Mô hình kinh tế Cá chết, người dân lao đao

Cá chết, người dân lao đao

Ngày đăng 06/10/2015

Cá chết nổi đầy hồ

Mấy ngày này, người dân thôn Triều Thủy, xã Phú An vô cùng xót xa và bức xúc trước cảnh cá nuôi chết hàng loạt.

Nguyên nhân ban đầu được người dân xác định là do việc xả nước từ đồng ruộng ra hệ thống ao hồ gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết. Người dân kéo đến trụ sở UBND xã Phú An để khiếu kiện.

Hộ ông Nguyễn Dưỡng nuôi diện tích 4 ha cá nước lợ (nhiều nhất toàn xã) gần như chết hoàn toàn, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. “Bức xúc quá nên tôi và bà con kéo đến UBND xã khiếu nại, nhưng chẳng giải quyết được việc gì.

Lãnh đạo xã bảo rằng nước trong đồng ruộng cao quá, lại bị nhiễm mặn nên phải xả là bất đắc dĩ”.

Ông Dưỡng chia sẻ: “4 ha nuôi cá kình, cá dìa, gia đình tôi bỏ ra chi phí từ mua con giống đến thức ăn, xử lý môi trường… hết cả trăm triệu đồng.

Nếu cá không bị chết ước thu khoảng 150 triệu đồng. Bây giờ thì thiệt hại “cả chì lẫn chài”. Đời sống gia đình sắp đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không biết xoay xở như thế nào để có tiền tái đầu tư vụ sau”.

Hộ Nguyễn Văn Bảy nuôi 1 ha cũng lâm vào cảnh tương tự. Cả chục năm nay, nhờ nuôi cá giúp gia đình ông thoát được nghèo; trong khi đang nuôi hy vọng vươn lên khá giả thì lại lâm vào cảnh lao đao vì cá chết.

“Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho dân ổn định cuộc sống, có điều kiện đầu tư nuôi vụ sau”- đó là nguyện vọng của ông Bảy, cũng như nhiều hộ dân.

Cùng cảnh với ông Dưỡng, ông Bảy còn có đến 50 hộ tại thôn Triều Thủy đều lâm vào cảnh khốn khó vì cá chết hàng loạt.

Một số hộ khi cá chết lai rai đã thu hoạch kịp thời nên hạn chế thiệt hại, còn các hộ khác đến khi cá chết gần hết mới thu hoạch bán làm thức ăn gia súc thì bị thiệt hại nặng.

Phản ánh của người dân, hầu hết các hộ nuôi cá với diện tích khoảng 100 ha đều bị chết, hộ thiệt hại thấp nhất cũng đến vài chục triệu đồng, hộ thiệt hại cao đến 100 - 150 triệu đồng…

Nuôi cá nước lợ là nghề chủ yếu đối với khoảng 50 hộ dân ở thôn Triều Thủy. Vậy nên, việc thiệt hại lớn do cá chết khiến đời sống của người dân chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Dưỡng cho biết, thông thường các năm, trước khi xả nước trong đồng ruộng ra đầm phá, chính quyền địa phương thông báo đến với các hộ dân để có biện pháp theo dõi thủy sản, có thể thu hoạch tránh thiệt hại.

Nhưng lần này thì chính quyền địa phương không thông báo, khi có cá chết bà con mới biết do bị xả nước từ đồng ruộng.

Trong khi đó, xã cũng đã thống nhất và hứa với người dân sẽ không xả nước đồng ruộng ra đầm phá khi đang nuôi trồng thủy sản, bởi trong đồng ruộng có rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón gây ô nhiễm môi trường nguồn nước...

Theo ông Dưỡng, việc xả nước đồng ruộng thời điểm này là không hợp lý, bởi vụ hè thu đã thu hoạch xong, trong khi đó nhiều diện tích ao hồ vẫn đang tiếp tục nuôi trồng thủy sản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, có thể việc xả nước trong đồng ruộng là nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.

Việc xả nước là bất đắc dĩ, do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua nên nước trong đồng ruộng bị nhiễm mặn, mực nước lại khá cao có nguy cơ vỡ đê… Qua kiểm tra, từ khi xả nước thì cá bắt đầu chết và kéo dài cho đến nay.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là suy đoán ban đầu, còn nguyên nhân cụ thể thì chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra mới đưa ra kết luận chính thức. Về nguyên nhân không thông báo đến các hộ dân kịp thời, lãnh đạo xã Phú An cho biết là do hệ thống truyền thanh của xã bị “sự cố”, cán bộ thôn, xã không thể đến tận từng hộ để thông báo (!?).

Về phía Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng cho rằng, có thể nhiều nguyên nhân dẫn đến cá chết, đang thời điểm chuyển mùa, môi trường thay đổi đột ngột, diễn biến phức tạp.

Nhưng qua kiểm tra ban đầu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cá chết là do việc xả nước trong đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường nguồn nước trong các ao nuôi.

Chi cục đang tiếp tục theo dõi, kiểm tra nguyên nhân để đưa ra kết luận chính thức trong thời gian sớm nhất.

Trong khi chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, người dân thôn Triều Thủy vẫn vô cùng lo lắng, có chung nguyện vọng sớm được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, có điều kiện tái đầu tư vụ sau.


Có thể bạn quan tâm

chuyen-con-ca-nuoc-ngot Chuyện con cá nước ngọt cap-ung-104-ty-dong-cho-26-xa-dang-ky-dat-chuan-nong-thon-moi-2015 Cấp ứng 104 tỷ đồng…