Tin nông nghiệp Bí quyết trộn đất trồng rau sạch trên sân thượng

Bí quyết trộn đất trồng rau sạch trên sân thượng

Tác giả Ngọc Anh (Tổng hợp), ngày đăng 03/04/2018

Trồng rau sạch trên sân thượng giờ đây đã không còn xa lạ với chị em nội trợ. Việc chăm sóc cây trồng không chỉ là công việc hàng ngày mà còn là thú vui cho nông dân sân thượng. Nhưng không phải ai cũng biết cách trộn đất, bổ sung thêm dinh dưỡng hay cải tạo đất sau mỗi vụ thu hoạch... Dưới đây là các bước đơn giản để cải tạo đất.

1. Như thế nào là đất sạch, đầy đủ dinh dưỡng?

Đất sạch là loại đất không chứa hàm lượng kim loại nặng, các loại mầm bệnh, sâu bệnh, phân hóa học hoặc dư lượng thuốc trừ sâu.

Đất sạch thích hợp cho tự trồng rau sạch tại nhà là loại đất chứa các thành phần trung, đa vi lượng, các thành phần chất hữu cơ giúp ích cho cây rau phát triển.

Để nhận biết đất sạch, đầy đủ dinh dưỡng là sau thời gian canh tác có nhiều giun bên dưới lớp đất trồng; điều này chứng tỏ đất không chứa chất hóa học, có lợi cho việc trồng rau sạch.

2. Cách phối  trộn đất trồng rau

Đây là bước rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Để trồng rau trên ban công, sân thượng có rất nhiều loại đất trồng rau như: đất cát pha, đất thịt, đất vườn hay đất phù sa.

Khâu chuẩn bị: Khay nhựa, thùng xốp: Nên dùng khay nhựa có lớp lưới thông minh sẽ thoát nước chống úng cho rau tốt nhất).

Đất nền: Đất phù sa hoặc đất giá thể đã xử lý qua mầm bệnh; có thể sử dụng đất dinh dưỡng tribat được đóng gói sẵn tại các cửa hàng, sử dụng thêm mùn cưa, sơ dừa hay tro trấu

Phân bón: Nên sử dụng phân hữu cơ để cung cấp thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng phân xanh, phân bò hoai mục, phân trùn quế, phân vi sinh…

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ tiến hành trộn đất: Các loại cây có đặc tính khác nhau cần tỉ lệ trộn khác nhau; với các loại rau ăn lá trộn theo tỉ lệ: 5 phần đất nền + 3 phần giá thể tạo xốp + 2 phần phân bón... Để rau trồng phát triển tốt nhất khi trồng trên khay, chậu, độ dày đất từ 10 -13 cm.

Lưu ý: Nếu sử dụng đất nền là đất lấy ngoài ruộng, đất công trình cần phơi khô đập nhỏ, xử lý qua vôi bột trước khi trộn để loại trừ mầm bệnh và cỏ dại; 

Sau khi trộn xong san phẳng bề mặt đất, nhấn nhẹ, chú ý nhấn ở các góc của chậu.

3. Cách cải tạo đất trồng

Sau các vụ trồng, lượng dinh dưỡng đất cạn dần,  trở nên chai cứng nên cần bổ sung lượng dinh dưỡng và tăng độ tơi xốp cho đất. Việc cải tạo lại đất trồng có nhiều lợi ích như: Cung cấp dưỡng chất để cây phát triển nhanh hơn; giúp cây trồng kháng sâu bệnh, tăng khả năng nảy mầm, năng suất tăng; chất lượng sản phẩm được đảm bảo...

Để cải tạo đất trồng rau, có thể sử dụng 1 trong 3 biện pháp dưới đây:

- Dùng các loại phân hữu cơ: Đất trồng đã bị bạc màu nên dùng phân bò đã qua xử lý; loại phân này giúp đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng. Trộn theo tỷ lệ: 1 bao phân bò 10dm3 + 1 bao đất tribat 10dm3 sử dụng được khoảng 5 chậu trồng rau cỡ lớn, 8 chậu cỡ nhỏ, 5 thùng xốp.

- Dùng phân bón vi sinh: Phân vi sinh không gây nóng cho đất trồng, nên bón theo tỷ lệ để kích thích bộ rễ của cây phát triển; loại phân này rất lành đối với cây trồng. Tỷ lệ trộn: 1 bao phân vi sinh 10dm3 + 1 bao tribat sử dụng cho 9 chậu trồng rau cỡ lớn, 15 chậu loại nhỏ và  10 thùng xốp.

- Sử dụng phân giun quế: Loại phân này sẽ hủy các chất hữu cơ còn tồn đọng trong quá trình trồng và thu hoạch; phân giun quế nhiều chất dinh dưỡng giúp khi trồng cây không phải bón thêm bất kỳ loại phân nào khác... Tỷ lệ trộn: 1 bao phân giun quế 10kg + 1 bao đất tribat dùng được 10 - 12 chậu nhựa loại to, 15 chậu nhỏ, 10 thùng xốp…


Có thể bạn quan tâm

50-ty-dong-dau-tu-du-an-nong-nghiep-sinh-thai-doc-dao-tren-nui 50 tỷ đồng đầu tư… the-manh-vung-nguyen-lieu-khoai-lang Thế mạnh vùng nguyên liệu…