Tin thủy sản Bí quyết nuôi thuỷ sản xen ghép thu hàng trăm triệu/ha - Con lành thả trước, dữ dằn thả sau

Bí quyết nuôi thuỷ sản xen ghép thu hàng trăm triệu/ha - Con lành thả trước, dữ dằn thả sau

Tác giả Minh Huệ, ngày đăng 05/10/2020

"Nguyên tắc trong nuôi thủy sản xen ghép là con nào hiền lành thả trước, con nào dữ thả sau, cho ăn thức ăn khác nhau, thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi"

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết như vậy tại tọa đàm về phát triển nuôi thủy sản xen ghép đạt hiệu quả cao và bền vững.

Tọa đàm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Thái Bình tổ chức tại xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy).

Lợi ích từ nuôi 2-3 loại thủy sản cùng 1 ao

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đã giới thiệu một số mô hình nuôi thủy sản xen ghép tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng; thông tin một số tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới áp dụng cho các mô hình nuôi thủy sản xen ghép; các giải pháp phát triển nuôi thủy sản xen ghép đạt hiệu quả cao và bền vững.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Minh Hưng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cho biết, những năm qua, tỉnh Thái Bình thường xuyên duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 15.500ha, trong đó nuôi nước mặn hơn 3.000ha; nuôi nước lợ gần 3.500ha; nuôi nước ngọt gần 9.000ha. 

Đặc biệt, nhiều hộ dân đã phát triển các mô hình nuôi thủy sản xen ghép cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Nói về cách nuôi này, thạc sĩ Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nếu nuôi đơn, tức là chỉ nuôi một loại thủy sản thì người nuôi sẽ không tận dụng được hết tiềm năng các tầng nước, nguồn thức ăn. Trong khi mô hình nuôi xen ghép được thực hiện theo nguyên tắc nuôi các loại thủy sản khác nhau, sử dụng thức ăn khác nhau nhằm tăng hiệu quả trên một diện tích nuôi. 

Ví dụ nuôi cá mè với một số loại cá nước ngọt khác như trắm, trôi, chép thì cá mè sẽ không cạnh tranh thức ăn với những loại còn lại mà còn ăn tảo, phù du, giúp làm sạch môi trường nước.

"Chẳng hạn nuôi ghép cá rô phi kết hợp với tôm thẻ chân trắng thì cá rô phi sẽ ăn thức ăn thừa của tôm, ăn rong rêu, động vật tầng đáy. Thậm chí nếu có những con tôm chẳng may bị bệnh, yếu chết thì đã có con cá rô phi "dọn dẹp" ngay, giúp nước trong ao nuôi sạch hơn, con tôm bị bệnh cũng không lây sang con khỏe mạnh, giảm rủi ro bị dịch bệnh. Riêng với mô hình này, bà con không cần tốn thêm thức ăn cho cá, qua đó tăng hiệu quả kinh tế lên hàng trăm triệu đồng/ha mặt nước. Ngoài ra, bà con cũng áp dụng một số mô hình nuôi ghép phổ biến khác như tôm - cua, tôm - cá, cá với cá… cũng đem lại hiệu quả rất tốt" - ông Tiêu nói.

"Bà con lưu ý, khi nuôi xen ghép nhiều đối tượng với nhau thì con nào hiền phải thả trước, ví dụ tôm - cá thì thả tôm trước; tôm - cua thì tôm phải thả trước; hay với các loài cá, giống nào dữ thả trước, giống nào hiền lành hơn thả sau. Hoặc bà con cũng có thể làm ngược lại, nhưng nếu thả con hiền lành trước thì phải chọn con giống to, khỏe mạnh" - ông Tiêu thông tin thêm.

Nâng cao trình độ quản lý ao nuôi

Ông Trần Minh Hưng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh khá phổ biến 2 mô hình nuôi ghép tôm thẻ chân trắng với cá rô phi và nuôi ghép các đối tượng thủy sản nước ngọt. Với những mô hình này, bà con lưu ý không dùng cùng một loại thức ăn để tránh vật nuôi cạnh tranh lẫn nhau, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững.

Thực tế là trong một ao nuôi, bà con có thể ghép 3-4 loại thủy sản hoặc nuôi xen ghép cá, tôm với nhuyễn thể, điều này tùy theo đối tượng nuôi, nhu cầu thị trường, thói quen chăn nuôi và nhất là trình độ của người nuôi có quản lí được hay không. Tuy nhiên có thể khẳng định với việc nuôi xen ghép, các đối tượng nuôi sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc giải quyết vấn đề về thức ăn thừa trong ao nuôi, từ đó hạn chế dịch bệnh phát sinh, là điều kiện thuận lợi để áp dụng chăm sóc theo các quy trình VietGAP, hữu cơ…

Ông Nguyễn Văn Luân - một chủ hộ chăn nuôi ở xã Thụy Liên hỏi: Trong nuôi trồng thủy sản, thường bà con chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thời tiết và nhiệt độ nước thay đổi thất thường. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng thối nước ao, tăng oxy ở đáy ao? Cách chọn con giống thế nào để nhận biết cảm quan thấy ngay con giống đó khỏe hay yếu?

Trả lời câu hỏi này, ông Tiêu cho biết, muốn nuôi thủy sản thành công, bà con cần phải thuộc lòng câu thần chú "Nước trong ao kiểm soát luôn chớ để lạt màu", và tuân thủ nguyên tắc cho ăn "3 xem 4 định". 

Riêng với phòng chống tình trạng sốc nhiệt cho thủy sản trong thời tiết nắng nóng, bà con lưu ý khi nhiệt độ thời tiết trên 35 độ C thì giảm 50% lượng thức ăn; nuôi thâm canh và siêu thâm canh thì che lưới trên mặt ao, che bớt ánh nắng, sục khí từ đáy lên để đẩy khí độc; quạt nước, đẩy nước để nhiệt độ đáy ao và mặt ao trung hòa, bổ sung kịp thời lượng nước bay hơi để tránh nước trong ao bị nhiễm mặn.

Hàng ngày bà con phải quan sát độ trong của nước, độ sâu trung bình 25-30cm thì phù hợp, nếu thủy sản mới nuôi thì khoảng 30-40cm. Bà con nên nhớ "nhất oxi, nhì pH", mua bộ test đo cũng rất đơn giản.

Cụ thể nguyên tắc 3 xem: Xem điều kiện thời tiết khi cho ăn; xem biến động các yếu tố môi trường như hàm lượng oxy hòa tan, pH, NH3…; xem tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp quản lý, cho ăn phù hợp.

Nguyên tắc 4 định: Định chất lượng, thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển; định số lượng: Cho ăn đủ no mà không thiếu, không thừa; định thời gian: Tập cho ăn vào những giờ nhất định, giúp người nuôi dễ dàng quan sát hoạt động ăn, dọn thức ăn thừa, điều chỉnh lượng thức ăn…; định địa điểm: Cho ăn đúng điểm cố định để tạo thói quen bắt mồi cho thủy sản từ khi mới thả.


Có thể bạn quan tâm

tien-phong-nuoi-ca-leo-thuong-pham-trong-ao-dat Tiên phong nuôi cá leo… quy-trinh-san-xuat-giong-nhan-tao-ca-ho Quy trình sản xuất giống…