Tin nông nghiệp Bưởi da xanh vượt qua đại dịch

Bưởi da xanh vượt qua đại dịch

Tác giả MInh Đảm - Hữu Đức, ngày đăng 26/06/2021

Nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bưởi da xanh, Tổ hợp tác Bưởi da xanh Hiệp Lợi cũng như nhiều HTX khác ở Bến Tre vững vàng trước đại dịch Covid-19.

Ông Vương Thành Công, Tổ hợp tác Bưởi da xanh Hiệp Lợi cho biết, cơ sở Hương Miền Tây vẫn thu mua bưởi đều đặn trong đại dịch. Ảnh: Minh Đảm.

Vững vàng trước làn sóng Covid-19

Hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết thị trường tiêu thụ của các mặt hàng nông sản. Trong đó, thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.

Tại Bến Tre, diện tích bưởi da xanh khoảng 8.000ha. Thị trường tiêu thụ bưởi da xanh chủ yếu vẫn là Trung Quốc, đang gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của các tổ hợp tác, HTX liên kết với cơ sở Hương Miền Tây (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) vẫn đứng vững giữa tâm bão của đại dịch.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre chia sẻ: Bến Tre có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên trái bưởi da xanh. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình an toàn được chứng nhận đã giúp bà con trồng bưởi vững vàng giữa đại dịch.

Riêng cơ sở Hương Miền Tây đang ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh với 30 tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre với diện tích bao tiêu khoảng 300ha. Giữa đại dịch khó khăn, cơ sở này vẫn giữ đúng cam kết với người dân thu mua toàn bộ sản phẩm, không để tình trạng nông dân không bán được hàng.

Chúng tôi tìm đến Tổ hợp tác Bưởi da xanh Hiệp Lợi ở ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Bến Tre) để tìm hiểu về mô hình trồng bưởi sạch của bà con nơi đây. Theo chia sẻ của bà con, trước đây, nông dân trồng bưởi chủ yếu theo phong trào.

Nhận thấy việc mua bán với thương lái còn nhiều điểm bất cập, khó khăn như giá cả bấp bênh, được mùa mất giá, việc thu mua thường xuyên gián đoạn vào những lúc thừa hàng dội chợ cho nên bà con trồng bưởi đã liên kết với nhau hình thành nên Tổ hợp tác Bưởi da xanh Hiệp Lợi, năm 2016.

Từ khi Tổ hợp tác ra đời, bà con được hướng dẫn xuất theo quy trình chuyên nghiệp, đầu ra sản phẩm ổn định hơn khiến ai nấy vui mừng, phấn khởi an tâm sản xuất.

Bà Trần Thị Mừng ở ấp Hòa Thanh có 8 công (8.000m2) bưởi da xanh. Bà Mừng tham gia Tổ hợp tác ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Quá trình tham gia, bà được các ngành chức năng tập huấn trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm được bao tiêu hết. Hơn hết, thấy được lợi ích của sản xuất an toàn, bà đã tiếp cận tiêu chuẩn sản xuất khó hơn là GlobalGAP. Mới đây, diện tích 8 công bưởi của bà Mừng đã được chứng nhận GlobalGAP.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng bà Mừng đều đặn thu hoạch hơn 1 tấn bưởi. Lần thu hoạch gần đây nhất, bà bán được bưởi loại 1 xuất khẩu với giá 35.000 đồng/kg, trong khi đó, bưởi loại 1 bán cho thương lái ngoài thị trường tự do chỉ được 25.000 đồng/kg.

Bà Trần Thị Mừng phấn khởi cho biết: Trước đây, bà con sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy trình nên đầu ra rất bấp bênh. Nay nhờ liên kết lại thành tổ hợp tác, diện tích, sản lượng lớn nên được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất. Bà con còn có người đại diện tiếng nói để đàm phán ký kết hợp đồng sản xuất với doanh nghiệp, sản xuất theo yêu cầu của thị trường và được thu mua hết. Mấy năm nay, cơ sở Hương Miền Tây vẫn mua hàng của tổ hợp tác đều đặn, bất kể dịch Covid-19.

Ông Vương Thành Công, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết thêm: Mỗi năm, tổ hợp tác ký hợp đồng với cơ sở Hương Miền Tây một lần. Nhờ có ký hợp đồng nên ở bất kỳ thời điểm nào có hàng, công ty cũng thu mua hết, không bỏ bà con tự bơi.

Công ty giữ đúng cam kết nên thành viên rất yên tâm sản xuất. Đến nay, Tổ hợp tác Bưởi da xanh Hiệp Lợi đã thu hút được 76 thành viên tham gia với diện tích trên 33ha. Bình quân, mỗi ha hàng năm thu hoạch khoảng 15 tấn bưởi.

Tất cả diện tích bưởi đều được canh tác theo quy trình VietGAP. Đáng chú ý, diện tích bưởi của hộ ông Vương Thành Công và bà Trần Thị Mừng đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Theo ông Vương Thành Công, từ ngày làm VietGAP và GloabalGAP, 1ha bưởi da xanh của gia đình không bao giờ chịu cảnh ế. Ông Vương Thành Công còn cho biết sản xuất theo GlobalGAP có rất nhiều lợi ích, nhất là sức khỏe do ông không phải tiếp xúc nhiều với thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, ông Công còn chú trọng bón phân hữu cơ, nuôi kiến vàng để phòng trừ sâu bệnh hại. Có sử dụng thuốc BVTV, cũng lựa chọn loại sinh học thân thiện với môi trường. Gần nửa năm nay, vườn ông không còn sử dụng thuốc BVTV nhưng bưởi vẫn đẹp và năng suất rất ổn định.

"Năm rồi bị ảnh hưởng mặn nên năm nay năng suất bưởi có giảm, chứ bình quân mỗi năm 1ha tôi thu hoạch 20 tấn bưởi là bình thường. Mấy hộ khác có người năng suất cao hơn nữa. Như năm nay, mỗi tháng vườn tôi thu được khoảng 1 tấn bưởi, bán cho cơ sở Hương Miền Tây hết”, ông Công phấn khởi.

Kinh tế hợp tác: Chưa biết đi cũng phải tập đi

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là giá cước vận tải tăng lên gấp đôi, gấp ba. Bên cạnh đó, vấn đề đi lại khó khăn. Tuy nhiên, mặt hàng bưởi da xanh những năm qua sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vẫn được tiêu thụ khá ổn định, dù giá cả có giảm đôi chút so với trước khi dịch bệnh xảy ra.

Hiện nay, giá bưởi an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được cơ sở thu mua từ 33.000 - 35.000 đồng/kg. Những loại khác, cơ sở vẫn thu mua hết cho bà con. Do dịch bệnh khó khăn, sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với trước nhưng cơ sở vẫn thu mua đều đặn cho bà con.

"Chúng tôi đã ký giá sàn thu mua cho bà con, dù thị trường có thấp chúng tôi vẫn đảm bảo quyền lợi cho bà con khi tham gia vào tổ hợp tác. Chúng tôi sẽ ưu tiên thu mua sản phẩm ở những vùng nguyên liệu đã ký kết. Những lúc khó khăn như thế này, mình càng giữ đúng cam kết với nhà vườn sự hợp tác mới bền vững”, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây khẳng định.

Cũng theo ông Hưng, trước đây, khi thị trường tiêu thụ bưởi da xanh sôi động, nông dân vẫn chưa chịu sản xuất theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, làm tiêu chuẩn sạch. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn, cơ sở Hương Miền Tây đã sớm chuẩn bị vùng nguyên liệu cho mình.

Hiện tại, trước ảnh hưởng của làn sóng Covid-19, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh của cơ sở Hương Miền Tây với nông dân đã chứng minh được hiệu quả. Nông sản tham gia chuỗi liên kết được tiêu thụ ổn định, nông dân vững vàng, được đảm bảo quyền lợi.

“Hướng của mình đi là quy mô lớn, do đó nông dân phải vào HTX, tổ hợp tác, áp dụng quy trình sản xuất an toàn sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn để tham gia vào thị trường. Nếu chúng ta cứ canh tác nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất tự do không có tiêu chuẩn sản phẩm thì tới một lúc nào đó cung vượt cầu thì mình chết trước. Đây là điều tất yếu. Vì thế, kinh tế hợp tác là con đường chúng ta phải đi, chưa biết đi cũng phải tập đi chứ không còn con đường nào khác".

(Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây)


Có thể bạn quan tâm

lap-ban-do-nong-nghiep-de-dinh-huong-phat-trien-khoai-lang Lập bản đồ nông nghiệp… quy-trinh-chan-nuoi-dac-biet-o-trang-trai-bo-sua-huu-co-chuan-chau-au Quy trình chăn nuôi đặc…