Tin nông nghiệp Bước tiến dài nâng cao kỹ thuật canh tác lúa

Bước tiến dài nâng cao kỹ thuật canh tác lúa

Tác giả Hữu Đức - Minh Đảm, ngày đăng 15/03/2022

Dự án VnSat hiện rõ kết quả sau quá trình tập huấn nâng cao nhận thức nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác, kết nối chuỗi sản xuất nâng cao giá trị lúa gạo.

HTX Khiết Tâm thực hiện 100% cơ giới hóa khâu gieo cấy. Ảnh: HĐ.

Đồng lúa mới Khiết Tâm

Ở TP Cần Thơ, trong số hơn 20 tổ hợp tác, HTX được củng cố xây dựng tiếp cận hỗ trợ từ Dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), HTX Nông nghiệp Khiết Tâm nổi lên như một hình mẫu phát triển kinh tế tập thể.

HTX Khiết Tâm tại ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có diện tích sản xuất chuyên canh lúa 340 ha, với 40 thành viên. Từ năm 2008, các thành viên trong HTX đã bắt đầu thực hiện chương trình IPM, áp dụng biện pháp kỹ thuật "3 giảm 3 tăng" (3G3T) trong canh tác lúa. Từ 3 năm qua, nhờ có sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, bà con nông dân trong HTX đã có điều kiện áp dụng thêm các kỹ thuật 3G3T và được tấp huấn áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm” (1P5G).

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm cho biết, trước kia, bà con canh tác lúa theo tập quán cũ, sạ lúa rất dày, thường lên tới 200 - 220 kg/ha. Muốn thuyết phục bà con làm theo kỹ thuật mới, sạ thưa, phải có mô hình trình diễn theo kiểu “mắt thấy, tai nghe”. Khi nhận thấy qua 1 - 2 vụ hiệu quả canh tác lúa rõ rệt, một số nông dân đã giảm dần lượng giống lúa gieo sạ còn 150 kg/ha và hiện thời chỉ còn 120 kg/ha đối với sản xuất lúa thương phẩm. Đối với ruộng lúa sản xuất lúa giống, gieo bằng máy cấy, lượng giống hiện đã giảm chỉ còn 60 - 80 kg/ha.

Với sự đồng lòng hợp tác, tất cả thành viên HTX đã quyết tâm sản xuất lúa trên cánh đồng lớn theo hướng nông nghiệp hiện đại. HTX Khiết Tâm đã đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp đạt 100% cho tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, cày bừa, gieo cấy, thiết bị bón phân, phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp... Cho đến khi Dự án VnSAT hoàn tất hỗ trợ thiết bị máy sấy bảo quản lúa sau thu hoạch, nhà kho…, điều kiện sản xuất lúa của HTX hiện tại đã chuyên nghiệp, chủ động sản xuất theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Về mặt hiệu quả trong quá trình canh tác ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, năng suất vụ đông xuân đạt đỉnh ổn định 7 - 8 tấn/ha (lúa khô). Song, lợi ích lớn hơn nhiều chính là lúa ít sâu bệnh. Nông dân ít sử dụng phân bón, thuốc BVTV nên giảm được 15% chi phí. Qua đó niềm tin về môi trường đang dần được hồi phục.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn kể: Từ những năm 2000 đến năm 2016, đồng ruộng trồng lúa thâm canh tăng vụ, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhiều nên con cá con cua đồng không còn. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, cua đồng bắt đầu sinh sôi rất nhiều, chứng tỏ môi trường ruộng lúa đang tốt dần lên.

Hiện HTX Khiết Tâm sản xuất lúa thương phẩm theo hợp đồng liên kết tiêu thụ với Doanh nghiệp Ngọc Quang Phát, mỗi năm bán 5.000 - 6.000 tấn lúa. HTX còn sản xuất, cung ứng lúa giống xác nhận theo tiêu chuẩn, mức cung ứng mỗi năm khoảng 3.000 tấn.

Phủ dần các tiến bộ kỹ thuật

Dự án VnSAT được thực hiện tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa ngoại thành TP Cần Thơ là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai và quận Thốt Nốt, với tổng diện tích trên 38.860 ha và 32.231 hộ nông dân tham gia. Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ nông dân ứng dụng các giải pháp kỹ thuật.

Kết quả, có 75% diện tích trong vùng Dự án áp dụng kỹ thuật 3G3T và 50% diện tích áp dụng kỹ thuật 1P5G. Bên cạnh việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, canh tác lúa theo các quy trình này đã giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV.

Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT TP Cần Thơ, tính đến vụ hè thu 2020, Dự án đã thực hiện được 557 lớp tập huấn 3G3T với tổng số 22.435 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích gần 30.0000 ha; đào tạo kỹ thuật 1P5G được 364 lớp tập huấn với tổng số trên 13.680 hộ nông dân tham dự, tổng diện tích hơn 17.840 ha. Dự án đã thực hiện 241 điểm trình diễn diện hẹp và diện rộng về kỹ thuật 3G3T và 1P5G cho nông dân tham quan học tập và thực hành.

Từ năm 2015 - 2020, mật độ sạ đã giảm từ 146 kg/ha xuống còn 115 kg/ha, tỉ lệ giảm giống đạt 21,2% và thấp hơn vùng ngoài Dự án trung bình khoảng 15,5%. Phần lớn nông dân trong vùng Dự án đã nhận thức được lợi ích của việc giảm mật độ sạ hợp lý đối với việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên chiếm trên 80% và tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao ngày càng tăng. Điển hình vụ đông xuân các năm từ 2015 - 2017, tỉ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 81% diện tích canh tác và tăng dần đến năm 2020 là 90%. Hiện nay, tỷ lệ diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ đạt 15%, diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc (bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh…) là 50% và 100% diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch.

Việc sử dụng phân bón trong Dự án có xu hướng giảm dần. Vụ đông xuân từ năm 2015 - 2020, lượng phân N sử dụng cao nhất trong năm 2016 với mức 105 kg/ha, vượt hơn 5 - 10 kg so với khuyến cáo (90 - 100 kg/ha). Tuy nhiên đến năm 2020, lượng N sử dụng còn 90 kg/ha, giảm 10%. Mặt khác, hiện thời nông dân đã tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, giảm dần lượng phân vô cơ, nhất là phân N giảm khoảng 5 - 10% so với trước đây.

Cùng lúc, số lần phun thuốc trừ sâu trung bình từ 1 - 2 lần/vụ, giảm từ 2 lần/vụ (năm 2015) xuống còn 1 lần/vụ (năm 2020), giảm 50% so với trước khi triển khai Dự án do khuyến cáo nông dân không phun thuốc từ sâu trong 40 ngày đầu sau sạ và tuân thủ quy tắc "4 đúng" khi phun thuốc.

Từ năm 2015 trở về trước, số lần bơm nước từ 7 - 8 lần/vụ. Từ năm 2016 đến nay, nông dân canh tác trong vùng dự án có số lần bơm nước giảm 5 lần/vụ (giảm được 2 lần/vụ so với năm 2015), duy trì 5 lần/vụ trong 4 năm gần đây. Qua đó cho thấy nông dân khi tiếp cận được phương pháp tưới “ngập - khô xen kẽ”, đã tìm được giải pháp giúp giảm chi phí nhiên liệu và công lao động bơm tưới.

Trong những năm gần đây, năng suất vụ đông xuân nhìn chung được duy trì rất ổn định, đối với vùng Dự án đạt từ 6,7 - 7,7 tấn/ha, cao hơn ngoài vùng Dự án trung bình 0,6 tấn/ha. Giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2020 là 2.165 đồng/kg, giảm 162 đồng/kg (trong dự án), giảm 131 đồng/kg so với bình quân 5 năm gần nhất.

Tỷ lệ lợi nhuận trong vùng Dự án so với ngoài Dự án tăng từ 28 - 43%. Lợi nhuận tăng do nông dân trong Dự án sử dụng giống chất lượng cao (Jasmine 85, OM 5451…) nên giá bán lúa cao, trong khi các vùng ngoài Dự án nông dân sử dụng giống chất lượng cao không nhiều, chi phí sản xuất cũng cao hơn do ít áp dụng áp dụng kỹ thuật 3G3T và 1P5G.

Thông qua Dự án VnSAT, TP Cần Thơ đã xây dựng và phát triển 31 Tổ chức nông dân/HTX. Trong đó có 16 HTX tham gia liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, chiếm 40% diện tích. Đã có 21/31 tổ chức nông dân có tổ nhân giống với tổng diện tích 440 ha/năm, năng lực cung ứng trên 6.000 tấn lúa giống chất lượng cao: Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9; Jassmine 85… Các HTX còn mở rộng các dịch vụ như dịch vụ sản xuất trồng trọt (làm đất, sạ lúa, bơm tưới…), các dịch vụ sau thu hoạch (gặt liên hợp, xay xát, thu mua, tiêu thụ nông sản) và kinh doanh vật tư nông nghiệp.


Có thể bạn quan tâm

hang-loat-cong-nghe-moi-ho-tro-nganh-dau-tay Hàng loạt công nghệ mới… chia-khoa-giam-gia-thanh-san-xuat-lua-o-dbscl Chìa khóa giảm giá thành…