Tin thủy sản Brazil - Tham vọng giành thị trường rô phi tại Mỹ

Brazil - Tham vọng giành thị trường rô phi tại Mỹ

Tác giả Tuấn Minh, ngày đăng 13/12/2019

Những hãng sản xuất cá rô phi có tài chính vững mạnh tại Brazil đang mở rộng quy mô cung ứng rô phi đông lạnh và có thể soán ngôi vương của Trung Quốc để trở thành nguồn cung hàng đầu tại thị trường Mỹ.

Sản phẩm cá rô phi của Brazil có nhiều lợi thế cạnh tranh - Ảnh: ST

Hiện đại hóa

Theo Francisco Medeiros, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản PeixeBR tại Brazil, hai ông lớn trong ngành gia cầm Brazil là C.Vale và Copacol đang chi các khoản đầu tư lớn để mở rộng hệ thống chế biến cá rô phi hiện đại, hợp tác với Tập đoàn EW của Đức trong lĩnh vực di truyền học. Ngành cá rô phi của Brazil đang nắm bắt cơ hội trong thời điểm then chốt do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn.

C.Vale, hãng sản xuất thịt heo và gia cầm lớn nhất Brazil đang tiếp tục mở rộng sau khi xây dựng nhà máy chế biến thủy sản lớn nhất Brazil vào năm 2017 với toàn bộ dây chuyền, máy móc chế biến nhập khẩu từ hãng Marel và sử dụng phần lớn rô bốt tự động. Công ty này đã chi 110 triệu USD dành riêng cho dây chuyền chế biến, công suất ước tính 75.000 cá rô phi/ngày; Chủ tịch C.Vale, ông Alfredo Lang cho hay, Công ty đang lên kế hoạch tiếp tục nâng công suất chế biến lên 300.000 cá rô phi/ngày.

Theo Alfredo, cá rô phi của Trung Quốc chiếm ưu thế một phần do lợi thế chi phí nhân công rẻ; nhưng nay, lợi thế này có thể bị đánh bại hoàn toàn khi Bazil đầu tư rô bốt chế biến hiện đại không kém ngành gia cầm, hứa hẹn đạt năng suất và hiệu quả làm việc cao hơn hẳn. Ngành gia cầm trên toàn thế giới đầu tư rất mạnh tay cho dây chuyền chế biến tự động và rô bốt, cắt giảm được rất nhiều chi phí lao động. Tyson Foods đầu tư 215 triệu USD đầu tư máy móc tự động và rô bốt; đồng thời mới xây dựng một trung tâm nghiên cứu tại Arkansas để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) về rô bốt và máy móc. Hãng máy móc công nghệ chế biến Marel của Iceland cũng tăng gấp đôi đầu tư cho phần mềm trong năm qua để nâng cao công năng của rô bốt và kỹ thuật số trong lĩnh vực chế biến thủy, hải sản. Copacol, một hãng gia cầm lớn khác của Brazil với doanh thu hơn 1 tỷ USD cũng đầu tư sản xuất cá rô phi. GeneSeas, một hãng chế biến cá rô phi có tên tuổi tại Brazil cũng vừa mở một nhà máy chế biến mới trong năm nay, nhắm đến thị trường Mỹ.

Ricardo Neukirchner, Tổng Giám đốc của Piscicultura Aquabel, hãng cung cấp cá rô phi giống cho C.Vale, Copacol và GeneSeas cho biết, các hãng gia cầm Brazil đang đánh cược rằng, họ có thể mang “bí kíp” thành công từ thị trường gia cầm để áp dụng vào thị trường cá rô phi. Hiện, Aquabel cũng đang xây dựng một trại sản xuất cá rô phi giống hiện đại nhất thế giới đặt tại phía bắc Brazil.

Tự tin cạnh tranh

Từ trước tới nay, cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc tại thị trường Mỹ vẫn được xem như “bất khả chiến bại”. Nhưng khi Mỹ bắt đầu tăng thuế trả đũa lên 25% vào năm 2019, các hãng nhập khẩu cá rô phi tại Mỹ buộc phải tính đến phương án dài hơi là tìm nguồn cung thay thế rô phi tại châu Á. Ông Medeiros chia sẻ, đây là thời khắc cận kề cuộc chiến cạnh tranh với cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc; cùng đó, các dây chuyền fillet tự động, cùng công nghệ di truyền học đầu tư vào ngành cá rô phi sẽ giúp Brazil nâng cao cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, sức mạnh của cá rô phi Trung Quốc không thể coi thường, cho dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tiếp diễn, sản phẩm này vẫn có khả năng duy trì được vị thế trong điều kiện thị trường đầy rẫy khó khăn như hiện nay. Đồng Nhân dân tệ bị phá giá giúp mặt hàng rô phi của Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn, theo hãng xuất khẩu rô phi lớn nhất Trung Quốc - Tập đoàn thủy sản Baiyang. Tuy vậy, Charles Sun, Phó Giám đốc Baiyang cho biết, công ty này chỉ kỳ vọng xuất khẩu lượng cá rô phi tương tự năm ngoái, khoảng 2.000 container và cũng đang tìm kiếm nguồn hàng khác ngoài cá rô phi như cá tra. Rõ ràng, những xung đột thương mại dai dẳng dường như đang làm lung lay vị thế dẫn đầu của rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Các hãng sản xuất Trung Quốc cũng có lợi thế lớn khi tạo dựng được quan hệ thương mại vững chắc với Walmart và Kroger, hình thành đường cung hàng hóa đáp ứng chính xác các yêu cầu của những kênh bán lẻ tầm cỡ này tại thị trường Mỹ. Nhưng các nhà nhập khẩu và kênh phân phối có tên tuổi tại Mỹ cũng đang bắt đầu đàm phán với những đơn vị cung cấp tiềm năng tại các quốc gia châu Á khác. Đó là tín hiệu cho thấy cá rô phi Trung Quốc dường như đã không còn vị trí độc tôn.

Brazil đang là một đối thủ “mới nổi” của Trung Quốc trong phân khúc cá rô phi đông lạnh, chi phí sản xuất thấp. Các trại nuôi cá rô phi của tập đoàn đa quốc gia Regal Springs đã hoạt động thành công tại Mỹ Latinh. Nhưng hầu hết đầu ra của các trại này được tiêu thụ dưới dạng rô phi tươi sống vận chuyển bằng đường hãng không. Đây là khoảng trống để rô phi đông lạnh của Brazil có cơ hội chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

Không chỉ đánh bại lợi thế chi phí nhân công rẻ tại châu Á, Brazil còn có nhiều lợi thế chiến lược khác để xuất khẩu cá rô phi như sở hữu nguồn nước ngọt lớn nhất thế giới và là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu lớn nhất thế giới. Các hãng sản xuất gia cầm tại Brazil đã bắt đầu tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào, giá rẻ để tạo ra các sản phẩm đạm động vật. Dễ hiểu tại sao Brazil đứng đầu thế giới về xuất khẩu thịt gia cầm và tới đây là tham vọng tương tự với cá rô phi đông lạnh.

Hiện, Brazil đang đứng ở vị trí thứ 4 về sản xuất cá rô phi, chỉ sau Trung Quốc, Ai Cập và Indonesia với sản lượng dự kiến tăng 12,5% trong năm nay, đạt 450.000 tấn. Việc chú trọng nâng cao chất lượng cá giống, nguồn thức ăn giá rẻ và đầu tư mạnh tay cho công nghệ, dây chuyền chế biến, Brazil chắc chắn sẽ trở thành đối thủ đáng gờm với các hãng xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc. 


Có thể bạn quan tâm

huong-lam-giau-tu-ca-dac-san-tai-tuyen-quang Hướng làm giàu từ cá… tuong-lai-cua-nuoi-trong-thuy-san-ben-vung-voi-cong-nghe-va-thuc-tien-hien-dai Tương lai của nuôi trồng…