Tin nông nghiệp Biến đổi khí hậu gõ cửa làng quê giải pháp là thích ứng

Biến đổi khí hậu gõ cửa làng quê giải pháp là thích ứng

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 16/12/2015

Thưa ông, tại Hội nghị về BĐKH toàn cầu (COP 21)  tại Paris (Pháp), các chuyên gia đã đưa ra đánh giá, Việt Nam là 1 trong 10 nước bị tác động lớn nhất của BĐKH.

Ông có thể cho biết, cụ thể mức độ tác động của BĐKH đến nước ta như thế nào?

- Hiện nay, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận rõ tác động của BĐKH, bởi nó không chỉ tác động tới sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng tới đến tất cả các ngành kinh tế và xã hội.

BĐKH làm cho Trái đất ấm lên, tạo thành các trạng thái khí hậu cực đoan: Lạnh thì quá lạnh, khi nóng lại quá nóng, khô hạn quá mức, mưa lớn, siêu bão xuất hiện nhiều hơn.

Chưa kể, tới sâu hại, dịch bệnh phát triển ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của con người.

Khu vực đồng bằng sông Hồng, lượng mưa 3 ngày lớn nhất như Viện Quy hoạch thủy lợi tính toán, đã tăng 25-30% lượng nước, nên cứ mưa 3 ngày thì các hệ thống thủy lợi của khu vực này không thể đáp ứng được việc tiêu thoát nước.

Kết quả của một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy, tác động của BĐKH lên kinh tế vĩ mô của Việt Nam là rất lớn, ước tính thiệt hại khoảng 2-4% GDP hàng năm, vào năm 2050 có thể lên đến 7- 10%, tương đương với việc các nước đang phát triển sẽ phải chi khoảng 800 tỷ USD/năm cho các biện pháp ứng phó với BĐKH.

Tuy nhiên, theo tôi con số thiệt hại còn lớn hơn nếu cứ nhìn vào khu vực ĐBSCL.

 ĐBSCL là khu vực trọng điểm về sản xuất nông nghiệp nước ta và BĐKH đã bắt đầu tác động đến khu vực này bằng xâm thực mặn, lũ muộn.

Trong tương lai, ĐBSCL sẽ chịu tác động bởi kịch bản nào của BĐKH?

- Hiện nay, ĐBSCL là vùng đặc biệt dễ tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng (NBD) do quá trũng thấp, có tới 95% diện tích có cao độ cao hơn 0,5-1,5m so với mực nước biển.

Chính phủ dự báo nếu mực nước biển tăng 1m, thì hơn 50% diện tích TP.Hồ Chí Minh sẽ bị ngập lụt, 10-12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và cả nước sẽ thiệt hại tới 10% GDP.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực ứng phó với BĐKH ở khu vực này và đã giảm nhẹ được nhiều thiệt hại.

Tuy nhiên, trong điều kiện BĐKH và NBD, khu vực ĐBSCL đang chịu những thách thức, bộc lộ nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.

Bên cạnh đó, hệ thống hồ chứa thủy điện đã và sẽ xây dựng trong lưu vực sông Mekong là 144 hồ, lưu vực sông Đồng Nai là 22 hồ với tổng dung tích hiệu dụng chiếm gần 26% và 30% tổng lượng dòng chảy bình quân năm.

Lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ sẽ giảm, những năm lũ trung bình và lũ nhỏ sẽ gần như không còn lũ, nhưng lũ lớn cực đoan sẽ tăng..

Đắp đê có phải là giải pháp hữu hiệu để chống ngập ở ĐBSCL không, thưa ông?

" Tại TP.

Hồ Chí Minh, thập kỷ 50 không có trận mưa nào lớn hơn 100mm, thập kỷ 60, 70 có 1 trận, thập kỷ 80 có 2 trận, thập kỷ 90 là 4 trận và đến đầu thế kỷ này, đã tăng lên tới 9 trận”.
GS-TS Đào Xuân Học

- Theo tính toán mới nhất từ một đề tài nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), thì chỉ cần một trận lũ như năm 2000, cụ thể khu vực ĐBSCL cần có chiều dài của đê lên tới 57.000km (hiện tại là 37.000km, trong khi tổng chiều dài đê của ĐBSH là 1.300km), đây là con số quá khủng khiếp.

Năm nay, ĐBSCL đang “khát lũ”, không chỉ do tác động của BĐKH, mà còn do cả tác động của con người can thiệp ở thượng nguồn.

Nếu với sự tác động của cả BĐKH và của con người ở thượng nguồn thì nguy cơ nếu có lũ sẽ lại lớn hơn rất nhiều.

Khi đó, toàn bộ ĐBSCL sẽ tiếp tục bị ngập, từ đó lại phải bao đê.

Chưa nói nước biển tiếp tục dâng lên, xâm nhập mặn lại càng lớn, sẽ dẫn đến thiếu nước ngọt, phải khai thác nước ngầm, càng làm cho sụt lún ở ĐBSCL tăng lên.

Các chuyên gia nước ngoài sau khi nghiên cứu đã cảnh báo, mỗi năm mực nước ngầm đang hạ xuống 70cm, kéo theo đất lún sụt và bị hạ xuống 3cm, gấp 10 lần tốc độ nước biển dâng

.

Đó là nguy cơ rất lớn, nếu không có giải pháp sẽ rất nguy hiểm.

Nhìn vào vùng ĐBSCL ta thấy, lũ tiếp tục ngập, NBD lại phải đắp đê bao và càng làm ngập tăng lên, nó như cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Với thực trạng như trên, theo ông chúng ta cần có giải pháp gì để ứng phó, đặc biệt là khu vực ĐBSCL?

- Cần có cách nhìn dài hạn và căn cơ thì mới giải quyết được.

Hiện tại, Cần Thơ, Vĩnh Long đang úng ngập lại phê duyệt đắp đê, với gần 500km đê cho 39 vùng bao nó lại tiếp tục tạo ra ngập úng sâu hơn vùng xung quanh.

Tất nhiên, trong một đất nước nghèo đói, không thể giải quyết ngay được nhưng cần có tầm nhìn để bước đi hôm nay phù hợp với ngày mai.

Còn ở các khu vực khác, cần có thêm nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, ở khu vực miền Trung mà trồng lúa là không phù hợp do lượng mưa thấp, lượng bốc hơi lại cao, mưa không đủ bốc hơi nên cần có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nghiên cứu các giống cây trồng mới thích ứng với BĐKH.

Xin cảm ơn ông!

Việt Nam trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Trong một nghiên cứu về Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch có trụ sở ở Đức  công bố cho thấy, Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 20 năm qua vì bão, lũ, và đất chuồi.

Khảo sát cho thấy từ năm 1995 tới 2014, Honduras, Myanmar và Haiti là khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất bởi thiên tai.

Việt Nam xếp thứ 7 trong danh sách, theo sau là Pakistan, Thái Lan và Guatemala.

Trong thời gian này, có tổng cộng hơn 525.000 người thiệt mạng trong khoảng 15.000 vụ thiên tai.  Riêng tại Việt Nam, số tử vong ghi nhận là trên 361 trường hợp trong 225 cơn thảm họa thiên tai.

Thiệt hại lên tới trên 2.900 tỷ USD.

GS-TS Trần Đình Hòa – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi VN: Nhiều cây trồng, vật nuôi có thể biến mất

BĐKH đã hiện hữu rất rõ ràng, không chỉ là nước biển dâng, xâm nhập mặn mà còn làm cho khô hạn đến sớm hơn, kéo dài hơn, mưa lũ cường độ cao hơn.

Ngay như ở thủ đô Hà Nội mùa đông lại có nắng chang chang và có mưa rào, việc thay đổi các mùa và thời tiết có biểu hiệu cực đoan hơn so với trước đây.

Từ đó ảnh hưởng tới lượng mưa, hạn hán, lũ lụt…và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp rất lớn.

Thậm chí còn ảnh hưởng tới chu kỳ sinh học, sinh sản của vật nuôi, cây trồng nên có thể dẫn tới nhiều vật nuôi cây trồng bị tuyệt chủng.

Giáo sư Anthony Gad Bigio (Đại học George Washington, Mỹ): Mở rộng thêm các không gian xanh

Tình trạng nhiệt độ cao bất thường ở một số đô thị thuộc khu vực châu Á, trong đó có Hà Nội, là hệ quả của sự ấm lên của Trái đất cùng với các tác động do quá trình đô thị hóa.

Câu hỏi là làm sao giảm tiêu dùng năng lượng và tạo thêm các khoảng không gian xanh trong các thành phố.

Theo tôi, việc thiết kế các tòa nhà có thể tính đến hướng gió, không tạo các vật cản với hướng gió, tức là tính toán cả thiết kế xung quanh các tòa nhà rất quan trọng.

Điều này cần được xem xét trước khi mở rộng quy mô các thành phố.

Thứ hai, chính quyền địa phương cần xây dựng và mở rộng các khu vực không gian xanh (cây cỏ và hồ nước - green and blue area) vì chúng giúp duy trì nhiệt độ ở mức thấp.

Cần có nhiều cây ở các khu vực công cộng như đường phố, quảng trường, các ngõ nhỏ, công viên.            


Có thể bạn quan tâm

nhan-to-hat-nhan-xay-dung-hoi-vung-manh Nhân tố hạt nhân xây… ca-phe-rot-gia-tien-ty-boc-hoi Cà phê rớt giá, tiền…