Mô hình kinh tế Bệnh Chổi Rồng Càng Quét Thủ Phủ Nhãn

Bệnh Chổi Rồng Càng Quét Thủ Phủ Nhãn

Ngày đăng 20/08/2011

Hàng nghìn hộ nông dân trồng nhãn ở khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đang điêu đứng vì bệnh chổi rồng liên tục tấn công vườn nhãn ngay ở giai đoạn ra hoa, đậu trái. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ cây nhãn nhiễm bệnh chổi rồng lên đến 80,90% báo hiệu một mùa vụ thất thu nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tiền Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều địa phương có vườn nhãn đang ra hoa bị bệnh chổi rồng gây hại. Tổng diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng ước tính cả nghìn hecta. Trong đó bị nặng nhất là những huyện trọng điểm về cây ăn quả như Cai Lậy, Cái Bè. Đáng lo ngại là diễn biến của bệnh ngày càng phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh.

Để tìm hiểu về căn bệnh hại nhãn quái ác này, chúng tôi tìm về huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, nơi bệnh chổi rồng hoành hành dữ dội nhất. Ven theo các tỉnh lộ và đường liên xã, PV liên tục ghi nhận hình ảnh những vườn nhãn hai bên đường đều bị thâm đen vì dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Thuần, một nông dân ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết: “Nhà tôi trồng 5 công nhãn xen với sa-pô-chê. Khoảng gần 1 tháng trở lại đây, vườn nhãn bắt đầu bị sun lá non, kế đến hoa và đọt tươi cũng bị sun lại, thâm đen thành từng chùm to bằng vốc tay ở đầu cành. Biết cây bị bệnh chổi rồng tấn công nhưng tôi chẳng có cách gì để phòng trừ vì diễn biến dịch bệnh quá nhanh. 5 công nhãn nhà tôi năm nay chắc chắn thất thu hoàn toàn, mất trắng sáu, bảy chục triệu đồng”.

Còn ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy là một trong những xã có cây nhãn chiếm phần lớn diện tích đất noong nghiệp (bên cạnh mít và sầu riêng), bà Nguyễn Hồng Thư - cán bộ phụ trách kinh tế xã buồn rầu bảo: “Tất cả các vườn nhãn ở các ấp trong xã đều bị bệnh chổi rồng tấn công. Nặng nề nhất phải kể đến các ấp như Hòa An, Tân Đông, Thủy Tây… vì vườn nhãn nhiễm bệnh chiếm tới 60- 70% diện tích. Là một xã chuyên canh cây ăn trái nên việc cây bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, kinh tế của xã năm nay sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Ở một xã khác - xã Tân Phong, ông Kiều Mạnh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cũng cho hay, hiện có khoảng 400 ha nhãn trên địa bàn đang trong giai đoạn ra hoa bị bệnh chổi rồng tấn công. “Thiệt hại ước tính khoảng 99%, nghĩa là gần như toàn bộ nhãn của nông dân ở đây sẽ thất thu” – ông Tuấn ngao ngán nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không phải bây giờ bệnh chổi rồng mới xuất hiện trên những vườn nhãn ở khu vực ĐBSCL mà từ cách đây 3, 4 năm chúng đã có mặt. Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù loài nhện lông nhung được coi là tác nhân trực tiếp gây bệnh (truyền một loại virus lên các chồi non, chồi lá, hoa khiến chúng không phát triển được, co cụm lại thành từng chùm như bó chổi), nhưng nguyên nhân sâu xa khiến bệnh lây lan nhanh lại do chính những đàn ong nuôi trên địa bàn.

Cụ thể, nông dân trồng nhãn ở ĐBSCL từ lâu vẫn có thói quen đặt các thùng ong khi vườn nhãn chuẩn bị ra hoa. Đây là một trong những cách để giúp cây thụ phấn hiệu quả và cho tăng thu nhập từ mật ong. Nhưng cũng chính ong đang là cầu nối khiến bệnh chổi rồng phát tán nhanh với tốc độ chóng mặt và không thể kiểm soát.

Mời bà con tham khảo:

Kỹ thuật phòng bệnh chổi rồng trên nhãn

Hiện các tỉnh ĐBSCL có khoảng trên 11.500 ha nhãn bị bệnh chổi rồng. Theo tính toán, bình quân 1 ha nhãn đạt 15 tấn trái, với giá bán 10.000 – 15.000 đồng/kg, dự báo mùa vụ năm nay các chủ vườn nhãn ở ĐBSCL thiệt hại cả trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, một số nông dân trồng nhãn ở ấp Tân Mường B, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy còn cho biết, có thể bệnh chổi rồng xuất hiện ở khu vực này còn do những người buôn nhãn mang mầm bệnh vào từ khu vực Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về vì cách đây một vài năm, những địa phương kể trên cũng điêu đứng vì căn bệnh này.

Theo ông Kiều Mạnh Tuấn, cách đây 3 năm, một quy trình diệt trừ bệnh chổi rồng đã được áp dụng ở ấp Tân An của xã xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tuấn thì hiệu quả của quy trình này chưa cao và nhìn chung còn khá phức tạp với nông dân, cũng như chi phí còn lớn, ngoài khả năng của người trồng. Vì thế, mặc dù đã trải qua mấy năm thử nghiệm nhưng quy trình này vẫn nằm trong hộc tủ của UBND xã và số hộ dân tham gia ứng dụng chỉ vỏn vẹn có… 1 hộ.


Có thể bạn quan tâm

cay-hen-bien-giup-phuc-hoi-moi-truong-ao-nuoi-tom Cây Hến Biển Giúp Phục… mo-uoc-cua-canh-dong Mơ Ước Của Cánh Đồng