Tôm thẻ chân trắng Biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi

Biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi

Tác giả Ngọc Hà, ngày đăng 13/06/2018

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (còn được biết đến là “Hội chứng chết sớm”), do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có mang gen độc lực gây ra. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện ở hầu hết các vùng trọng điểm về nuôi tôm nước lợ trên phạm vi cả nước và xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung nhiều từ tháng 3 - 8 hằng năm (trùng với thời điểm chính của vụ thả nuôi tôm ở nhiều địa phương).

Các loài tôm thường nhiễm bệnh tôm sútôm thẻ chân trắng. Bệnh lây từ tôm bệnh sang tôm khỏe, mầm bệnh tồn tại trong môi trường có thể gây bệnh trực tiếp cho tôm khỏe. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ chết có thể lên đến 90% sau 3-5 ngày phát hiện bệnh.

Khi tôm nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng. Tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé và chết ở đáy ao/đầm nuôi. Ở giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng mềm vỏ, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm, dễ vỡ, sưng to, đổi màu và chết. Tôm bị bệnh lâu ngày có gan tụy teo, dai, nhạt màu, ruột trống không chứa thức ăn. Ở giai đoạn cuối của bệnh tổ chức gan tụy bị thoái hóa, hoại tử nặng, có sự tập hợp của tế bào máu ở giữa ống gan tụy và nhiễm khuẩn thứ cấp. 

Để phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm, người nuôi cần lựa chọn tôm bố, mẹ có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, sử dụng con giống đạt yêu cầu về chất lượng cũng như số lần tham gia sinh sản theo quy định. Dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo hộ lao động và người vào trại phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không dùng chung dụng cụ giữa các hồ/bể. Dụng cụ chứa tôm và dụng cụ dùng trong quá trình sản xuất cần được vệ sinh, khử trùng kỹ trước và sau khi dùng. Người làm việc trong khu vực sản xuất giống phải có bảo hộ, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khi ra, vào cơ sở.

Bên cạnh đó, sử dụng nguồn thức ăn có chất lượng tốt; các loại thức ăn tổng hợp và tự chế biến phải được bảo quản tốt; thức ăn tươi sống phải được xử lý đảm bảo không còn mầm bệnh trước khi cho ăn. Nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được phép sử dụng hoặc có thể sử dụng phương pháp sinh học khác để tiêu diệt hoặc kìm hãm tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, đối với cơ sở chưa được công nhận an toàn dịch bệnh cần định kỳ 1 lần/2 tháng/cơ sở lấy mẫu nước, tôm bố mẹ, tôm post để xét nghiệm xác định mầm bệnh. Đối với cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh thì lấy mẫu xét nghiệm khi có nghi ngờ.

Người nuôi cần chú ý trước khi xuất bán con giống ra ngoài tỉnh phải đăng ký kiểm dịch đảm bảo không nhiễm mầm bệnh đặc biệt là không nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang gen độc lực gây bệnh. Định kỳ 02 tháng/lần lấy mẫu nước, chất cặn đáy bể và thức ăn tươi sống để xét nghiệm bệnh AHPND. Có sổ theo dõi sức khỏe, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và thức ăn trong quá trình sản xuất; sổ xuất, nhập tôm bố mẹ, tôm giống.

Khi tôm bị bệnh, người nuôi ngưng cho ăn và quan sát tình hình ao tôm nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của bệnh, nên việc điều trị ít có hiệu quả và không khả thi. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần xét nghiệm xác định chính xác tác nhân và thử kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh hiệu quả nhất. Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác dẫn đến hiện tượng kháng thuốc; và phải ngừng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-bien-phap-phong-benh-cho-tom-the-chan-trang Một số biện pháp phòng… phong-chong-dich-benh-dom-trang-do-vi-rut-o-tom-nuoi-tai-co-so-nuoi-thuong-pham Phòng, chống dịch bệnh đốm…