Tin nông nghiệp Bệnh cúm A/H7N9 nguy hiểm như thế nào?

Bệnh cúm A/H7N9 nguy hiểm như thế nào?

Tác giả Thiên Hương, ngày đăng 08/03/2017

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin chính thức về một số thay đổi độc lực của virus cúm A/H7N9 ở gia cầm ở Trung Quốc. Kết quả giải trình gen trên bệnh nhân cho thấy độc lực của virus cúm đã chuyển từ thấp sang độc lực cao.

Trong ảnh: Khi chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm, cần trang bị bảo hộ đầy đủ. Ảnh: I.T

Hiện dịch cúm gia cầm đang lây lan mạnh mẽ ở Trung Quốc, đặc biệt là ở một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc nước ta. Theo ghi nhận của WHO, từ tháng 10.2016 đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận gần 500 trường hợp cúm A/H7N9 ở người, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016.

Các chuyên gia y tế nhận định, nguy cơ virus gia cầm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống. Vậy loại virus này nguy hiểm như thế nào?

Virus H7N9 được phát hiện từ năm 2013 và là loại virus rất nguy hiểm. Virus H7N9 thường xuất hiện ở gà và không gây ra các biểu hiện ở vật chủ, do đó không làm chết vật chủ. Chính đặc tính này đã khiến virus H7N9 khó phát hiện hơn so với chủng virus H5N1. WHO cảnh báo virus H7N9 dễ lây truyền từ gia cầm sang người hơn virus H5N1.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh do cúm A/H5N1 và A/H7N9 ở người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể tới 50%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh và dễ tử vong với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm H7N9 đều bị viêm phổi nặng.

“Tỷ lệ tử vong cao ở ca bệnh nhiễm cúm gia cầm (gồm cả cúm A/H5N1 và H7N9 đang mối quan ngại lớn đối với cộng đồng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm lây lan. Không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có các dịch bệnh này trên người” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để ngăn chặn việc lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người, cần tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay bằng xà phòng hoặc hóa chất sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra đường hay tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, súc miệng, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối…

Khi chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm, cần trang bị bảo hộ đầy đủ bao gồm: Khẩu trang, mũ, kính, găng tay… Không ăn thịt gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc mà phải đem tiêu hủy ngay khi phát hiện.

Sự nguy hiểm của cúm A/H7N9. Ảnh: I.T

Hiện chưa có vaccine phòng cúm A/H7N9, do đó Bộ Y tế khuyến khích người dân, nhất là những người có nguy cơ mắc bệnh cao, người già, trẻ em… nên tiêm phòng vaccine phòng cúm mùa đều đặn hàng năm, vì loại vaccine này cũng có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tử vong do các chủng cúm nguy hiểm gây ra như cúm A/H5N1, H7N9…

Hai loại thuốc có tác dụng điều trị đặc hiệu virrus cúm A/H7N9 là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir được Bộ Y tế chuẩn bị sẵn để điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Thuốc chỉ có tác dụng tốt nhất trong thời gian 48 giờ sau khi bị sốt nên bệnh nhân nghi mắc cúm cần đến các bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 


Có thể bạn quan tâm

tp-ho-chi-minh-lan-dau-tien-ho-tro-mot-hop-tac-xa-toi-500-trieu-dong TP. Hồ Chí Minh: Lần… ho-tieu-tay-nguyen-phai-chang-da-het-thoi-hoang-kim Hồ tiêu Tây Nguyên phải…