Tin thủy sản Các sợi vi nhựa gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở cá

Các sợi vi nhựa gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở cá

Tác giả Công Nhất, ngày đăng 16/09/2021

Một nghiên cứu hợp tác Trung - Mỹ đã phát hiện các loài cá khi tiếp xúc lâu dài với các sợi vi nhựa sẽ có nguy cơ cao bị phình động mạch, mài mòn lớp vảy và tổn thương phần mang nghiêm trọng. Ở các cá thể cá cái còn có hiện tượng tăng sản xuất trứng, dấu hiệu cho thấy các hóa chất trong sợi vi nhựa có thể gây rối loạn nội tiết.

Các sợi siêu nhỏ được cấu thành từ polyester, polypropylen và các loại nhựa khác được loại bỏ hoặc rửa trôi khỏi các loại vải sợi tổng hợp phục vụ sản xuất trang phục, mặt hàng tiêu dùng và các sản phẩm công nghiệp khác. Sau khi tách khỏi sợi vải, chúng sẽ xâm nhập vào nguồn nước thải và tích tụ trong sông hồ, đại dương. Tại một số khu vực trên thế giới, hơn 90% lượng vi nhựa gây ô nhiễm tích tụ trong môi trường nước.

Nhóm nghiên cứu Đại học Duke và Đại học Công nghệ Chiết Giang đã đặt 27 cặp cá gạo medaka Nhật Bản (Oryzias latipes) khỏe mạnh vào bể nước có hàm lượng sợi vi nhựa cao và liên tục theo dõi trọng lượng, khả năng sản xuất trứng, quá trình ăn và tiêu hóa sợi vi nhựa của cá. Sau 21 ngày, họ kiểm tra các mô của cá để xem có thay đổi nào xảy ra không.

Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí PLoS ONE, những con cá tiếp xúc với nước bể có chứa hàm lượng vi nhựa cao trong 21 ngày liên tiếp sẽ có biểu hiện của chứng phình động mạch, mang cá bị dính màng, tăng sản sinh chất nhầy, thay đổi các tế bào biểu mô và chịu ảnh hưởng của một số tác động khác. Những biến đổi này được đánh giá ở mức nghiêm trọng và mỗi thay đổi kể trên đều sẽ ảnh hưởng tới hô hấp của cá.

Các nghiên cứu thực địa trước đó đã chỉ ra rằng, dù nhiều loài cá nạp vào cơ thể một lượng lớn sợi vi nhựa mỗi ngày, nhưng nhờ có cơ chế bảo vệ bên trong đường ruột nên tổn thương với cơ thể dường như không đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu mới phát hiện ra rằng khi các sợi vi nhựa ở trong ruột, chúng có thể giải phóng các hóa chất đi vào máu.

"Ô nhiễm vi nhựa hiện đang là hiểm họa môi trường với mức đe dọa ngày càng cao cho các loài và hệ sinh thái trên toàn thế giới. Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung tìm kiếm sự hiện diện của vi nhựa bên trong cơ thể động vật mà không xác định được tác động của chúng ở cấp mô và tế bào”, nhà nghiên cứu Melissa Chernick cho biết. Chính vì vậy, nghiên cứu trên được thực hiện nhằm giúp giới khoa học xác định đúng hướng giải quyết vấn nạn ô nhiễm vi nhựa.


Có thể bạn quan tâm

cong-nghe-biofloc-nuoi-tom-va-vai-tro-bo-sung-carbohydrate Công nghệ biofloc nuôi tôm… khac-phuc-kho-khan-cua-mo-hinh-nuoi-tom-sieu-tham-canh Khắc phục khó khăn của…