Cà phê tăng giá, giảm lượng găm hàng sẽ thiệt hại
Giá tăng cao nhất trong gần 1 năm qua
Ipsard cho biết, hiện nay tại Đăk Lăk - tỉnh sản xuất cà phê hàng đầu Việt Nam, giá cà phê đã tăng lên 37,3 – 37,8 triệu VNĐ/tấn (tương đương 1.670 – 1.692 USD/tấn) trong ngày 9.6, từ mức 36 – 36,2 triệu VNĐ/tấn trong tuần trước. Theo dữ liệu của Reuters, ở mức giá 37,8 triệu VNĐ/tấn, đây là mức giá cao nhất kể từ 19.8.2015.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết, theo quy luật của những năm trước, do mùa vụ của Việt Nam đã kết thúc, có thể giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết khô hạn hiện nay, có thể giá sẽ tăng đột biến, nhưng phải tùy thuộc vào các nước sản xuất cà phê khác cho đến khi vụ thu hoạch cà phê tiếp theo của Việt Nam vào tháng 10.
Giá cà phê nội địa tăng cũng một phần do tác động của thị trường cà phê thế giới. Thị trường cà phê thế giới hiện nay dù đang diễn biến khá phức tạp nhưng tính đến thời điểm này, so với đầu năm 2016, giá cà phê đang tăng lên. Theo số liệu của Ipsard thu thập được, giá cà phê và Robusta trên thế giới có xu hướng ngược nhau trong tháng 4, giá cà phê Arabica giảm xuống sau khi tăng vào tháng 3, trong khi cà phê Robusta tăng với mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 11.2015. Giá cà phê đang có xu hướng tăng lên trong tháng 5 và hiện nay vẫn tiếp tục tăng. Giá cà phê Robusta tháng 5 tăng 4,7% so với tháng 4.
Nhận thấy tình hình tăng giá ngày càng cao, các hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên đang muốn giữ hàng để đợi giá tăng mạnh mới bán. Theo đánh giá của Ipsard, đây là việc làm không khôn ngoan và những ai muốn “găm” hàng sẽ có thể nhận hậu quả ngoài mong muốn. Kinh nghiệm trữ hàng của năm 2014-2015 cho thấy, nếu Việt Nam chỉ trữ hàng trong khi các đối thủ bán hàng, Việt Nam sẽ thất bại. Do đó, trong tình hình thị trường hiện nay, việc trữ hàng cà phê đợi tăng giá mới bán phải có sự quan sát, phân tích thị trường thế giới và đối thủ. Thị trường cà phê rất phức tạp do tính chất có thể tồn trữ hàng, nếu không nhạy bén trong việc tồn trữ và xuất hàng thì lợi nhuận của người trồng cà phê có thể sẽ không như mong muốn.
Giảm sản lượng là khó tránh khỏi
Đánh giá tình hình sản xuất cà phê niên vụ 2016-2017 tại Việt Nam, Ipsard nhận định sản lượng sẽ giảm. Nguyên nhân chính là do tình hình hạn hán nghiêm trọng và thời tiết bất thường diễn ra trong năm nay tại khu vực Tây Nguyên. Thời gian vừa qua, thời tiết khô hạn kéo dài được coi là tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ gần đây tại vùng Tây Nguyên đã ảnh hưởng tới sản xuất. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, tới 40.000ha bị hư hỏng. Hạn hán có thể khiến sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 có nguy cơ giảm mạnh. Dự kiến năm 2016 Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với 2015.
Không chỉ riêng Việt Nam, các nước khác cũng chịu chung số phận bởi sự tác động của hiện tượng thời tiết El Nino như Colombia, Indonesia, Brazil. Sản lượng cà phê của Brazil có xu hướng giảm, niên vụ đầu năm 2015-2016, Brazil xuất khẩu cà phê giảm nhẹ chỉ còn 36,5 triệu bao so với 36,9 triệu bao của vụ trước. Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Indonesia (AICE) ước tính sản lượng cà phê năm 2015 của nước này đạt 11,3 triệu bao. Theo USDA, sản lượng cà phê Indonesia niên vụ 2016-17 được dự đoán giảm 15% so với niên vụ trước, xuống còn 10 triệu bao, trong khi xuất khẩu có thể giảm 18% xuống còn 7,9 triệu bao.
Đối với cà phê Việt Nam hiện nay, đây là thời điểm bắt đầu sang vụ mới, vụ cũ đã kết thúc do đó lượng cà phê giao dịch và bán hiện nay là tồn kho và là cà phê có chất lượng không tốt. Trong khi đó Indonesia đang là thời điểm gối vụ tháng 3 tháng 4. Ipsard nhận định tình hình giá cà phê thế giới hiện nay đang có những diễn biến rất phức tạp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ