Mô hình kinh tế Bất thường việc thương lái Trung Quốc mua cau non

Bất thường việc thương lái Trung Quốc mua cau non

Ngày đăng 07/09/2015

Địa bàn xã Sơn Dung trồng nhiều cây cau nhất huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Bùi Đức Thạch, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, cho biết: Cả xã hiện còn khoảng 60ha cau lâu năm; hộ trồng ít nhất vài trăm cây, nhiều nhất hàng ngàn cây.

Cau non được các thương lái thu mua ở huyện Sơn Tây.

“Trước đây người dân trong xã trồng rất nhiều vườn cau. Số lượng cau giảm dần do nhiều lần giá cau đột ngột giảm dưới 3.000 đồng/kg. Thấy giá cau thấp, trong khi một số loại cây trồng có giá trị cao hơn, nên người dân chặt bỏ cây cau để trồng cây khác”, ông Thạch giải thích.

Chúng tôi đến cơ sở thu mua, hấp cau của bà Nguyễn Thị Kim Ánh ở xã Sơn Dung. Tại đây có hàng chục tấn cau được bà Ánh mua lại của người dân. “Năm nay, thương lái Trung Quốc đột nhiên thu mua cau sớm và chuộng cau non. Cau non mua được giá, tới 16.000 đồng/kg. Tui mua đem sấy rồi bán đưa sang bên Trung Quốc tiêu thụ. Bây giờ thì giá vậy, nhưng không biết sau này thương lái Trung Quốc có hạ giá xuống không nữa”, bà Ánh bày tỏ lo lắng.

Ông Đinh Văn Hải, ở xã Sơn Long, Sơn Tây, cho chúng tôi xem buồng cau non được người dân hái đem đi bán và nói: “Dù những trái cau này còn hơn một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng các chủ cau ở đây đã vội vã bẻ buồng gom lại bán cho thương lái. Nguyên nhân bán cau non là do giá bán hiện nay được thương lái mua cao gấp 3 lần so với cùng thời điểm này mọi năm”. Theo ông Hải, giá cau hiện thương lái thu mua tại rẫy có lúc lên đến 20.000 đồng/kg cau tươi.

Toàn huyện Sơn Tây hiện trồng khoảng hơn 1.400 ha cây cau. Hằng năm, từ giữa tháng 9 mới là vụ thu hoạch cau. Tuy nhiên, năm nay, từ giữa tháng 8 đến nay, thương lái đã về các vùng cao thuyết phục bà con dân tộc thiểu số hái cau non bán cho họ. Nếu như chính vụ năm ngoái, mỗi kg cau cao nhất chỉ bán được 5.000 đồng, thì nay thương lái mua cau non với giá cao gấp ba lần.

Ông Đinh Văn Ơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, Sơn Tây, cũng cho biết thêm: Xã Sơn Tân có ít nhất 3 cơ sở đại lý thu mua và hấp khô cau. “Đây là hiện tượng mua bán bất thường. Tình trạng mua tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì lợi cho người dân, nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, hoặc mùa cưới hỏi. Ngoài ra, một số nhà vườn trồng cây khác như mì, chuối thấy giá cau cao có thể người dân sẽ chặt bỏ để trồng cau. Do vậy, người dân cần tỉnh táo không chạy theo lợi ích trước mắt mà chặt hạ những cây trồng hiện có để trồng cau”, ông Ơn cảnh báo…

Thời gian qua, có nhiều loại cây trồng của nông dân ở nhiều địa phương trong nước đã xuất hiện hiện tượng thương lái thu mua ồ ạt để xuất bán sang Trung Quốc, nhưng không bền vững. Do vậy, việc thu hoạch cau non ồ ạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Sơn Tây cũng cần được các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền định hướng, để đề phòng những rủi ro, bất trắc, tránh thiệt hại cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

do-no-vi-tom-nuoi-tu-phat-chet-hang-loat Đổ nợ vì tôm nuôi… viet-nam-40-nam-chua-qua-khoi-canh-dong Việt Nam 40 năm chưa…