Tin nông nghiệp Bệnh chết nhanh hoành hành trên cây tiêu Quảng Trị

Bệnh chết nhanh hoành hành trên cây tiêu Quảng Trị

Tác giả Lâm Quang Huy, ngày đăng 16/05/2017

Hồ tiêu là loại cây trồng đã giúp nhiều nông dân Quảng Trị đưa kinh tế gia đình vươn lên khá giả. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập...

Bệnh chết nhanh trên hồ tiêu làm nhiều nông dân Quảng Trị điêu đứng

Ông Hồ Văn Phòng ở thôn Bến Mộc II, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh đứng ngồi không yên khi tận mắt chứng kiến nhiều gốc hồ tiêu sắp thu hoạch trong vườn nhà chết khô, nhiều cây khác bên cạnh cây lá cũng đã chuyển sang màu vàng, chuẩn bị rụng. Ông Phòng cho biết không riêng gia đình ông, ở xã Linh Thượng hộ nào cũng có hồ tiêu chết.

Ở xã Gio An gần xã Linh Thượng là địa phương có diện tích hồ tiêu bị chết nhiều nhất so với các xã khác. Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết toàn xã có gần 100ha hồ tiêu, với hơn 80ha đang ở thời kỳ kinh doanh, hàng năm mang lại thu nhập cho người dân từ 25 - 30 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian vừa qua do biến đổi khí hậu đã làm hơn 80% vườn tiêu trên địa bàn xã bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả và chết rất nhanh.

Các cây bị bệnh đều có dấu hiệu là gốc cây bị thối đen, lá chuyển sang màu vàng trước khi rụng, dây thân tiêu thâm đen. Cây tiêu chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1 - 2 tuần, cây tiêu chết khô nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Không chỉ gây chết nhanh mà bệnh này còn lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở những vườn tiêu thoát nước kém.

Theo số liệu từ Sở NN- PTNT Quảng Trị, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt 2.500ha, sản lượng bình quân đạt 2.000 tấn/năm, doanh thu trên toàn tỉnh hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, việc người dân phát triển diện tích cây hồ tiêu khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học kỹ thuật đã tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

"Việc xây dựng các vườn tiêu an toàn dịch bệnh sẽ được triển khai đối với các hộ trồng tiêu có khả năng đầu tư và có thể phổ biến kỹ thuật cho các hộ khác. Đối tượng áp dụng là đối với các vườn tiêu kinh doanh có tỷ lệ bệnh từ 3 - 4%. Chi cục sẽ xây dựng 5 mô hình vườn tiêu an trên toàn tỉnh, trong đó, Gio Linh 2 mô hình, Vĩnh Linh 2 mô hình và Cam Lộ 1 mô hình", bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị.

Thời gian gần đây, một diện tích lớn cây hồ tiêu ở các địa phương trong tỉnh đã bị thiệt hại nặng do sâu bệnh và biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như đầu năm 2016, hơn 1.000ha hồ tiêu đã bị rụng lá do thời tiết rét đậm, rét hại, làm giảm năng suất hồ tiêu khoảng 30%. Cuối năm 2016, mưa lớn trên diện rộng trong thời gian dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu bùng phát và gây hại nhiều diện tích, gây hại nặng trên các vườn tiêu thoát nước kém.

Tính đến tháng 4/2017, toàn tỉnh Quảng Trị có 400ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, có nơi chết 50 - 70% diện tích của vườn, tập trung chủ yếu ở các xã Gio An và Trung Sơn của huyện Gio Linh. So với năm 2016, diện tích cây hồ tiêu chết nhanh toàn tỉnh tăng 188ha, ước tính thiệt hại do bệnh chết nhanh trên cây tiêu gây ra khoảng 10 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện và giúp người dân khôi phục sản xuất, trồng mới cây hồ tiêu bền vững trên những diện tích bị chết và tránh lây lan ra các vườn khác, Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch phục hồi vườn tiêu chết nhanh theo hướng bền vững.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Quảng Trị cho biết chủ trương của tỉnh là phục hồi lại các vườn hồ tiêu bị bệnh chết nhanh theo hướng bền vững, trong đó tập trung vào các biện pháp hướng dẫn nông dân biết rõ các loại hóa chất để xử lý các gốc tiêu bị bệnh nặng, bệnh chết nhanh. Tiếp đến là tập huấn nâng cao nhận thức của người nông dân về nguyên nhân, triệu chứng cũng như biện pháp phòng trừ có hiệu quả bệnh chết nhanh, đồng thời xây dựng các mô hình trồng hồ tiêu sạch bệnh làm cơ sở cho nông dân trên địa bàn học tập và nhân rộng trong thời gian tới.

Cụ thể, Chi cục sẽ hướng dẫn bà con nông dân xử lý thuốc đối với các cây hồ tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh và các trụ tiêu bị bệnh nặng. Triển khai tập huấn kỹ thuật quản lý các đối tượng dịch hại trên cây hồ tiêu tại 3 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ, đồng thời thực hiện xây dựng vườn tiêu sạch tại 3 huyện này.


Có thể bạn quan tâm

khoai-lang-tren-dat-lua-lai-kha Khoai lang trên đất lúa… giong-lua-an-sinh-1399-chinh-phuc-nguoi-dan-dak-lak Giống lúa An Sinh 1399…