Tôm thẻ chân trắng Bệnh thường gặp ở tôm sú nuôi bán thâm canh

Bệnh thường gặp ở tôm sú nuôi bán thâm canh

Ngày đăng 15/05/2015

Bệnh đóng rong

Tác nhân gây bệnh: Bệnh có thể do một vài nhóm hay rất nhiều nhóm sinh vật cùng gây ra như: vi khuẩn dạng sợi, nấm, nguyên sinh động vật hay tảo… Các mầm bệnh này có thể phát sinh từ môi trường nuôi.

Triệu chứng: Tôm bị bệnh này, khắp bề mặt cơ thể dơ bẩn, đóng rong, nhớt. Tùy từng tác nhân gây bệnh mà cơ thể tôm, phụ bộ sẽ mang những màu sắc khác nhau. Khi bệnh nặng, tôm lờ đờ, di chuyển chậm chạp ở trên mặt nước hoặc ở mé ao.

Phòng và trị bệnh: Quản lý môi trường ao nuôi thật tốt, giữ ổn định màu nước. Có thể dùng formalin (7-10 ppm), hoặc một số loại thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh này.

Bệnh do vi khuẩn Vibrio

Tác nhân gây bệnh: Chủ yếu do vi khuẩn nhóm Vibrio gây ra. Hiện nay, vi khuẩn Vibrio còn là nguyên nhân gây hội chứng hoại tử gan tụy cấp.

Triệu chứng: Tôm nhiễm bệnh thường bơi lội mất phương hướng. Các bộ phận như vỏ, phụ bộ chân, râu và mang bị nhiễm khuẩn có màu đen hay đỏ nâu. Vỏ bị ăn mòn, cơ có màu trắng đục.

Ở tôm giống, ấu trùng bị nhiễm bệnh có màu đen trên đỉnh các phụ bộ, tôm bỏ ăn, ruột rỗng và chết dần, có khi tỷ lệ chết lên đến 100%.

Phòng và trị bệnh: Bệnh này có thể phòng bằng cách chuẩn bị ao thật tốt trước khi nuôi. Quản lý các yếu tố thủy lý, thủy hóa ở mức tối thích. Tránh để tôm bị stress… Có thể dùng thuốc, kháng sinh oxytetraciline hoặc cliprofoxacine trộn vào thức ăn cho tôm ăn từ 5 - 7 ngày để trị bệnh này.

Bệnh đốm nâu, đốm đen

Tác nhân gây bệnh: Bệnh này do các nhóm vi khuẩn Vibrio sp, Aeromonas, Flavobacterium Pseudomonas cùng gây ra. Các vi khuẩn này có khả năng tiết ra nhiều loại men làm ăn mòn vỏ kitin và biểu mô tôm. Môi trường ao nuôi xấu, tôm bị sốc, bị thương sẽ là cơ hội cho bệnh này phát sinh.

Triệu chứng: Vỏ giáp, phụ bộ và mang tôm có những đốm hay mảng màu nâu đen đơn độc hay thành đám rộng. Khi bệnh nặng, vỏ bị ăn mòn, lở loét đến lớp dưới biểu bì. Các phụ bộ như râu, chân, chủy… cũng bị ăn mòn và có vết đen ở ngọn.

Bệnh lây lan nhanh và có thể nhiễm bệnh 100% đàn tôm nuôi. Tôm bị bệnh sẽ kém ăn, bơi lờ đờ, mất thăng bằng, thậm chí là chết. Nếu bệnh nhẹ, sau khi lột vỏ tôm mới trở lại bình thường, nếu bị nặng sẽ để lại vết thương trên vỏ mới.

Phòng và trị bệnh: Giữ môi trường tốt, cho tôm ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Phòng và trị bằng một số loại thuốc và hóa chất trong danh mục cho phép bán trên thị trường.

Bệnh đỏ thân

Tác nhân gây bệnh: Bệnh có thể do các nguyên nhân như độc tố từ sinh vật hay do bị nhiễm khuẩn (vi khuẩn Streptococcus).

Triệu chứng: Khi mới bị bệnh, tôm có màu vàng hơi xanh. Sau đó, tôm có màu đỏ từ mang đến toàn bộ cơ thể. Khi bệnh nặng, gan tụy tôm bị phá hủy, tanh hôi, có màu vàng nhạt và chết hàng loạt.

Phòng và trị bệnh: Không cho tôm ăn thức ăn tươi bị ươn, thối hoặc thức ăn công nghiệp bị ẩm mốc. Tránh để tảo trong ao bị tàn, luôn duy trì lượng ôxy ổn định và đầy đủ. Hạn chế và giảm thiểu nồng độ khí độc như H2S, NH3... trong ao nuôi.

Bệnh nguy hiểm do virus

Bệnh đốm trắng (WSSV); bệnh đầu vàng (YHD); bệnh tôm còi (MBV); Đây là những bệnh do virus gây ra nên thường gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao, hiện chưa có biện pháp chữa trị hiệu quả.

Để giảm thiểu bệnh này nên dùng chlorin khử trùng, phòng bệnh là chính. Cần cải tạo ao tốt, chọn giống có chất lượng; chăm sóc và quản lý ao nuôi tốt. Khi bị bệnh, tiến hành thu hoạch ngay tránh lây lan ra xung quanh.

Tags: nuoi tom su ban tham canh, nuoi tom, nuoi trong thuy san


Có thể bạn quan tâm

chuyen-gioi-tinh-ca-ro-phi-toan-duc Chuyển giới tính cá rô… san-xuat-giong-tom-rao Sản xuất giống tôm rảo