tôm bước vào giai đoạn cao, tuy nhiên, năm nay tình trạng thương lái đến các vựa tôm của Việt Nam tận thu tôm tươi nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc khiến nhiều DN chế biến và xuất khẩu tôm trong nước lao đao. Mặc dù sản lượng tôm tăng lên nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều DN chấp nhận đẩy giá tôm lên cao, song vẫn không thể cạnh tranh nổi với các thương lái luôn trả giá cao hơn từ 10-20%.

Theo Bộ Công Thương tôm tăng giá mang lại lợi nhuận cho người nuôi, tuy nhiên lại gây bất ổn thị trường nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho biết, để bảo đảm kiểm soát được chất lượng tôm nguyên liệu xuất khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương kiên quyết chống lại tình trạng hoạt động trái phép của những người mang hộ chiếu nước ngoài dưới đường du lịch để mua tôm nguyên liệu.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động xuất khẩu tôm nguyên liệu qua biên giới để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các DN trong nước không nên vì lợi ích trước mắt, thu mua nguyên liệu không đạt chất lượng, dẫn đến nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu quan trọng, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Đua nhau khôi phục nghề nuôi tôm: Lợi bất cập hại

Do giá tôm đang ở mức cao chưa từng thấy nên người nuôi tôm đang thu được lợi nhuận cao. Theo đánh giá của Vasep, trước đây, mỗi vụ tôm, nông dân chỉ lời bình quân khảng 30-40 triệu đồng/ha/vụ. Thời điểm này, được giá cao, mức lợi nhuận bình quân đã tăng lên 50-60 triệu đồng/ha/vụ.

Trước diễn biến giá tôm liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, nghề nuôi tôm tại nhiều địa phương đang đua nhau khôi phục. Theo thông tin từ Vasep, nhiều hộ nghèo trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đào hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, sự ổn định về giá thế nào, thị trường tiêu thụ sẽ ra sao thì không ai tính toán được.

Bà Tô Thị Tường Lan- Phó Tổng thư ký Vasep- lo ngại: Liệu mức giá tăng cao này có tiếp diễn hay chỉ bột phát, có tính thời điểm. Nếu tôm bị dịch bệnh hoặc thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua thì người nuôi tôm sẽ phải đối diện nợ nần chồng chất. Vì thế, theo bà Lan, các ngành chức năng cần nghiên cứu, hoạch định cơ chế chính sách hỗ trợ DN và nông dân, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp kiểm soát đầu vào, nhằm đảm bảo hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả, bền vững.

Các chuyên gia ngành thủy sản nhận định, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm sẽ vẫn duy trì được tốc độ gia tăng do nhu cầu của các thị trường vẫn lớn. Dự kiến, hết năm 2013, xuất khẩu tôm có thể đạt 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2012.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-de-de-cai-thien-cuoc-song Nuôi Dê Để Cải Thiện… nuoi-ca-ruong-lua Nuôi Cá Ruộng Lúa