Tôm thẻ chân trắng Bệnh đốm trắng ở tôm: Nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh

Bệnh đốm trắng ở tôm: Nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh

Tác giả Hà Kiều (tổng hợp), ngày đăng 01/06/2018

Bệnh đốm trắng – White spot disease (WSD), được phát hiện từ năm 1993, là một trong những bệnh phổ biến thường gây ra rủi ro rất cao đối với ngành nuôi tôm trên toàn thế giới.

Bệnh đốm trắng do một loài virus có tên là Virus gây hội chứng đốm trắng (White spot syndrome virus (WSSV)) gây ra. Khi xâm nhập vào tôm, virus sẽ cư trú ở nhiều bộ phận của tôm như mô dạ dày, mang, trứng, mắt, chân bơi… Các virus này sinh sản rất nhanh làm tôm nhiễm bệnh nặng và sau đó tiếp tục phát tán ra môi trường bên ngoài gây bệnh cho cả đàn tôm trong ao.

 Bệnh đốm trắng có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn nuôi tôm, nhưng chủ yếu nhất ở giai đoạn từ 20-60 ngày tuổi. Bên cạnh đó, bệnh có khả năng lây lan rộng và truyền qua nhiều đường khác nhau như: truyền từ tôm bố mẹ sang tôm con; bệnh truyền từ các loài giáp xác như cua, còng, tôm, tép… sang tôm nuôi; bệnh lây lan  từ nguồn nước cấp vào ao bị nhiễm virus đốm trắng hoặc do các dụng cụ dùng chung như vó, chài, lưới, ống bơm nước… vào ao nuôi; và bệnh có thể truyền trong quá trình lột xác khi tôm khỏe ăn tôm bệnh khiến tôm khỏe bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng chung thường gặp rõ ràng nhất của đàn tôm bị mắc bệnh đốm trắng là tôm ăn nhiều đột ngột, sau đó giảm dần. Tôm có thể bị bệnh đen mang hoặc cụt râu, sau đó xuất hiện vài con nổi đầu dọc bờ ao, số lượng tăng dần, có thể có những con mà phần vỏ đầu ngực hoặc đốt cuối có đốm trắng đường kính 1-3mm. Thân tôm đôi khi chuyển màu đỏ. Bệnh có thể bùng phát trong vòng 3-7 ngày, tỉ lệ chết rất cao.

Tuy nhiên, không phải tôm có đốm trắng nào cũng do virus gây ra mà có thể tôm bị đốm trắng do lượng vôi trong ao quá lớn hay do vi khuẩn gây ra. Đối với tôm bị đốm trắng do lượng vôi trong ao quá lớn, tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực, không có tôm tấp bờ, đàn tôm vẫn ăn đều ở mức bình thường, pH nước cao nhiều ngày, buổi sáng có thể trên 8,3. Đối với tôm bị đốm trắng do vi khuẩn thì tôm vào bờ rất nhiều, một số bị chết, hầu hết bị đóng rong, mang bị bẩn, có đốm trắng trên vỏ đầu ngực, tôm trong nhá ăn bình thường. Nhìn chung tôm có ăn chậm hơn nhưng không đáng kể.

Những thông tin trên cho ta thấy mức độ nguy hiểm của bệnh đốm trắng ở tôm nuôi, gây ra tỷ lệ chết lớn, thời gian chết nhanh. Do đó, người nuôi tôm cần biết những biện pháp phòng ngừa và trị bệnh thích hợp để tránh dịch bệnh xảy ra.

Để phòng bệnh hiệu quả, người nuôi trước hết cần chú ý tiêu diệt và ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào ao như: Thứ nhất, tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật để diệt hết mầm bệnh; chọn và lọc đàn tôm không mang mầm bệnh để thả nuôi; không lấy nước trực tiếp từ nguồn vào ao mà phải qua ao lắng có xử lý nước trước đó. Thứ hai, người nuôi tôm nên duy trì sức khỏe của đàn tôm nuôi bằng chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý (chú ý bổ sung khoáng chất, khoáng vi lượng và các loại vitamin cần thiết). Cuối cùng, người nuôi cần quản lý và theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường nước ao nuôi như nhiệt độ, pH, màu nước, độ mặn, NH3, sự ô nhiễm nền đáy ao, … bằng cách xử lý 15 ngày một lần, từ ngày thứ 30 sau khi thả tôm giống cho đến 10 ngày trước khi thu hoạch. Mỗi lần xử lý thực hiện như sau:

- Ngày đầu: dùng Forrmalin (10 lít/1000m3) hoặc Iodine (1-2 lít/1000m3) hòa loãng và tạt đều khắp ao vào buổi sáng.

- Ngày thứ hai: bón men vi sinh để thúc đẩy sự phân giải chất hữu cơ nền đáy

- Ngày thứ ba: bón Zeolite (20kg/1000m2) để hấp thụ sản phẩm phân giải và ổn định pH nước ao.

Thực hiện tốt các yêu cầu trên thì mức độ rủi ro bị nhiễm bệnh sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu như dịch bệnh đã xảy ra ở ao tôm, người nuôi cần thực hiện các biện pháp xử lý sau: Khi phát hiện tôm bị dịch bệnh người nuôi phải cách ly không sử dụng chung các dụng cụ cùng với các ao khác và không tiếp xúc trực tiếp từ ao bệnh sang ao khác, không xả nước thải mang mầm bệnh trực tiếp ra bên ngoài. Tôm chết cần phải thu nhặt và chôn ở vị trí xa khu vực nuôi tránh lây lan theo chiều ngang. Bên cạnh đó, sử dụng Chlorine với liều lượng 30 ppm để xử lý ao trước khi thả nuôi vụ tiếp.

Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì cần thu hoạch ngay để tránh thiệt hại vì bệnh này gây chết tôm rất nhanh, tỉ lệ chết có thể lên đến 100%. Nếu tôm còn quá nhỏ, khi phát hiện nhiễm bệnh nặng thì nên dùng hóa chất diệt khuẩn liều cao để tiêu diệt virus có trong ao và trên cơ thể tôm trước khi xả bỏ.

Trường hợp tôm còn nhỏ nhưng sớm phát hiện bệnh, nên dùng các thuốc diệt khuẩn có chứa hoạt chất của Iod với liều dùng từ 1-2 ppm hoặc dùng formalin liều dùng 70 ppm tạt đều xuống ao nhằm ngăn chặn và làm mất khả năng cảm nhiễm của các vi thể virus tự do trong nước. Những cá thể tôm bị yếu do nhiễm virus nên vớt ra ngoài khỏi ao nuôi. Phương pháp này có thể cứu ao tôm đang bị bệnh nhưng tỉ lệ thành công thấp. Với hoạt tính của Iod cũng được sử dụng để phòng và hạn chế việc lây lan bệnh dịch tại vùng nuôi.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-cong-cu-chan-doan-khong-xam-lan-doi-voi-benh-tom-ems Phát triển công cụ chẩn… benh-mat-trang-tren-tom-the-chan-trang-bo-me Bệnh mắt trắng trên tôm…