Mô hình kinh tế Bò, gà Mỹ, Canada sẽ tràn ngập thị trường

Bò, gà Mỹ, Canada sẽ tràn ngập thị trường

Ngày đăng 04/11/2015

So với các nước khác, VN có phần được ưu ái hơn khi lộ trình cắt giảm thuế suất cho các nông sản từ các nước thành viên TPP dài hơn và linh hoạt hơn.

Về 0% sau 3 - 8 năm

Hôm nay sẽ công bố toàn văn TPP

Ông Lương Hoàng Thái - vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương - cho biết dự kiến hôm nay 2-11, Việt Nam và các nước sẽ cùng công bố toàn văn TPP.

Mời bạn đọc theo dõi thông tin chi tiết trên các số báo tiếp theo và trên tuoitre.vn.

Theo công bố của Chính phủ Nhật, khi TPP có hiệu lực sẽ có 95% dòng thuế của 9.018 mặt hàng, trong đó 99,9% sản phẩm công nghiệp sẽ dần dần được dỡ bỏ thuế.

Đây là tỉ lệ cam kết cao nhất trong lịch sử các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Nhật Bản từng ký kết.

Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản Akira Amari cho biết Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm hoi trong TPP giữ được nhiều điều khoản bảo vệ thị trường nông nghiệp trong nước, nhưng nước này sẽ cắt giảm ngay lập tức đối với 51% trong số 2.328 mặt hàng nông nghiệp sau khi TPP có hiệu lực.

Theo lộ trình, khoảng 81% các mã hàng nông sản sẽ phải xóa bỏ thuế quan.

Còn theo công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ, các nhà xuất khẩu nông sản nước này đang đứng trước cơ hội lớn để tăng xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến sang các nước khác, đặc biệt là với thị trường VN.

Năm 2014, Mỹ xuất thịt bò vào thị trường VN với kim ngạch khoảng 22,1 triệu USD, khi TPP có hiệu lực con số này dự báo sẽ tăng mạnh do thuế nhập mặt hàng này hiện ở mức 34% sẽ giảm về 0% trong thời gian từ 3 - 8 năm.

Mặt hàng thịt bò tươi và bò đông lạnh từ Canada vào thị trường VN từ thuế 31% hiện nay cũng được dỡ bỏ sau hai năm khi TPP có hiệu lực.

Về mặt hàng thịt heo, VN sẽ bỏ thuế đối với thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo của Mỹ trong vòng 5 - 10 năm, so với mức chịu thuế hiện tại cao nhất là 30%.

Thịt heo tảng và thịt vai heo đông lạnh, thịt heo vai tươi, heo nguyên con tươi, đông lạnh cũng được bỏ thuế trong vòng 8 - 10 năm.

Một mặt hàng cũng được các nước quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào VN nữa là sản phẩm bơ sữa.

Thuế quan đối với các sản phẩm sữa Mỹ vào VN hiện tại cao nhất là 20%, sẽ được bỏ trong vòng năm năm, còn pho mát và bột sữa sẽ được bỏ ngay lập tức khi TPP có hiệu lực.

Ngược lại, Mỹ cũng cam kết sẽ dỡ bỏ thuế các sản phẩm bơ sữa nhập khẩu từ VN trong vòng 10 năm và từ Nhật Bản trong vòng 20 năm.

Thuế quan đối với gia cầm và thịt gia cầm nhập từ Hoa Kỳ vào VN hiện tại cao nhất là 40%, sẽ được bỏ trong vòng 13 năm, trong đó thuế quan đối với thịt gà tảng và những phần cắt bỏ như đầu, chân, lòng...

sẽ được bỏ trong vòng 11 năm...

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao, thương mại và phát triển Canada (DFATD) cũng có cái nhìn lạc quan cho hàng nông sản của nước mình vào VN.

Theo đó, VN sẽ giảm ngay lập tức 31% dòng thuế khi TPP có hiệu lực, 67% dòng thuế còn lại sẽ được giảm trong vòng 15 năm.

Theo DFATD, mức thuế quan cao đến 27% mà VN áp dụng đối với các sản phẩm thịt heo tươi và đông lạnh sẽ được bỏ trong vòng chín năm.

Không quyết tâm, khó tận dụng

Nhận định về lộ trình cắt giảm thuế mà VN đạt được trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, cho rằng như vậy là khá ưu ái.

TPP cần có thời gian từ 1,5 - 2 năm cho các thủ tục lời văn, phê chuẩn...

Nếu suôn sẻ, ít nhất đến đầu năm 2018 TPP mới chính thức có hiệu lực, cộng với lộ trình giảm thuế 3 - 8 năm, thậm chí 10 hay 13 năm cho những mặt hàng nhạy cảm, chăn nuôi VN có nhiều thời gian để chuẩn bị cải thiện các điều kiện đối phó với hàng hóa mới từ các nước TPP nhập vào.

“Vấn đề muôn thuở là VN có chịu chuẩn bị hay không? 8 hay 13 năm sẽ không có ý nghĩa gì nếu VN không có quyết tâm thực hiện.

Chúng ta cũng từng có chiến lược hỗ trợ nông nghiệp sau khi gia nhập WTO nhưng rồi không thực hiện đến nơi đến chốn nên sức cạnh tranh này còn yếu” - ông Mười nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những nhượng bộ của VN đối với các lĩnh vực nông nghiệp trong đàm phán TPP cũng chỉ ở mức tương đối cho nên cơ hội phát triển cho ngành này vẫn còn.

“Nông nghiệp chỉ phát triển được nếu có chuỗi cung ứng, liên kết và điều này cần có sự tham gia của Nhà nước.

Nếu không có những sách lược tốt thì cái lợi chủ yếu rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài chứ không phải là đa số dân Việt” - bà Lan nhấn mạnh.

* Ông Phạm Đức Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN):

Cơ hội vẫn còn cho ngành chăn nuôi

Nhiều nước trong TPP là các cường quốc chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, lộ trình giảm thuế các mặt hàng này không áp dụng ngay mà kéo dài 3 - 13 năm nên ngành chăn nuôi trong nước còn cơ hội để thay đổi và cạnh tranh.

Điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi VN là chất lượng con giống và năng suất chăn nuôi.

Chỉ có nâng cao chất lượng con giống bằng cách khuyến khích nhập ngoại giống chất lượng cao thì mới nhanh chóng tăng năng suất chăn nuôi trong nước để giảm giá thành và cạnh tranh với các nước xuất khẩu thuộc khối TPP.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những biện pháp thật cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước như trồng bắp, đậu nành nhằm giảm giá thành và giảm lượng nhập khẩu.


Có thể bạn quan tâm

vu-mia-thang-loi Vụ mía thắng lợi nganh-lua-gao-campuchia-se-sup-do Ngành lúa gạo Campuchia sẽ…