Mô hình kinh tế Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm trong mùa mưa

Các vấn đề thường gặp khi nuôi tôm trong mùa mưa

Ngày đăng 24/07/2015

Tính đến giữa tháng 7/2015, Sóc Trăng đã thả giống trên 23.000 ha tôm nước lợ, ngoài 4.400 ha đã thu hoạch thì trong các diện tích thả giống đã có khoảng 6.000 ha bị thiệt hại, chiếm khoảng 26%, nhiều nhất ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề. Theo kết quả giám sát của các trạm thú y huyện, thị xã thời gian qua cho thấy, tôm nuôi bị thiệt hại chủ yếu có dấu hiệu của bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, đặc biệt trong giai đoạn 20 đến 45 ngày tuổi.

Theo các nhà chuyên môn, điều kiện môi trường thay đổi liên quan mật thiết đến việc phát sinh nhiều dịch bệnh trên tôm, ông Trương Hoàng Khai – Phó chủ tịch xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Tính đến nay xã có trên 50% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, do trước đó bị ảnh hưởng nắng nóng, độ mặn, độ kiềm trong ao quá mức cho phép, đến khi mưa dập xuống làm tôm sốc, hộ nuôi chưa có sự phòng ngừa kịp thời.”

Những yếu tố môi trường dễ thay đổi khi có mưa là mực nước trong ao, nhiệt độ, pH và độ kiềm nước, lượng oxy hòa tan. Bà con cần chủ động quản lý các yếu tố này như duy trì mực nước ao nuôi từ 0,8m trên mặt ruộng đối với mô hình tôm – lúa và 1,4 – 1,6m đối với mô hình nuôi bán thâm canh, độ trong thích hợp từ 30 – 45cm nhằm hạn chế sự phát triển của rong; pH trong khoảng 7,5 – 8,5 và chênh lệch sáng chiều không quá 0,5; độ kiềm thích hợp tôm sú là 80 – 120 mg/lít (tôm thẻ: lớn hoặc bằng 120 mg/lít trở lên); hàm lượng oxy hòa tan thích hợp 5 – 6 mg/lít, nếu hàm lượng oxy hòa tan thấp (dưới 4 mg/lít) tôm sẽ nổi đầu; quản lý khí độc khí H2S, NH3 ở mức giới hạn cho phép, ông Dương Thành Quang ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Khi thả tôm xong phải thường xuyên theo dõi thời tiết mỗi ngày, khi nghe báo, đài dự báo có mưa, bão thì phải tiến hành rải vôi quanh bờ ao để tránh tình trạng phèn trôi xuống ao, thường xuyên theo dõi lượng thức ăn để tránh thức ăn dư thừa trong ao nuôi khi mưa kéo dài, thường xuyên đo độ pH, độ mặn… để có hướng xử lý kịp thời.”

Ngoài ra, một số hiện tượng thường gặp và cách xử lý khi nuôi tôm trong mùa mưa, được kỹ sư Tè Thị Thu Vân – cán bộ kỹ thuật chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo như sau: “Bà con nuôi tôm chú ý sau cơn mưa tôm thường hay nổi đầu là do sự biến động pH, môi trường nước trong ao thay đổi nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm… làm cho tôm khó lột vỏ và lột vỏ không đều, bà con nên tăng lượng chạy quạt trong ao nuôi, thêm nước vào ao, dùng vôi chuyên dùng rải xuống ao nuôi.”

Theo kế hoạch, năm 2015, Sóc Trăng sẽ thả nuôi 45.000 ha tôm nước lợ, tức là gần 50% diện tích nuôi tôm còn lại sẽ được tiếp tục thả giống trong thời gian tới. Khi đó bà con sẽ dễ gặp trường hợp vừa thả giống xong thì mưa xuống, hoặc đang thả giống thì có mưa, do đó bà con cần có kỹ thuật để kịp thời xử lý, tránh tình trạng thất thoát giống tôm, anh Triệu Xuân Kha ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Thả tôm vào mùa mưa phải thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm; Nên thả vào buổi sáng khi trời nắng tốt, còn nếu có mưa thì tăng cường chạy quạt cho nước ồn định mới thả tôm.”

Các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo: bà con cần thường xuyên theo dõi hoạt động thường ngày của tôm, quan sát các biểu hiện trên thân, đầu, râu, gan tụy, đường ruột… hoặc thông qua việc kiềm tra lượng thức ăn, phân trong sàn ăn… để có biện pháp can thiệp kịp thời khi có hiện tượng khác thường. Cho tôm ăn thức ăn chất lượng tốt, thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn của tôm, đặc biệt là vitamin C và khoáng chất liều lượng 5 – 10 gram/kg thức ăn. Để thức ăn nơi cao ráo, thoáng mát tránh bị ẩm mốc, không dùng thức ăn đã ẩm mốc hay quá hạn sử dụng cho tôm ăn. Không lạm dụng thuốc và hóa chất trong phòng và trị bệnh cho tôm và chỉ sử dụng thuốc trong danh mục cho phép của Bộ NN và PTNT.


Có thể bạn quan tâm

no-luc-cuu-so-huyet-o-loan Nỗ lực cứu sò huyết… dien-chau-nghe-an-co-hon-3-3-ha-tom-nuoi-bi-benh Diễn Châu (Nghệ An) có…