Tôm thẻ chân trắng Biện pháp xử lý cho ao tôm bị bệnh đốm trắng

Biện pháp xử lý cho ao tôm bị bệnh đốm trắng

Tác giả NIMDA, ngày đăng 26/03/2020

Tại Quảng Nam, hiện đã phát hiện vài mẫu tôm nuôi vùng triều ở xã Tam Hòa- Núi Thành và Tam Phú- tp. Tam Kỳ bị nhiễm virus đốm trắng. Do đó, bà con nuôi tôm cần có các biện pháp xử lý, tiêu hủy, cách ly kịp thời để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiệt hại cho vụ nuôi.

Tôm thẻ chân trắng bị bệnh đốm trắng (WSSV)

Hiện nay thời tiết bắt đầu nắng lên, tuy nhiên đây cũng là thời điểm giao mùa nên thời tiết luôn thay đổi thất thường, là điều kiện bất lợi cho tôm nuôi, bệnh dễ phát triển, đặc biệt là bệnh do virus. Qua kiểm tra thực tế vùng nuôi và kết quả xét nghiệm mẫu cho thấy virus đốm trắng đã xuất hiện tại các ao nuôi tôm vùng triều và bệnh có thể lây lan trên diện rộng nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời.

Một số biện pháp kỹ thuật có thể áp dụng phòng bệnh đốm trắng:

Đối với ao nuôi có tôm bị bệnh đốm trắng:

Thực hiện biện pháp cách ly ngay (đóng chặt cống; không cho nước vào và ra ngoài).

– Thu tôm trong vòng 1-2 ngày nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch

– Sau khi thu tôm, khử trùng nước và dụng cụ nhiễm WSSV bằng Chlorine nồng độ 40 ppm. Giữ nước sau khi xử lý Chlorine ít nhất 7 ngày trước khi xả ra môi trường. Dụng cụ và quạt nước dùng trong ao phải được phun xịt bằng nước hòa chlorine với nồng độ 1600ppm hoặc nếu có thể thì ngâm trong nước hòa tan 40ppm chlorine trong ít nhất 3 ngày.

- Nếu tôm chưa đạt cỡ thu hoạch thì hủy tôm bằng Chlorine nồng độ 40ppm. Trong trường hợp tôm chưa chết hết thì tái xử lý Chlorine nồng độ 100ppm. Xác tôm chết phải lưu lại trong ao ít nhất 7 ngày cho phân hủy tự nhiên và tiêu diệt mầm bệnh ( vì mầm bệnh có thể tồn tại trong nhân tế bào).

- Sau khi tháo nước, loại bỏ lớp bùn đáy ao nuôi thật sạch, xử lý vôi 4.000- 5.000kg/ ha khi đáy còn ẩm ( có thể xử lý vôi theo pH phơi đất). Phơi khô đáy, đảm bảo không còn chỗ ẩm cho mầm bệnh ẩn nấp.

- Ao tôm bị bệnh đốm trắng, người nuôi không nên vội vàng cải tạo để thả nuôi ngay, mà nên cho ao nghỉ 1,5 - 2 tháng để dứt nguồn bệnh và tái tạo lại môi trường nền đáy. Thời gian ao nghỉ nên thả cá rô phi để cá tiêu diệt hết những loài ký chủ trung gian mang mầm bệnh còn sót lại.

Đối với ao nuôi có tôm phát triển bình thường:

- Cách ly ao bệnh, những ao nuôi gần ao nhiễm bệnh không có dấu hiệu bệnh ( giảm ăn, lờ đờ ) có thể duy trì bằng cách giảm thiểu các nguyên nhân gây căng thẳng như định kỳ 4 - 5 ngày sử dụng men vi sinh bổ sung vào ao nuôi nhằm phân hủy các chất hữu cơ trong ao, tạo môi trường tốt cho tôm.

- Xử lý iodine 10% ở mức 0,3 – 1ppm ( lập lại sau 3-4 ngày) hoặc formaline 70ppm ( mỗi ngày)  hoặc BKC 1 ppm.

- Đồng thời người nuôi cần theo dõi nắm thông tin về môi trường nước, tình hình bệnh xảy ra trong khu vực nuôi, cảnh báo dịch bệnh của cơ quan chuyên môn để có biện pháp chủ động phòng tránh.

- Người nuôi không nên đến nơi phát dịch, hạn chế người lạ qua lại các ao tôm, trường hợp phải vào ao thì cần thay quần áo và lội qua bể nước khử trùng (Chlorine, formol 5%). Không dùng chung 1 dụng cụ như chài cho một ao nuôi tôm.

- Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đắp chặt cống cấp và thoát nước. Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá… vào ao, căng dây và lắp hình nộm để chống chim cò vào ao.

- Hạn chế việc cấp thay nước vào ao nuôi để giảm thiểu mầm bệnh vào ao nuôi. Những hộ có ao lắng thì cần tiến hành bơm và xử lý nước trong ao này thật kỹ trước khi bổ sung nước vào ao nuôi.

- Thu gom và xử lý chất thải đúng quy định, không xả thải trực tiếp ra môi trường nhằm ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước cấp.


Có thể bạn quan tâm

bo-sung-khoang-cho-tom-the-chan-trang-nuoi-o-do-man-thap Bổ sung khoáng cho tôm… cong-nghe-moi-giu-mau-sac-va-chat-luong-cho-tom-the-chan-trang Công nghệ mới giữ màu…