Cà phê Các biện pháp khắc phục hậu quả sương muối gây hại trên cà phê

Các biện pháp khắc phục hậu quả sương muối gây hại trên cà phê

Tác giả Văn Thọ - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, ngày đăng 29/11/2017

Khoảng 20% tổng diện tích cà phê của huyện Lạc Dương bị thiệt hại do sương muối

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương, vừa qua, trên địa bàn huyện có trên 700ha/3.500ha cà phê toàn huyện bị sương muối gây hại, tập trung chủ yếu ở các xã Đạ Nhim, Đạ Sar, Đạ Chais, Đưng K’nớ, xã Lát và thị trấn Lạc Dương. Trong đó, 2 xã Đạ Nhim (315ha) và Đạ Sar (146ha) bị thiệt hại nặng nề nhất.

Ước tính khoảng 1.000 hộ dân (riêng Đạ Nhim 557 hộ) có diện tích cà phê bị thiệt hại. Tỷ lệ diện tích cà phê bị sương muối tấn công trực tiếp khoảng 20% trên tổng diện tích cà phê hiện có của toàn huyện.

Để khắc phục có hiệu quả tình trạng sương muối gây hại trên cà phê, chúng tôi xin giới thiệu bà con nông dân các biện pháp như sau:

Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nhẹ đến trung bình

Tiến hành cắt bỏ ngay các bộ phận bị cháy (lá, hoa, quả, cành) càng sớm càng tốt, cắt sâu vào một đoạn 5-10cm (không cần xử lý vôi), hoặc cưa đốn 1/3-1/2 thân (phần cắt không còn thấy mạch dẫn bị hóa nâu là được), thu gom cành, lá và cỏ dại theo băng hạn chế xói mòn. Tưới nước và bón phân sớm vào đầu tháng 4/2015 để tạo cành mới và nuôi trái kịp thời.

Lượng phân hóa học và đợt bón thời kỳ kinh doanh.

Loại phân bón Số lượng (kg/ha) Thời kỳ bón
Tháng 2-3 Tháng 4-5 Tháng 6-7 Tháng 9-10
Urê 600 120 180 180 120
Lân Supe 600 600
KCl 500 100 150 150 100

Đối với cây cà phê kinh doanh bị hại nặng

Cần tiến hành cưa đốn phục hồi ngay càng sớm càng tốt ngay trong cuối tháng 3/2015. Phương pháp cưa cách gốc từ 20-25cm theo chiều từ trên xuống, nghiêng 1 góc 45o, vết cắt phải phẳng mịn, cắt theo hướng Đông Tây, phần vát nghiêng từ hướng Đông sang Tây để ánh nắng buổi chiều không chiếu vào vết cắt làm khô cây. Khi cắt cây xong, dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, thu gom cành, lá và cỏ dại tủ gốc. Tưới nước và bón phân kịp thời, đầy đủ, đặc biệt là phân hữu cơ (10-20 kg/gốc), phân vi sinh để cây ra chồi vượt mới. Sau đó tiến hành nuôi mỗi gốc từ 3-4 chồi to khỏe, phân bố đều quanh thân. Khi chồi cao 20-30cm thì tiếp tục tỉa định chồi giữ lại 1-2 chồi tạo thân mới.

Lượng phân hóa học và đợt bón thời kỳ cưa đốn phục hồi.

Loại phân bón Số lượng (kg/ha) Thời kỳ bón
Tháng 2-3 Tháng 4-5 Tháng 6-7 Tháng 9-10
Urê 300 60 90 90 60
Lân Supe 1.000 1.000
KCl 200 40 60 60 40

Đối với cây cà phê thời kỳ kiến thiết cơ bản

Đối với vườn cây cà phê kiến thiết cơ bản (hoặc cây cà phê kinh doanh bị hại nặng) khả năng hồi phục kém cần tiến hành trồng lại trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2015.

Công tác chuẩn bị

- Tiến hành phá bỏ cây chết. Thu gom tàn dư cây trồng xếp theo băng để hạn chế xói mòn. Xới xáo và đào hố trồng cây trong tháng 4. Trồng trong tháng 5 đến tháng 7. Mật độ trồng: 5.000 cây/ha, khoảng cách hàng x hàng 2m; cây x cây 1m. Đào hố kích thước 40cm x 40cm x 50cm.

- Ủ trộn phân: Sau đào hố khoảng 1 tháng, lấy phân hữu cơ + lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố, lấp đến đâu dùng chân nén chặt đến đấy. Hỗn hợp đất lân cao hơn miệng hố khoảng 10-15cm. Liều lượng phân cho 1 hố: 10-20kg phân hữu cơ + 0,2kg lân nung chảy. Nếu không đủ phân chuồng thì dùng phân hữu cơ đóng bao thay thế.

- Chuẩn bị cây con: Mua giống cà phê Catimor tại cơ sở sản xuất có chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống.

Lượng phân bón năm trồng mới:

Loại phân bón Số lượng (kg/ha) Tháng 4-5 Tháng 6-7 Tháng 9
Urê 100 30 40 30
Lân Supe 1.000 1.000 - -
KCl 60 30 - 30

- Cách trồng: Đất trong hố trồng cà phê cần đảo trộn đều, dùng cuốc móc 1 lỗ nhỏ giữa hố. Dùng dao rạch và bóc bầu ni lông, cắt xén đáy bầu, nhẹ nhàng đặt cây vào giữa hố, điều chỉnh cây đứng thẳng, lấp đất, nén chặt, mặt bầu cách mặt đất 10-15cm, mỗi hố trồng 1 cây. Nếu cây cà phê có rễ dưới đáy bị xoắn cần tiến hành cắt bỏ phần xoắn.

- Làm bồn: Tiến hành đào bồn chung quanh gốc cây cà phê để hạn chế xói mòn rửa trôi trong mùa mưa và chứa nước tưới trong mùa khô. Công việc đào bồn phải được tiến hành trước mùa khô từ 1-2 tháng. Trong năm đầu bồn được đào theo hình vuông với kích thước rộng 0,6m, sâu 0,15 - 0,2m, các năm sau bồn được mở rộng theo tán cây cho đến khi bồn đạt được kích thước ổn định: rộng 1-1,5m và sâu 0,15 - 0,2m. Khi vét đất tạo bồn cần hạn chế tối đa gây thương tổn cho rễ cà phê.

- Tủ gốc: Khi làm bồn xong, dùng rơm, rạ, cỏ tủ gốc, có thể tủ quanh gốc hoặc tủ theo băng với độ dầy từ 10-20cm, tủ cách xa gốc khoảng 5-10cm để tránh mối làm hại cây.

Trước mắt, Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức 15 lớp tập huấn khắc phục hậu quả sương muối gây hại trên cà phê. Đồng thời tích cực triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu giúp nông dân bị thiệt hại “cà phê sương muối” trồng mới tái canh cà phê và trồng xen cây màu ngắn ngày, nhằm sớm ổn định sản xuất trở lại.

Để ngăn chặn sương muối xuất hiện gây hại về lâu dài trên cây cà phê, bên cạnh biện pháp trồng cây che bóng, cây chắn gió là biện pháp tưới nước, tủ gốc, hun khói làm giảm bức xạ từ hơi đất khi trời lặng gió, nhiệt độ xuống thấp.


Có thể bạn quan tâm

rep-sap-hai-qua-ca-phe-va-bien-phap-phong-tru Rệp sáp hại quả cà… mot-duc-canh-ca-phe-va-bien-phap-phong-tru Mọt đục cành cà phê…