Tin nông nghiệp Bỏ biển ngồi chờ ngân hàng ôm 20kg hồ sơ vẫn chưa được vay vốn

Bỏ biển ngồi chờ ngân hàng ôm 20kg hồ sơ vẫn chưa được vay vốn

Tác giả Anh Chung-Ngọc Thọ, ngày đăng 07/01/2016

L.T.S.Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định) tập trung ưu tiên đánh bắt xa bờ, phát triển đội tàu vỏ thép… là chủ trương đúng đắn.

Thế nhưng, qua hơn 1 năm thực hiện đã nảy sinh những bất cập thấy rõ bởi thủ tục vay vốn còn rườm rà, phức tạp, mẫu tàu được ban hành chưa phù hợp với ngư dân và đặc điểm nghề nghiệp từng vùng biển… khiến nhiều ngư dân “bỏ cuộc”.

Loạt bài của sẽ phác họa bức tranh toàn cảnh từ lúc triển khai Nghị định này cho tới khi Nghị định này được bổ sung, sửa đổi thành Nghị định 89/2015.

Thủ tục rườm rà

Ngày 12.8.2015, UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 2837 phê duyệt đợt 5 đối với ngư dân có đủ điều kiện tham gia đóng và nâng cấp cải hoán tàu cá theo Nghị định 67.

Tổng cộng có 9 tàu đóng mới, 4 tàu cải hoán và nâng cấp.

Vợ chồng ngư dân Phạm Đạo ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam mừng khấp khởi vì danh sách vừa ký thì cán bộ của ngân hàng đã nhiệt tình tới tận nhà khảo sát.

Ngư dân Phạm Đạo chờ từng ngày và phỏng đoán chắc cỡ 1 tháng là xong.

Nhưng rồi sau 1 tháng đợi chờ, ông Đạo và vợ - bà Võ Thị Nga như ngồi trên đống lửa vì vẫn không thấy động tĩnh gì.

Vậy là cứ một tuần là bà lên ngân hàng “hỏi dồn dập” và nhận được lời hứa triển vọng: “Ráng chờ, để gom đủ mấy hồ sơ rồi làm luôn, để gặp giám đốc đã…”.

Trong thời gian chờ đợi, vợ chồng ông Đạo đã chọn được ngày tốt và quyết định đóng tàu theo thiết kế.

Tàu dài 31,6m, cao 3,2m, máy 822CV, tổng dự toán gần 10 tỷ đồng.

Nhưng từng ngày trôi qua, con tàu đã đóng gần xong mà ngân hàng vẫn không thấy đâu.

Choáng váng hơn, đó là sau 4 tháng nghiên cứu hồ sơ, ngân hàng đã điện thoại cho vợ ông Đạo và thông báo “hồ sơ không được giải quyết”.

Tiếp xúc với phóng viên, ông Đạo cũng không thể hiểu được lý do vì sao ngân hàng không cho vay.

“Họ trả lời miệng qua điện thoại mà thôi.

Giờ tiến không được mà thoái cũng không xong” - ông Đạo buồn bã. 

Rơi vào thế kẹt, ông Đạo quyết định “cầu khẩn” một ngân hàng khác trên địa bàn.

Ông lại tiếp tục nuôi hy vọng bởi cán bộ ngân hàng này hứa sẽ xem xét và giải ngân trong  tháng 1.2016  dù khá mong manh.

Còn trường hợp của ông Đoàn Ngọc Nhi (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nộp hồ sơ vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Dung Quất.

Ngân hàng đều có biên bản làm việc, có thư phúc đáp, nội dung yêu cầu bổ sung các loại giấy tờ và hướng dẫn rất chi tiết.

Phần nào được thì chấp nhận, phần nào bổ sung thì yêu cầu làm lại.

Hiện nay hồ sơ đã kéo dài cả năm vẫn chưa xong.

Bất cập của việc đóng tàu 67 mà nhiều ngư dân chưa tính tới, đó là phải chịu thuế giá trị gia tăng là 10% (từ 1.1.2015, tàu trên 90CV mới không phải chịu thuế - PV).

“Tàu thép của tôi có tổng dự toán là 12,3 tỷ đồng.

Tôi phải bỏ ra thêm 1,2 tỷ đồng nộp thuế giá trị gia tăng.

Đây là một khoản quá lớn.

Với ngư dân nghèo sao xoay xở nổi” - ông Chi than.

Nhanh nhất: 15 tháng!

"Khi chúng tôi có bản vẽ thiết kế, ngân hàng chấp thuận và bắt đầu giải ngân từng công đoạn theo hợp đồng.

Tàu được đóng vào ngày 31.3.2015 thì đến ngày 3.9 vừa qua thì hạ thủy và mất thêm 2 tháng để hoàn chỉnh nội thất.

Tổng cộng từ lúc khởi động thủ tục cho đến khi có tàu đi biển, nhanh nhất cũng phải mất 15 tháng chứ chẳng chơi”.
Ngư dân Phan Thu (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)

Ở xóm cát xã Bình Nam, ngư dân Nguyễn Tấn Năm ngồi vò đầu rứt tai vì chưa được giải ngân vay vốn đóng tàu, trong khi anh đã đóng tiền cọc để mua lưới 161 triệu đồng.

Bên cạnh đó là rất nhiều chi phí đi lại, vẽ thiết kế, bỏ biển ngồi ở nhà hàng năm trời để chờ được ngân hàng “hẹn hò”.

Tình cảnh của ông Năm cũng là hoàn cảnh chung của nhiều ngư dân khác tại các xã Bình Dương, Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Khi có dự án Nghị định 67, các ngư dân nghèo đã thực hiện phương châm “3 cây chụm lại”, thành lập nhóm để hùn tiền, góp sức vay vốn.

Nhóm của ngư dân Nguyễn Tấn Năm có 4 người, nhóm của ngư dân Nguyễn Tấn Cảo có 3 người đã đăng ký xin đóng 2 tàu vỏ thép và được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào danh sách chấp thuận, chuyển qua ngân hàng làm thủ tục vay vốn.

Cách đây gần 1 năm, các ngư dân nhanh chóng mang hồ sơ lên xin vay vốn ngân hàng.

Đúng 2 tuần sau, cán bộ ngân hàng thẩm định và trả lời rất nhanh: “Đề nghị các ngư dân rút hồ sơ về bổ sung”.

Các ngư dân tiếp tục bổ sung hồ sơ và chạy sang ngân hàng khác trên địa bàn.

Cán bộ ngân hàng này xem xét hồ sơ và lắc đầu từ chối.

Các ngư dân lại gõ cửa một ngân hàng nữa với hy vọng “quá tam ba bận”.

Vậy rồi ngày qua tháng lại, cứ hàng tuần, các ngư dân bỏ công việc, phân công nhau tới “túc trực” tại ngân hàng này.

Ngư dân Năm kể lại trong bức xúc: “Họ cứ nói ni, nói tê.

Phát sinh, bổ sung thủ tục hoài”.

Sau 7 tháng đợi chờ thì ngày 10.9 vừa qua, cán bộ ngân hàng chính thức trả lời bằng văn bản là từ chối chấp thuận đầu tư dự án.

Vậy là bao công đổ  biển”.

Còn tại TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ông Trần Văn Tường (phường Phú Đông) dừng những chuyến đánh bắt xa bờ đưa con tàu PY96117TS công suất 420CV từ biển vào bờ để sửa chữa.

Nhân tiện, ông Trường tính nâng cấp luôn phần vỏ tàu.

Nhưng nghề biển bấp bênh, mỗi chuyến ra khơi có khi còn phải vay nóng nói chi tích lũy được nhiều.

Ông Trường bấm bụng ra ngân hàng hỏi vay thêm 200 triệu đồng theo hình thức thế chấp chính con tàu bởi tục vay vốn theo Nghị định 67 rườm rà, phải xây dựng phương án, qua nhiều cấp phê duyệt, chứng minh hiệu quả dự án… trong khi ông thì lại không thể đợi được vì mùa biển mới đã cận kề.

Tương tự ông Trường, ông Nguyễn Văn Sáng cũng ở phường Phú Đông, nhân mùa biển động cũng đưa tàu vào bờ nâng cấp, bảo dưỡng.

Con tàu công suất 270CV của ông Sáng sẽ được làm lại vỏ dày hơn, vật liệu tốt hơn, ông còn thay mới máy từ 270CV sang 400CV.

“Máy mới của Nhật công suất 400CV cũng phải 500-600 triệu đồng, biết lấy tiền đâu.

Với cả vay vốn theo Nghị định 67 thì yêu cầu phải là máy mới, không chấp nhận máy cũ.

Tôi quyết định tự xoay xở, thế chấp tài sản vay 200 triệu đồng mua máy cũ hãng Doosan của Hàn Quốc mà không vay theo Nghị định 67” - ông Sáng nói.

Trong câu chuyện với phóng viên, ngư dân Nguyễn Tấn Năm bức xúc: Nói là tin tưởng ngư dân nhưng thực tế ngân hàng không mặn mà với ngư dân nghèo bởi nghề biển nhiều rủi ro, lắm bấp bênh… 


Có thể bạn quan tâm

cao-su-va-cuoc-thi-nghiem-khong-lo-mao-hiem-dan-ganh-rui-ro Cao su và cuộc thí… ca-phe-rung-la-kho-canh-vi-phan-bon-dom Cà phê rụng lá, khô…