Tin thủy sản Cá tra Việt Nam tại Mỹ: 1 năm với 2 hàng rào xuất khẩu

Cá tra Việt Nam tại Mỹ: 1 năm với 2 hàng rào xuất khẩu

Tác giả Nam Phương - Tạ Hà, ngày đăng 16/01/2018

11 tháng đầu năm 2017, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 319,7 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, liên tiếp kể từ tháng 8/2017 sau khi chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ chính thức thi hành, giá trị XK cá tra sang thị trường này giảm.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 319,7 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2017

Mức giảm mạnh nhất vào tháng 8 và  tháng 9/2017, trong đó, trong tháng 8, giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước, tháng 9/2017 tiếp tục giảm 41,2% giá trị XK sang thị trường này. Sau đó, mức sụt giảm âm có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên, với tổng số 62 DN đăng ký XK cá tra sang Mỹ, thực tế chưa tới 10 DN tham gia XK và chỉ có 3 DN XK với giá trị đáng kể.

Thời gian qua, rào cản thương mại và kỹ thuật khiến việc tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này chậm lại thậm chí có khuynh hướng sụt giảm trong thời gian gần đây.

Kết quả thuế chống bán phá giá của các đợt xem xét hành chính gần đây đều ở mức cao. Cụ thể là kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 cao gấp 3 lần kết quả thuế của đợt xem xét hành chính lần thứ 12 và thậm chí tương đương với mức thuế xuất toàn quốc, khiến số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vào thị trường này ngày càng giảm.

Một số ít doanh nghiệp có được mức thuế suất thấp thì lại phải đối mặt với rào cản kỹ thuật là chương trình Farm Bill. Kể từ từ ngày 2/8/2017, FSIS đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra xuất khẩu vào Mỹ tại các I-house. Việc kiểm tra các lô hàng của FSIS khiến cho hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ của các doanh nghiệp gặp khó khăn do phát sinh chi phí và thời gian cho việc tái kiểm tra tại Mỹ.

Hiện tại chương trình thanh tra cá da trơn đã được thực thi hoàn toàn kể từ ngày 1/9/2017. Về phía cơ quan thẩm quyền Việt Nam, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đang trả lời bổ sung các câu trả lời trong SRT theo yêu cầu của FSIS. Dự kiến FSIS sẽ hoàn tất việc xem xét SRT trước ngày 01/01/2018.

Sau khi hoàn tất việc xem xét SRT, FSIS sẽ tiến hành kiểm tra tại hiện trường (audit) tức là tới các nhà máy cá tra nhưng không phải kiểm tra nhà máy mà là kiểm tra các thanh tra viên tới làm việc tại nhà máy và kiểm tra quy trình kiểm soát đã được NAFIQAD cung cấp trong SRT có được thực hiện đúng không.

Ngày 01/3/2018 là thời hạn cuối để NAFIQAD đưa ra lịch đi kiểm tra tại hiện trường, điều đó có nghĩa, việc kiểm tra tại hiện trường sẽ được tiến hành sau ngày 01/3/2018, đây cũng là bước thứ 2 của quá trình xem xét tương đồng.

Sau khi hoàn tất việc kiểm tra tại hiện trường, FSIS sẽ đưa ra bảng báo cáo về kết quả kiểm tra. Nếu việc kiểm tra được thực hiện suôn sẻ, FSIS sẽ soạn thảo một qui định cuối cùng (final rule).  Lịch trình cho việc soạn thảo qui định cuối cùng FSIS không có vì nằm ngoài việc kiểm soát của FSIS.

Việc soạn thảo quy định này cần có thời gian và sau khi soạn thảo xong qui định này phải được đăng trên tờ đăng kiểm liên bang để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong vòng 60 ngày.

Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến xem như việc soạn thảo quy định này được hoàn tất và FSIS sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Nếu quy định ban hành, tên quốc gia sẽ được đăng trên đăng kiểm liên bang tức là được công nhận tương đương và được phép xuất khẩu vào Mỹ. Theo FSIS, Việt Nam rất gần với việc hoàn tất bảng SRT và Việt Nam là nước trả lời bảng SRT tốt nhất. Sản phẩm cá tra là sản phẩm duy nhất vẫn được xuất khẩu trong quá trình xem xét tương đương.


Có thể bạn quan tâm

trung-quoc-nganh-dich-vu-an-uong-chon-ca-tra-viet-nam-hon-ca-ro-phi-trong-nuoc Trung Quốc: Ngành dịch vụ… huong-nuoi-tom-tram-nuoi-tram-thang Hướng nuôi tôm 'trăm nuôi…