Bệnh Lạ Trên Tôm Nuôi
Trong những tháng gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, tôm nuôi bị bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân… xảy ra ở nhiều nơi. Mới đây tôm nuôi công nghiệp ở ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, phường 6, TP Cà Mau và xã Tạ An Khương Nam, Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi xuất hiện bệnh lạ, chết hàng loạt.
Loại bệnh này có biểu hiện rất giống với dấu hiệu tôm bệnh chết hàng loạt ở các tỉnh phía Bắc và các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu xảy ra trong tháng 7 và 8 vừa qua.
Kết quả phân tích mẩu tôm nuôi bị bệnh chết của 5 hộ nuôi ở ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, phường 6, TP Cà Mau và ấp Tân Thới, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho thấy, mang tôm bị tổn thương có đốm đen, nhiễm nhiều ký sinh trùng, gan tụy bị teo lại và có màu trắng nhợt. Chính những tổn thương ấy là nguyên nhân làm cho tôm chết với tỷ lệ cao trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, hiện toàn tỉnh có hơn 25 ha tôm nuôi công nghiệp bị bệnh gan tụy, tập trung chủ yếu ở TP Cà Mau 20,2 ha và huyện Đầm Dơi 5,5 ha. Dịch bệnh gan tụy trên tôm nuôi đang có chiều hướng gia tăng và mức độ lây lan nhanh.
Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy hải sản I, đây là bệnh rất nguy hiểm trên tôm. Tỷ lệ tôm chết rất nhanh, chỉ trong vòng 2-3 ngày nhiễm bệnh có thể chết từ 60-70%, nếu bệnh nặng tỷ lệ chết lên đến 100%.
Anh Đỗ Thanh Hải, nông dân xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, cho biết: "Sau khi thả nuôi được hơn 40 ngày tuổi thì tôm trong ao có dấu hiệu bệnh lạ. Tôm hoạt động chậm, bơi vào bờ và chết rất nhanh, thiệt hại hơn 1 ha, mặc dù trước mỗi vụ nuôi tôi thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trong cải tạo ao đầm, chọn con giống".
Tiến sĩ Bùi Quang Tề kết luận: "Những biểu hiện trên là dấu hiệu của bệnh gan tụy. Được biết bệnh này có nguồn gốc từ Úc và tôm nuôi ở một số nước vùng ven biển như: Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines… Khi tôm nhiễm bệnh, vi-rút tấn công hệ gan tụy gây giảm chức năng miễn dịch, mất sức đề kháng làm tôm bị chết.
Bệnh này hiện nay chưa có thuốc đặc trị và càng nguy hiểm hơn khi lây lan qua nguồn nước. Biện pháp tránh thiệt hại chủ yếu là phòng ngừa, bằng cách tăng cường chức năng hoạt động của gan, tăng sức đề kháng của tôm, cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi".
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sở NN&PTNT cho biết: "Phần lớn người dân đã ý thức được tác hại của dịch bệnh trên tôm nuôi, nên khi phát hiện bệnh đều khai báo kịp thời với ngành chức năng đến kiểm tra, hướng dẫn cách xử lý, khống chế dịch, chống dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Tuy nhiên, đây là loại bệnh mới không nằm trong danh mục bệnh thủy sản có hỗ trợ hóa chất xử lý. Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh xem xét đưa bệnh gan tụy vào danh mục các bệnh được hỗ trợ hóa chất xử lý dập dịch, để người dân xử lý mầm bệnh triệt để, tránh tình trạng xả nước có nhiễm mầm bệnh ra môi trường tự nhiên".
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, hiện nay đang mùa trái vụ, trong thời điểm sên vét cải tạo lại ao đầm nên nguồn nước trên các sông rạch bị ô nhiễm nặng; do đó, bà con nông dân nên hạn chế lấy nước bên ngoài sông, rạch vào vuông nuôi. Nếu lấy nước vào vuông tôm cần phải qua hệ thống ao lắng, đồng thời xử lý bằng chế phẩm sinh học. Thường xuyên theo dõi tôm nuôi, nhất là sau những trận mưa.
Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bệnh gan tụy, có thể sử dụng thuốc SIL VA54, liều 2-3 ml/kg thức ăn, sử dụng liên tục trong 5 ngày. Thực hiện tốt các khâu cải tạo ao đầm, chọn mua con giống chất lượng tốt tại những trại giống uy tín đã được khuyến cáo của nhà quản lý để thả nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ