Tin nông nghiệp Bắt tay nhau để tồn tại trước con sóng lớn TPP

Bắt tay nhau để tồn tại trước con sóng lớn TPP

Tác giả Phương Vy- Thuận Hải, ngày đăng 06/01/2016

Chăn nuôi cũng phải có điều kiện

Từng là một cử nhân, kỹ sư bỏ phố về đầu tư trang trại lợn hiện đại để nuôi lợn, ông Nguyễn Hồng Hà, chủ trang trại chăn nuôi lợn Alpha ở Văn Giang (Hưng Yên) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay chỉ có bắt tay nhau, cùng làm ăn, cùng liên kết thì cả chủ trang trại với các doanh nghiệp mới tồn tại được, nhất là trong bối cảnh hội nhập vào Hiệp định TPP

Theo ông Hà, hiện nay các thông tin liên quan đến TPP- tác động đến lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít, rời rạc.

“Bản thân tôi, cũng phải tự mày mò lên mạng tìm hiểu các thông tin, nhưng cũng còn rất mông lung”- ông Hà nói.

Tuy nhiên, theo ông Hà, thực tế muốn cạnh tranh được với sản phẩm chăn nuôi nước ngoài, dứt khoát sản phẩm chăn nuôi trong nước phải được giá thành sản xuất bằng việc nâng cao năng suất chăn nuôi.

“Tôi cho rằng, nên có chính sách giảm số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khuyến khích chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn.

Từng bước hướng tới chăn nuôi là ngành kinh doanh có điều kiện, ai “đủ tầm”, thì mới cho làm, và yêu cầu phải chăn nuôi ở quy mô lớn, hiện đại; quy hoạch các khu vực có thể chăn nuôi, tạo điều kiện để tiếp cận đất, vốn, hạ tầng… để “mở đường” cho doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi”- ông Hà nói.

 Theo ông Hà, các trang trại cỡ vừa trở lên năng suất tốt hơn nhiều so với các trại nhỏ.

Thường tâm lý của người chăn nuôi, cứ thấy giá tốt thì đổ xô đi nuôi, giá kém thì treo chuồng Nếu giải quyết được chăn nuôi theo tâm lý “đám đông” chắc chắn sẽ bình ổn được nguồn cung và ổn định thị trường đầu ra.

Đặc biệt, ông Hà cho rằng, cần khuyến khích các công ty lớn đầu tư bài bản, và có chính sách hỗ trợ khách hàng cùng phát triển.

Các “ông lớn”  như C.P, GreenFeed, Jafa làm khá tốt việc này.

“Hiện nay, một số “ông lớn” đang nhảy vào chăn nuôi như Hoàng Anh Gia Lai, Hoà Phát, Hùng Vương… nhưng không biết họ có lộ trình đồng hành cùng người nông dân không nữa? nếu có thì sẽ tuyệt vời, nếu không, đây là điều đáng tiếc!”, ông Hà băn khoăn.

Thức ăn chăn nuôi chỉ góp một phần vào giá thành

Ông Hồ Đắc Khanh – Giám đốc Marketing và Bán hàng, khu vực phía Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Long An (Bến Lức, Long An) cho rằng, sự cạnh tranh trong ngành TACN tại Việt Nam đang ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực cạnh tranh để tồn tại.

Theo ông Khanh, vấn đề giá thành trong chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố giá đầu vào nguyên vật liệu, con giống vật nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, cơ sở hạ tầng, thuốc thú y, giá cả đầu ra… TĂCN chỉ đóng góp một phần trong số đó.

“Hiện tại, sự cạnh tranh trong ngành TĂCN ở Việt Nam khá khốc liệt, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh TĂCN lớn đều đã có mặt tại đây, với công nghệ tiên tiến, tiềm lực vốn đầu tư dồi dào… Do đó, muốn tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp phải đảm bảo cân bằng được giữa giá thành và chất lượng sản phẩm”- ông Khanh phân tích.

Theo ông Khanh, riêng Japfa, ngoài cung cấp thức ăn chăn nuôi thì chúng tôi cũng duy trì một hệ thống các trang trại chăn nuôi heo với số lượng xuất chuồng khoảng 1.000heo thịt/ngày, chúng tôi cũng có trang trại nuôi gà tại Việt Nam.

Do đó, chúng tôi thấu hiểu sự “lên xuống” của cung cầu thị trường ở một mức độ khốc liệt hơn.

Từ đầu năm tới nay chúng tôi đã có 6 lần điều chỉnh giá vào các tháng: tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6, tháng 8, tháng 9; mỗi lần giảm từ 100-300 đồng/kg sản phẩm.

Trả lời câu hỏi về nhận định của một số chuyên gia, cho rằng, lợi nhuận của các công ty sản xuất TĂCN luôn đạt 10-15% thay vì 1-3% như các doanh nghiệp công bố, ông Khanh cho rằng: “Các chuyên gia nêu trên suy luận mức lợi nhuận phải là 10 hay 15%, thì cũng có những công ty trong ngành vừa phải công bố ngưng hoạt động thời gian qua như Venkey (01.2014) hay San Miguel (12.2014).

“Hiện tại, mỗi dòng sản phẩm của Japfa cũng có từ 5 – 7 sản phẩm đồng chất lượng của các doanh nghiệp khác cùng cạnh tranh.

Do đó, ý kiến cho rằng doanh nghiệp “nắm đằng cán” và có mức lợi nhuận “khủng” thì là chưa hợp lý, vì doanh nghiệp còn phải chật vật cạnh tranh để phát triển được”- ông Khanh phân trần.

Lý giải về việc giá thành chăn nuôi trong nước hiện còn cao, ông Khanh cho rằng: “Đầu tiên liên quan quy mô chăn nuôi, trong khi các nước nông nghiệp tiên tiến xem chăn nuôi như là đầu tư thì nhiều người dân Việt Nam còn coi đây là một kênh tiết kiệm, chăn thả thêm con heo, con gà như là của để dành, nên kỹ thuật không đảm bảo.

Người chăn nuôi thường chỉ thu mua giống địa phương với chất lượng không đồng đều, ảnh hưởng đến năng suất chung”.

Cũng vì tư duy chăn nuôi là một kênh tiết kiệm, nên chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang chiếm tỷ lệ 60-70% tại Việt Nam.

Chính cách phân bổ như vậy nên hơn 80-90% con số đó phải tiêu thụ qua các thương lái và cách tổ chức kênh phân phối này làm đội giá sản phẩm chăn nuôi, người tiêu dùng không tiếp cận được giá tốt để ảnh hưởng đến nhu cầu.

Cũng theo ông Khanh, vấn đề về kiểm soát chất lượng và sản lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng đang rất nan giải.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào là rất quan trọng, trong đó chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào là một trong những mắt xích quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần ổn định thị trường TĂCN.

“Hiện tại, sự cạnh tranh trong ngành TĂCN ở Việt Nam khá khốc liệt, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh TĂCN lớn đều đã có mặt tại đây, với công nghệ tiên tiến, tiềm lực vốn đầu tư dồi dào… Do đó, muốn tồn tại và phát triển được, doanh nghiệp phải đảm bảo cân bằng được giữa giá thành và chất lượng sản phẩm”.

(Ông Hồ Đắc Khanh)

 


Có thể bạn quan tâm

ca-phe-rung-la-kho-canh-vi-phan-bon-dom Cà phê rụng lá, khô… nong-dan-dinh-don-phan-bon-gia-nhieu-chieu-tron-tranh-trach-nhiem Nông dân dính đòn phân…