Bò Thịt Là Thượng Sách
Quảng Trị có thế mạnh phát triển đàn bò thịt không chỉ ở quy mô nông hộ nuôi dưới 10 con mà còn phát triển thành trang trại lớn để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Hiện tại nguồn bò thịt ở địa phương này không đủ cung cấp cho thị trường.
Nông dân Nguyễn Văn Bình ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ mua hai con bò thuộc giống bò vàng Việt Nam nuôi đúng 1 năm bán được 30 triệu đ/con. Trừ chi phí ban đầu mua giống 20 triệu đ/con, anh Bình lời 10 triệu đ/con/năm.
Cầm xấp tiền mới toanh trên tay, anh Bình nói phần tiền lời này để mua áo quần, sách vở cho con đi học, phần còn lại sửa sang ngôi nhà bị xiêu vẹo sau bão số 11. Nuôi bò ở vùng này được cán bộ thú y bày cho tiêm, chích ngừa đầy đủ nên rất ít mắc dịch bệnh.
Hiệu quả
Xã Cam Tuyền có rất nhiều người thoát nghèo nhờ nuôi bò. Gia đình ông Trần Viết Luận, thôn Bắc Bình những năm trước nuôi theo lối chăn thả tự nhiên. Hơn 1 năm nay ông chuyển sang nuôi bò nhốt kết hợp với trồng cỏ cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Bò được chăm sóc tốt nên nhanh lớn, béo, vì vậy bán được giá cao. Nuôi bò nhốt cho lợi nhuận cao gấp 2 lần so với thả rông. Mỗi con bò nuôi nhốt thu lãi được ít nhất 10 triệu đ/năm.
Ông Đoàn Ánh Phước, trưởng thôn Bắc Bình cho biết, Trường ĐH Nông lâm Huế phối hợp với Phòng NN-PTNT Cam Lộ tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư cho nông dân trồng cỏ, hỗ trợ 50% lượng thức ăn tinh cho hộ nuôi bò vỗ béo và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò.
Nuôi bò nhốt thâm canh đang trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương của huyện Cam Lộ. Trong tổng gần 100 hộ dân của thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền có đến 70 hộ tham gia mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh với tổng số 240 con, hộ nuôi nhiều nhất là 8 con.
Cam Lộ là một huyện trung du, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thích hợp cho quá trình đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó lợi thế nhất là đồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Từ năm 2006, huyện đã có Nghị quyết đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng đàn gia súc bền vững.
Sau những năm thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, được sự ưu tiên ngân sách đầu tư thực hiện, đến nay mô hình trồng cỏ nuôi bò đã nhanh chóng được nhân rộng với hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện đã có đàn bò trên 14.000 con, trong đó có trên 55% được nuôi nhốt.
Có mẹo mới lời to
Một địa phương khác của tỉnh Quảng Trị nuôi bò rất hiệu quả là huyện Hải Lăng. Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, ông Hồ Đại Nam cho biết huyện đang đầu tư vốn cho nông dân nuôi bò sớm thoát nghèo bằng một đề án phát triển chăn nuôi bò hộ gia đình cụ thể.
Hiện tại ở tỉnh Quảng Trị khan hiếm cả bò thịt và bò giống. Qua phân tích thị trường, ông Nam nói nuôi bò thịt là thượng sách. Bà con nuôi bò theo phương thức nhốt tại chuồng, chuồng trại xây đúng quy cách, theo kích thước, khuôn mẫu được bộ phận kỹ thuật của huyện cung cấp một cách bài bản.
Ông Nam nhấn mạnh chích sách của huyện mỗi hộ gia đình có đủ điều kiện nuôi bò phải nuôi 3 con trở lên mới có lời nhiều. Thiếu vốn huyện tạo điều kiện cho vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư. Với giống bò thì phải giống ngoại, tốt nhất là giống bò Braman của Thái Lan rất phù hợp với khí hậu ở Quảng Trị.
Giống bò này có ưu điểm tầm vóc lớn, khi trưởng thành có con nặng gần 1 tấn, bò tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt rất tốt. Đây là những giống bò ưu việt mà Thái Lan đã nhập về phát triển chăn nuôi từ những năm đầu thế kỷ 20. Ông Nam nói giống bò của Việt Nam quá lạc hậu, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế thấp.
Nuôi bò giống Braman hiệu quả kinh tế rất cao. Bò mẹ rất mắn đẻ. Mỗi năm đẻ mỗi con. Bê mới 6 tháng đã bán được giá 15 triệu đồng. Theo ông Nam khi hộ gia đình nuôi bò nên nuôi bò cái, không nên nuôi bò đực. Khi thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo hiệu quả cao về kinh tế và bảo tồn giống.
Chính sách phát triển chăn nuôi của huyện Hải Lăng từ nay đến năm 2010 là chú trọng nuôi bò thịt để cung cấp cho thị trường. Ông Nam khẳng định được như vậy thì nông dân làm giàu sẽ không khó từ nuôi bò.
DN tiên phong
Với đặc trưng nhanh, nhạy và chiến lược phát triển hiệu quả của doanh nghiệp nên cách nay mấy năm, Cty Thương mại Quảng Trị đã phát triển đàn bò nhập ngoại để cung cấp ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người dân.
Ông Hồ Xuân Hiếu, TGĐ Cty Thương mại Quảng Trị cho biết chương trình lai tạo và phát triển đàn bò của Cty đã mang đến nhiều hy vọng đổi đời cho nông dân. Việc đưa hai giống bò Braman và Chrolaise của Thái Lan về nuôi tại Quảng Trị có kết quả tốt. Trước mắt, Cty sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi bò Thái Lan cho bà con nông dân.
Anh Hoàng Ngọc Thắng ở thôn Tiến Hoà, xã Gio Hoà, huyện Gio Linh cho biết gia đình nuôi thử nghiệm 5 con bò Thái Lan để phát triển kinh tế theo sự hướng dẫn của Cty. Anh Thắng nuôi bằng cách nhốt ở chuồng và cho bò ăn thức ăn truyền thống với giống cỏ ngoài đồng, vật nuôi rất mau lớn.
Bà con ai cũng đến xem và mong muốn được nuôi giống bò Thái Lan, nhất là giống Braman. “Lâu này chúng tôi nuôi bò giống của Việt Nam, tăng trưởng quá chậm nên hiệu quả kinh tế rất thấp”, anh Thắng nói.
Về mặt quy mô hơn, Cty Thương mại Quảng Trị chuẩn bị đưa bò vào chăn nuôi mô hình trên diện tích từ 10 - 20 ha tại huyện Đakrông. Từ mô hình mẫu này sẽ phát triển rộng ra nhiều huyện, làm sao để tăng số lượng đàn bò lai giống Thái Lan trên toàn tỉnh.
Giống bò Thái Lan rất thích hợp với thời tiết và khí hậu ở Quảng Trị. Điều đó được Cty rút ra sau các thử nghiệm thành công tại 2 mô hình nuôi bò tập trung ở miền núi Hướng Hoá. Kết quả này tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi bò giống Thái Lan với quy mô lớn.
Với nuôi bò tập trung, quy mô thì đồng cỏ ở huyện miền núi Hướng Hoá và huyện Đakrông rất phù hợp. Tại các huyện này các đồng cỏ đủ sức cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi bò đàn bò theo mô hình trang trại đến 10.000 con.
Cty Thương mại Quảng Trị đã mời các chuyên gia Isarel vào tư vấn giúp quy hoạch và thâm canh trồng cỏ phát triển nuôi bò thịt. Việc làm này thành công thì hằng năm sẽ cung cấp được một lượng sản phẩm hàng hoá chăn nuôi rất lớn cho thị trường.
Cùng với tăng số lượng đàn bò, Cty sẽ liên doanh với NM đồ hộp ở miền Nam để xây dựng NM chế biến và đóng hộp thịt bò tại Lao Bảo, huyện Hướng Hoá. NM này sẽ được vận hành trên dây chuyền công nghệ tiến tiến của châu Âu để làm cho sản phẩm nông nghiệp từ chăn nuôi không những tiêu thụ tốt ở trong nước, mà còn xuất sang thị trường Lào và Thái Lan...
Biết thông tin này, Cty Vissan (Việt Nam Kỹ nghệ súc sản) ra tận Quảng Trị, nơi có trại chăn nuôi nhân giống bò của Cty để đặt hàng. Trước mắt mỗi ngày Vissan sẽ đặt hàng Cty 50 con bò thịt phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm cho TPHCM song Cty vẫn chưa có đủ hàng để cung cấp.
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Bài cho biết chăn nuôi trâu, bò đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu SX nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu của Quảng Trị phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản lượng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 35% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Việc đưa các giống bò ngoại vào lai cải tiến đàn bò địa phương không những làm tăng năng suất, giá trị kinh tế cao, mà còn tránh được rủi ro trong SX. Hình thành được đàn bò giống thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương. Thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi đã giúp một bộ phận người dân thay đổi phương thức thả rông truyền thống sang chăn nuôi thâm canh, quản lý được tổng đàn, dịch bệnh cũng được quản lý, nhất là các bệnh truyền nhiễm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ