Tin nông nghiệp Biết chất tạo nạc gây ung thư mà cố sử dụng thì là giặc bẩn

Biết chất tạo nạc gây ung thư mà cố sử dụng thì là giặc bẩn

Tác giả Thanh Xuân, ngày đăng 28/12/2015

TS Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, cần xem sản xuất thức ăn chăn nuôi là lĩnh vực có điều kiện để tránh tình trạng giá mặt hàng này tăng giá một  cách “vô tội vạ” như thời gian qua.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng sản xuất, kinh doanh TĂCN là lĩnh vực siêu lợi nhuận.

Theo ông, vì sao các công ty trong lĩnh vực này lại có thể lãi như thế?

- Trong chuỗi chăn nuôi của chúng ta hiện nay, từ khâu sản xuất giống đến quy trình chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào, quy trình giết mổ và thị trường, sản phẩm đầu ra đều có vấn đề.

Trong đó, lĩnh vực sản xuất TĂCN tại Việt Nam đúng là đang có lợi nhuận rất cao so với các nước trong khu vực.

Tại sao các nhà máy TĂCN cứ liên tục mở rộng? Chính là do lợi nhuận lớn, trung bình lợi nhuận của họ hiện đạt mức 15- 20%, thậm chí có lúc lãi tới 30%.

Qua đó cho thấy, kinh doanh TĂCN là khâu lãi nhất trong chuỗi chăn nuôi.

Ngay như một tập đoàn lớn là C.P, lúc đầu chỉ có nhà máy ở Xuân Mai (Hà Nội), bây giờ mở nhà máy TĂCN ở nhiều nơi.

Chính vì lợi nhuận quá cao như trên nên sản phẩm chăn nuôi trong nước luôn cao hơn khu vực, nhưng điều nghịch lý là người chăn nuôi lãi ít.

Phải chăng lợi nhuận đã rơi vào túi nhà sản xuất?

- Theo tính toán, TĂCN chiếm tới 70% chi phí sản xuất trong chăn nuôi, do đó, giá thành sản phẩm bị tác động lớn bởi giá TĂCN.

Ngoài ra, do công tác quản lý của chúng ta thả lỏng, tự do nên người chăn nuôi bị thiệt, chỉ làm giàu cho người sản xuất TĂCN.

Do đó, chúng tôi đã có kiến nghị cần đưa TĂCN vào lĩnh vực sản xuất có điều kiện bởi lĩnh vực này liên quan tới hàng chục triệu hộ dân chăn nuôi.

Điều tiết được giá TĂCN, giúp hỗ trợ cho nông dân.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng sẽ giảm, vì chẳng có công ty sản xuất TĂCN nào bỏ ra hàng triệu USD đầu tư nhà máy lại “làm liều”, sử dụng chất cấm.

Thưa ông, vừa qua các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ những đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

" Điều tiết được giá TĂCN, sẽ giúp hỗ trợ cho nông dân.

Tôi tin, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng sẽ giảm, vì chẳng có công ty sản xuất TĂCN nào bỏ ra hàng triệu USD đầu tư nhà máy lại “làm liều” sử dụng chất cấm”. Ông Trần Duy Khanh

- Đây đúng là một thực trạng đáng báo động mà tôi cứ nghĩ mãi không ra một từ nào để gọi cho đúng tên thế nên tạm gọi là “giặc bẩn”.

Trồng rau mà để dành riêng một luống ăn; còn nuôi lợn, gà và mới đây còn khai báo là cả nuôi tôm cũng sử dụng chất cấm để tăng trọng, tạo nạc thì đúng là vấn nạn.

Nếu là những người chỉ biết chăn nuôi, không có kiến thức nên vô tình sử dụng đã đành nhưng cũng không ít trường hợp biết các chất tạo nạc nguy hiểm, gây ung thư mà vẫn cố tình sử dụng thì đúng là “giặc bẩn”.

Ở đây ngoài chế tài và áp dụng chế tài chưa đủ mạnh, đủ nghiêm theo tôi còn có nguyên nhân chủ quan là cơ quan chức năng chưa quyết liệt, còn biểu hiện buông lỏng.

Giờ, tham gia TPP, hội nhập sâu và rộng hơn thì mới “sốt sắng” giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.

Ông có thể cho biết cụ thể cái gọi là “buông lỏng” của cơ quan quản lý nhà được ở đây được thể hiện ra sao?

- Không chỉ có quản lý chất cấm trong chăn nuôi, nhiều lĩnh vực khác ở nước ta cũng đang quá chồng chéo và có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Chỉ riêng lĩnh vực chất cấm cũng liên quan tới rất nhiều bộ ngành, về nhập khẩu cả tiểu ngạch và chính ngạch sẽ có quản lý thị trường, hải quan rồi đến Bộ Y tế, trong khi Bộ NNPTNT thì lại cấm sử dụng.

Do có quá nhiều cơ quan quản lý nên mới xảy ra một thực trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không có một “bộ tư lệnh”, hệt như đá bóng gôn tôm, mỗi ông đá một góc, lúc nó thủng chẳng ai chịu trách nhiệm.

Hậu quả cuối cùng chính là người người tiêu dùng phải gánh chịu.

Xin cảm ơn ông!

Một con lợn, nhiều người chia lợi

Với vai trò là một doanh nghiệp sản xuất TĂCN, ông Nguyễn Hữu Thống Nhất – Giám đốc kinh doanh (Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Hoàn Dương) cho rằng, thực tế sản xuất TĂCN cũng không lãi như nhiều người tưởng, mà lợi nhuận rơi vào nhiều khâu khác.

 Ông Nhất nói: Theo tính toán của chúng tôi, lợi nhuận của ngành sản xuất TĂCN là không lớn, trung bình 1kg TĂCN chỉ đem lại lợi nhuận khoảng 2% sau khi đã trừ hết các khoản chi phí.

Như công ty của chúng tôi, mỗi tháng cung ứng cho thị trường khoảng 3.500 tấn, tương đương 35 tỷ đồng doanh thu, nếu lợi nhuận 2% là khoảng 700 triệu đồng.

Với mức lợi nhuận này, một công ty nhỏ cũng đủ trang trải cho trả lương và tái đầu tư sản xuất.

Tất nhiên, đối với một số công ty với lượng sản xuất và cung ứng ra thị trường càng lớn, lợi nhuận càng cao.

Hiện nay, đứng đầu thị phần TĂCN ở Việt Nam là Công ty C.P, chiếm khoảng 20% sản lượng, tiếp đến là Mansan (đơn vị vừa mới thâu tóm cả hai thương hiệu lớn bao gồm Anco và Con Cò), tiếp đến là các doanh nghiệp Cargill, GreenFeed, Jafa, Dabaco, Hồng Hà…

Đúng là hiện nay, có những doanh nghiệp mỗi tháng cung ứng hàng trăm nghìn tấn TĂCN, tương đương 1 năm cung ứng ra thị trường hàng triệu tấn TĂCN.

Vì thế, doanh thu của họ có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng và lợi nhuận 2% cũng là một con số rất đáng kể.

Công ty càng lớn lợi nhuận càng cao còn công ty nhỏ thì cạnh tranh càng khó.

Theo tôi, khâu phân phối là khâu có lợi nhuận cao nhất.

Để cạnh tranh trên thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất TĂCN phải luôn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…

Tuy nhiên, đối với các công ty nhỏ hơn thì càng phải chịu mức chiết khấu cho các đại lý tỷ lệ % cao hơn, tùy từng khu vực khác nhau.

Nói chung, đối với những người chăn nuôi, để mua được TĂCN nếu có tiền mặt cũng phải mất 5% ở khâu trung gian và nếu nợ tiền các đại lý, mua trả sau có khi phải chịu mức chiết khấu lên tới 10%.


Có thể bạn quan tâm

quy-khuyen-nong-khong-vi-muc-dich-loi-nhuan Quỹ Khuyến nông không vì… nguoi-chan-nuoi-vn-dang-phai-cong-lung-vo-beo-cho-ai Người chăn nuôi VN đang…