Tin nông nghiệp Biến rơm rạ thành 'vàng'

Biến rơm rạ thành 'vàng'

Tác giả Nguyễn Thị Thắm, ngày đăng 08/10/2020

Hà Nội mỗi năm phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ, từ ngày có bếp gas, bếp điện hầu như không mấy ai còn đun rơm nên phần lớn đều đốt bỏ ngoài đồng…

Biết cách tận dụng thì rơm rạ cũng ra tiền. Ảnh: NNVN.

Thực tế cấp thiết

Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường, khói bụi cản trở giao thông có thể gây tai nạn lại lãng phí rất lớn một nguồn tài nguyên quý. Bởi thế, tìm tòi ra các cách xử lý rơm rạ hợp lý là nhu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp Thủ đô. Trong vụ xuân năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã thực hiện mô hình xử lý rơm rạ tại huyện Thanh Oai, nơi có diện tích gieo cấy lúa mỗi vụ trên 6.000 ha, cơ bản đã được dồn ô đổi thửa, thuận lợi cho việc gieo cấy, chăm sóc và sản xuất tập trung quy mô lớn.

Đỗ Động là xã được chọn nhờ diện tích đất gieo cấy mỗi vụ trên 400 ha, trong đó diện tích Bắc thơm số 7 chiếm 70%, HTX đã và đang liên kết với các đơn vị tổ chức tốt khâu dịch vụ lúa gạo, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho bà con. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lại chưa có cách làm hiệu quả. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cụ thể mà nông dân sẽ chọn lựa biện pháp xử lý. Nếu ở vụ mùa, sẽ đốt ngay tại ruộng để tranh thủ trồng cây vụ đông, tận dụng lấy tro, còn vụ xuân vứt ngay cạnh bờ kênh, mương gây tắc nghẽn.  

Yêu cầu của mô hình là thực hiện gọn vùng ở nơi chủ động tưới tiêu, thuận tiện cho việc tham quan học tập; Cơ sở phải chỉ đạo được khâu làm đất và tổ chức xử lý chế phẩm tập trung, đúng quy trình kỹ thuật; Phải có đối chứng để theo dõi, so sánh, đánh giá kết quả; Cam kết chưa được nhận hỗ trợ từ bất cứ nguồn kinh phí nào từ ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung mô hình;  Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật trước khi thực hiện mô hình. Cán bộ chỉ đạo mô hình phải có sổ ghi nhật ký quá trình chỉ đạo thực hiện.

Mô hình đã huy động được 50 ha đất với sự tham gia của 105 hộ ở thôn Trình Xá. Quá trình triển khai thực hiện được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cán bộ Trung tâm Khuyến nông, sự đồng tình ủng hộ của UBND xã, sự hưởng ứng tích cực của Ban giám đốc HTX và bà con. Chế phẩm sinh học được dùng lần này là AT-YTB, liều lượng 200g cho 1 sào (360 m2) bón bằng cách làm ẩm với nước trộn đều với cát, rắc đều trên bề mặt ruộng vẫn còn nguyên rơm rạ, sau đó tiến hành bừa dập rạ, giữ nước thường xuyên để thuận lợi cho vi sinh vật phân hủy. Sau khi xử lý khoảng 2 tuần tiến hành bừa cấy. Lúc đó rơm rạ cơ bản đã hoai mục hoàn toàn làm cho lượng bùn tăng lên, bùn nhuyễn, không còn mùi hôi tanh, dễ cấy hơn so với ruộng đối chứng không bón chế phẩm.

Giống lúa Bắc thơm 7 cấy trong mô hình trên nền ruộng được xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ xuân bằng chế phẩm vi sinh so với cấy tại ruộng không được xử lý chế phẩm có một số đặc điểm như sau: Lúa bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với ruộng đối chứng, bộ rễ dài hơn, tỷ lệ rễ trắng cao hơn; Đẻ nhánh sớm, tập trung, số dảnh hữu hiệu cao hơn do vậy số bông/khóm nhiều hơn (tại ruộng bón chế phẩm là 11.5 bông/khóm, ruộng không bón là 11.1 bông/khóm); Lúa cứng cây, gọn khóm và có chiều cao cao hơn (Lúa trong mô hình cao 131.6 cm; ruộng đối chứng không bón cao 128.7 cm); Trỗ tập trung, thoát cổ bông, bông lúa to và dài hơn; Thời gian sinh trưởng ngắn hơn, cụ thể lúa trong mô hình 100 ngày, ruộng đối chứng không bón 102 ngày nhưng năng năng suất lại cao hơn không bón 360 kg/ha và cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1.450.000đ/ha.

Không chỉ thế, tình hình sâu bệnh hại còn có sự khác biệt. Người dân trực tiếp tham gia mô hình nhận xét ngoài giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, còn hạn chế được ốc bươu vàng phá hoại. Hiệu quả môi trường, ngoài tác dụng xử lý rơm rạ thành nguồn phân bón hữu cơ trả lại cho đất làm tái tạo lại sự cân bằng đất, xử lý bằng chế phẩm sinh học AT – YTB còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rơm rạ không phải thu gom, không đốt bừa bãi. Mặt khác, còn khử được mùi hôi tanh, giảm thiểu sâu bệnh gây hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại cho chính người nông dân, môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiệu quả xã hội, thành công của mô hình góp phần thay đổi nhận thức cho người nông dân, hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông. Đồng thời, mô hình còn là nơi tham quan học tập, tạo tiền đề để tiếp tục mở rộng mô hình sang các xã khác.

Rơm rạ là nguồn chất hữu cơ khổng lồ, chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa, mỗi ha trồng lúa có đến 10-12 tấn rơm rạ. Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo khối lượng khô gồm xenluloza (cellulose): 60%, linhin (lignin): 14%, đạm hữu cơ (protein): 3,4% chất béo (lipid): 1,9%. Nếu tính theo nguyên tố thì cácbon (C) chiếm 44%, hyđrô (H) chiếm 5%, ôxy (O) chiếm 49%, Ni tơ chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ phốtpho (P), lưu huỳnh (S) và kali (K).

Vì vậy rơm rạ được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng làm gia tăng năng suất lúa (0,4 tấn/ha/vụ khi rơm rạ được vùi vào trong đất) và làm gia tăng độ màu mỡ của đất theo thời gian. Mặc dù vậy, rơm rạ tươi không thể vùi ngay vào trong đất vì tỉ lệ C:N rất cao có thể dẫn đến giảm lượng dinh dưỡng hữu dụng quan trọng đối với sinh trưởng của cây trồng. Nếu đốt rơm rạ lượng C,H, O biến hết thành các khí CO¬2, CO và hơi nước; Protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… bay lên gây ô nhiễm môi trường. Trong tro chỉ còn sót lại ít P, K, Ca và Si… nghĩa là giá trị về mặt khoáng chất, chất hữu cơ không còn nhiều.

Những kinh nghiệm cho mùa vụ sau

Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn như do mô hình triển khai lần đầu, một số hộ chưa tin tưởng nên không tuân thủ bón đúng quy trình kỹ thuật, còn bón chưa đúng thời điểm. Nơi ruộng trũng, bón xong gặp nước tràn bờ nên chưa đánh giá hết được hiệu quả từ mô hình. Bởi thế bài học kinh nghiệm cho những mùa vụ sau là: Cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa về hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ để mô hình này được lan tỏa rộng hơn; Trong quá trình tổ chức tập huấn, cần tổ chức sớm trước khi thực hiện để các hộ tham gia nắm được kỹ thuật, yêu cầu mô hình; Công tác tổ chức hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

Theo ông Nguyễn Văn Khiêm-Trạm phó phụ trách Trạm Khuyến nông Thanh Oai, để mô hình có sức lan tỏa sâu rộng đến bà con nông dân trong xã Đỗ Động nói riêng và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Oai nói chung đề nghị Trung tâm Khuyến nông Thành phố, UBND huyện Thanh Oai tiếp tục hỗ trợ mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB trong năm tiếp theo. 

Theo các nhà khoa học, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn, rất đáng lo ngại bởi nếu như với bụi bình thường dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được thì bụi mịn khẩu trang cũng trở thành vô dụng, chúng chui sâu vào hệ hô hấp gây ra nhiều thứ bệnh. Không chỉ thế, việc đốt một khối lượng rơm rạ lớn trong những ngày gặt còn làm nóng bầu không khí ở các làng quê, thành phố lân cận gây ra hiện tượng ngột ngạt, rất khó chịu.

Trang thông tin có sự kết hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội 


Có thể bạn quan tâm

benh-kham-la-san-bung-phat-tro-lai Bệnh khảm lá sắn bùng… thu-nghiem-trong-giong-xa-lach-my-co-vi-ngot-dam-gion Thử nghiệm trồng giống xà…