Cà mau nức tiếng vựa tôm
"Năm 2018, tổng sản lượng tôm của Cà Mau đạt 550.000 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Theo đề án tôm Cà Mau, đến năm 2020 sản lượng tôm đạt 230.000 tấn, xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; năm 2025 sản lượng đạt 320.000 tấn, xuất khẩu 2,5 tỷ USD; năm 2030, sản lượng đạt 400.000 tấn, xuất khẩu 3 tỷ USD."
Điều kiện tự nhiên đã ban tặng cho Cà Mau một lợi thế lớn trong việc phát triển các mô hình kinh tế thủy sản, nhất là nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh mà không có nơi nào trong cả nước có được. Các mô hình trên được các nhà khoa học, ngành nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật, cách làm mới, từ đó con tôm Cà Mau ngày càng phát triển ổn định về diện tích, năng suất, đáp ứng tốt nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.
Cà Mau có nhiều lợi thế nuôi tôm sinh thái. Ảnh: Huỳnh Lâm
Con tôm vượt vũ môn
Với đa dạng loại hình nuôi, có thể nói con tôm sú và tôm thẻ chân trắng đang phát triển ngày càng ổn định trên đồng đất Cà Mau. Trong đó, các các loại hình có thế mạnh như tôm - rừng trên 80.000 ha, diện tích đã xây dựng liên kết vùng nuôi, có chứng nhận gần 20.000 ha. Loại hình này đang được các ngành chuyên môn, khoa học triển khai thực hiện nhiều mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật, đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị, đời sống của người dân dưới tán rừng khởi sắc hơn.
Ở loại hình tôm - lúa, năm 2018, phát triển trên 40.000 ha, năng suất, sản lượng tăng lên với cả con tôm và cây lúa. Đặc biệt, tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh do hiệu quả, thu nhập ổn định của loại hình này. Từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình như sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo ao nuôi, thiết kế ao gièo (ao ương) kết hợp ao thả nuôi; đặc biệt năm 2018 loại hình này được nâng tầm lên mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tôm - lúa hữu cơ. Đó cũng là một lợi thế của Cà Mau hiện nay bởi năng suất khá, phát triển bền vững với diện tích 135.000 ha, năng suất bình quân gần 600 kg/ha.
Loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh vẫn là thế mạnh được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện các biện pháp để phát triển một cách bền vững và ổn định. Từ khoảng 100 ha nuôi tôm siêu thâm canh vào cuối năm 2016, hiện toàn tỉnh đã tăng lên 2.072 ha với hơn 1.982 hộ nuôi, đóng góp khoảng 20% sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi thủy sản đạt gần 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,2 tỷ USD. Theo dự báo, loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, có khả năng đạt 5.000 ha vào năm 2020 và 10.000 ha vào năm 2030.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng: “Nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau thời gian qua phát triển rất nhanh. Riêng năm 2018, diện tích ở loại hình này tăng trên 1.000 ha. Do mang lại lợi luận rất lớn, tỷ lệ thành công cao, chính vì vậy tỉnh rất quan tâm chỉ đạo phát triển loại hình nuôi này trong thời gian tới”.
Phát triển có trọng tâm
Mặc dù năm qua Cà Mau chưa được hỗ trợ nguồn vốn từ Đề án tôm của Trung ương nhưng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Đó là bước đệm để tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phát triển ngành tôm trong những năm tiếp theo. Nhất là chú trọng phát triển loại hình tôm sinh thái, tôm hữu cơ, kể cả tôm - rừng và tôm - lúa. Đồng thời tập trung phát triển mạnh mô hình tôm quảng canh cải tiến để đạt mục tiêu 140.000 - 145.000 ha.
Ông Châu Công Bằng cho biết: “Để đạt được kế hoạch cũng như năng suất đã đề ra thì ngành đang tập trung cho tất cả các dự án ưu tiên quy trình kỹ thuật, mô hình sản xuất có hiệu quả một cách có trọng tâm, trọng điểm, chọn lọc những mô hình phù hợp với từng vùng, năng lực của người dân để phát huy hiệu qủa cao nhất”.
Riêng loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh phát triển có chọn lọc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin, xử lý giám sát dịch bệnh môi trường vùng nuôi. Bên cạnh đó, ngành không chú trọng phát triển mạnh về diện tích mà là năng suất, chất lượng và sự bền vững của mô hình. Đồng thời, sẽ mạnh tay đối với những hộ nuôi nằm ngoài quy hoạch, thực hiện không đúng quy định, quy trình kỹ thuật nuôi.
Hiệu quả bước đầu từ nuôi tôm theo chuỗi liên kết giá trị được xem là hình mẫu của loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh hiện nay. Loại hình này giúp nông dân giải quyết được bài toán về vốn, giá vật tư đầu vào đến việc đầu ra được doanh nghiệp chế biến thu mua với giá ổn định. Từ đó, mang lại lợi nhuận cao, ổn định năng suất và góp phần hạn chế dịch bệnh, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định bền vững.
Ông Châu Công Bằng nhấn mạnh: “Ngoài quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào đối với ngành nuôi trồng thì đầu ra cũng được tăng cường quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hướng dẫn công tác khuyến ngư chuyển giao kỹ thuật cho người dân, đặc biệt công nghệ mới, công nghệ 4.0 trong nuôi tôm. Đây là đòn bẩy rất quan trọng trong việc tăng tốc của ngành để đạt sản lượng như đề án đã đặt ra”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ