Trồng lúa Bón phân đón đòng hay nuôi đòng?

Bón phân đón đòng hay nuôi đòng?

Tác giả Quang Ngọc, ngày đăng 11/04/2018

Một phóng sự ngắn phát trên VTV Cần Thơ cho thấy hiện vẫn còn khá nhiều người trồng lúa ĐBSCL vẫn hiểu và áp dụng sai kỹ thuật bón phân cho giai đoạn này.

(Diễn giả: PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; TS Hồ Văn Chiến, Trung tâm BVTV phía Nam; KS Ngô Ngọc Mỹ, Cty CP Phân bón Bình Điền)

NHIỀU NÔNG DÂN CHƯA HIỂU ĐÚNG

Một phóng sự ngắn phát trên VTV Cần Thơ cho thấy hiện vẫn còn khá nhiều người trồng lúa ĐBSCL vẫn hiểu và áp dụng sai kỹ thuật bón phân cho giai đoạn này. Ông Nguyễn Văn Đang, huyện Châu Thành, Cần Thơ thì bón phân ở thời điểm 32 ngày sau sạ. Ông Bùi Văn Phu, huyện Châu Thành, Hậu Giang bón vào thời điểm 45 ngày sau sạ; ông Đặng Thanh Sơn thì chia làm 2 lần, lần 1 vào thời điểm 32 ngày sau sạ, lần 2 thì bón vào 45 ngày sau sạ bằng phân NPK 20-20-15.

Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện có đến 15 - 20% người trồng lúa ở ĐBSCL hiểu và vận dụng chưa đúng kỹ thuật bón phân giai đoạn này, tập trung ở 2 dạng, một là bón phân quá sớm vào thời điểm 32 - 35 ngày sau sạ, hai là bón quá dư phân đạm làm cho lúa không đạt năng suất tối đa, nhiều sâu bệnh, lửng lép.

Khảo sát cũng cho thấy, nhiều nông dân nghe theo khuyến cáo không đúng của một số Cty thuốc BVTV là khi lúa trổ sử dụng thuốc BVTV làm cho đòng dài hơn, lá đòng xanh lâu hơn nên năng suất cao hơn. Việc kéo dài đòng bằng thuốc kích thích sẽ không có ý nghĩa vì số hạt, số hạt chắc trên một bông là do quá trình thụ phấn, thụ tinh quyết định, việc sử dụng thuốc kích thích hoặc sử dụng thuốc BVTV có tác dụng kích thích trong giai đoạn mẫn cảm này sẽ gây nhiều bất lợi cho lúa.

NHẮC LẠI KIẾN THỨC CƠ BẢN

Mặc dù TGST và phát triển của cây lúa khác nhau tùy giống nhưng chúng đều có 2 giai đoạn giống nhau, thời gian từ tượng đòng đến trổ là 25 ngày và thời gian từ trổ đến chín cũng kéo dài 25 ngày. Như vậy thời điểm bón phân được xác định bằng cách lấy TGST của cây lúa trừ đi 50 ngày.

Ví dụ với giống lúa 90 ngày thì thời điểm bón sẽ là 90 ngày trừ 50 ngày bằng 40 ngày sau sạ, nếu giống có TGST chỉ 88 ngày (IR 50404) thì thời điểm bón là 38 ngày sau sạ, giống có TGST 95 ngày thì thời điểm bón phân là 43-45 ngày sau sạ.

Nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa ở giai đoạn này có sự thay đổi. Có thể chia thành 3 nhóm tăng, giảm và tiếp tục duy trì. Nhóm tăng gồm có canxi, silic, Bo, mn (trong đó Bo có mức tăng nhiều nhất; Nhóm giảm bao gồm lân, đạm, lưu huỳnh, sắt, đồng; nhóm duy trì là kali).

Về lượng bón: Với đạm, bón hết lượng đạm còn (lần 1 từ 7 - 10 ngày) bón 30%; lần 2 từ 18 - 20 ngày bón 30%, lần 3 này bón nốt 20%. Với lân thì không cần (đã bón hết lượng lân còn lại vào lần 2). Với kali, tiếp tục bón 40% còn lại.

BÓN ĐÓN ĐÒNG HAY NUÔI ĐÒNG?

Có nhiều thuật ngữ “bón đón đòng”, “bón nuôi đòng”, “bón rước đòng”, “bón thúc đòng”. Vậy thuật ngữ nào đúng? Thực ra 2 thuật ngữ đón đòng và rước đòng là một, tương tự nuôi đòng và thúc đòng là một.

Thế nào là bón đón đòng? Có 3 tiêu chí để đưa đến quyết định thời điểm bón phân, một là căn cứ vào số ngày sau sạ tùy giống như đã nói ở trên, hai là căn cứ vào trạng thái đòng, thời điểm bón là lúc đòng (tim đèn) phải tượng được 1 - 3 mm, ba là trạng thái cây lúa, nếu lúa chưa ngả màu vàng tranh thì chưa bón.

Nếu cây lúa hội được 3 điều kiện trên thì bón phân ngay, gọi là bón đón đòng (hay rước đòng).

Nếu cây lúa đã hội tụ được 2 điều kiện nhưng lúa vẫn chưa ngả màu vàng tranh (hoặc gặp mưa dầm) thì cần nán lại 3 - 5 ngày, lúc này đòng đã lú đến 1 cm, mới bón nên gọi là bón nuôi đòng (thúc đòng).

ĐỈNH CAO CỦA NGHỆ THUẬT TRỒNG LÚA

Việc bón phân giai đoạn này quyết định đến năng suất lúa và cũng là khó xác định thời điểm và liều lượng bón nhất.

Để đảm bảo cho cây lúa ngả màu vàng tranh (bậc 3 trong bảng so màu lá lúa) vào thời điểm bón đón đòng thì khi được 32 ngày sau sạ nên tiến hành cắt nước để tạo điều kiện cho cây lúa không đẻ nhánh nữa (vì toàn bộ lúc này các chồi mọc thêm đều vô hiệu), đồng thời việc cắt nước cũng giúp cho lá lúa từ trạng thái nằm ngang sang trạng thái đứng để giúp cây đón được nhiều ánh sáng, quang hợp tốt hơn, ít sâu bệnh hơn.

Nếu sử dụng phân đơn bón đúng thời điểm với 3 điều kiện như ở trên thì dùng 5 kg urea + 5 kg KCl/1.000 m2; Nếu màu lá có màu xanh lợt thì chỉ nên sử dụng 3 kg urea + 5 kg KCl/1.000 m2; Nếu màu lá vẫn xanh tốt (hoặc ở trong rợp) thì chỉ cần bón 5 kg KCl/1.000 m2. Tuy nhiên khi giảm, hoặc không sử dụng phân đạm thì cần xem mã lúa để có thể bón 2 kg urea/1.000 m2 khi lúa bắt đầu cong trái me.

Để chuẩn hóa và thuận tiện cho việc quyết định liều lượng bón phân, Cty Bình Điền đã SX nên bộ sản phẩm chuyên dùng cho lúa là Đầu trâu 999 + TVL và Đầu trâu Agrotain + TE. Công thức của 2 loại phân này gần giống nhau, Đầu trâu 999 có hàm lượng N-20, K-20 và trung vi lượng, còn Đầu trâu Agrotain Lúa 2 + TE chứa 18N, 4 P2O5 và 22 K2O. Phân chuyên dùng Lúa 2 Agrotain + TE là sản phẩm được SX ở thế hệ sau với công nghệ hiện đại hơn. Lượng đạm trong Đầu trâu Agrotain + TE thấp hơn nhưng nhờ có Agrotain nên vẫn giảm được thất thoát, vẫn thỏa mãn cho nhu cầu của cây, đồng thời hàm lượng trung vi lượng lại cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

cac-giong-lua-thai-binh-khang-dinh-tren-dat-binh-dinh Các giống lúa Thái Bình… khao-nghiem-giong-lua-thuan-chat-luong-cao-tu-nhat-ban Khảo nghiệm giống lúa thuần…